Xây dựng kịch bản tiêu thụ nông sản trong mùa dịch

author 06:36 16/05/2021

(VietQ.vn) - Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 đang lan rộng, các cơ quan bộ, ngành và địa phương đã chủ động nhiều phương án để xúc tiến tiêu thụ, trong đó có vải thiều vào chính vụ thu hoạch.

 Cần có "kịch bản" thích ứng để xúc tiến khi vải thiều đang bắt đầu vào chính vụ 

Tạo “cơ chế” xúc tiến vải thiều

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương thông tin, ngày 14/5, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) có văn bản hỏa tốc về việc tạo điệu kiện cho thương nhân Trung Quốc vào thu mua vải thiều Bắc Giang. Theo đó, thực hiện ý kiến của Văn phòng Chính phủ tại công văn số 3164 (ngày 14/5) và trên cơ sở ý kiến thống nhất của các Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, tổ công tác 5 Bộ đã đồng ý cho các thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh vào Việt Nam để khảo sát, đàm phán, thu mua vải thiều theo phương án của tỉnh Bắc Giang đề xuất.

Tỉnh Bắc Giang có trách nhiệm phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan tổ chức đón, cách lý theo đúng phương án đã đề ra, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID - 19.

Ông Dương cho biết thêm, tỉnh Bắc Giang đề xuất cho 190 thương nhân Trung Quốc được phép đến thu mua vải thiều ở tỉnh này. Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2021, tỉnh có 28.100 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2020), thời vụ thu hoạch dự kiến từ 10/5 -30/7. Cũng trong ngày 14/5, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) có văn bản đồng ý cho 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để tiêu thụ vải thiều Bắc Giang. Các thương nhân này sẽ được nhận thị thực tại Cửa khẩu Hữu nghị (Lạng Sơn).

 Tỉnh Bắc Giang đang tạo "cơ chế" để thương gia Trung Quốc thu mua vải thiều

Trước tình hình dịch COVID - 19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã sớm ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Dự kiến ngày 8/6, tỉnh Bắc Giang mở hội nghị trực tuyến ở trong và ngoài nước về xúc tiến tiêu thụ vải thiều, trong nước có 21 điểm cầu và một số điểm cầu ở Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Úc.

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - vựa vải thiều lớn nhất tỉnh Bắc Giang cho hay: Năm nay, sản lượng vải thiều ở huyện Lục Ngạn ước khoảng 120.000 tấn, tăng 30.000 tấn so với năm ngoài. Huyện này chuẩn bị 8 khách sạn và nhân lực để đưa đón và cách ly thương nhân nước ngoài, trong đó có thương nhân Trung Quốc đến thu mua vải thiều. Thời gian cách ly thương nhân nước ngoài là 21 ngày, kiểm tra y tế và giám sát hằng ngày. Sau khi hết 21 ngày cách ly, các thương nhân nước ngoài tiếp tục được theo dõi sức khỏe trong 7 ngày.

Xây dựng kịch bản để không ứ đọng nông sản trong mùa dịch

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, một số nhóm hàng nông sản có tính thời vụ đang vào mùa thu hoạch như: Vải, nhãn, thanh long, sầu riêng… (sản lượng vải thiều ước tính khoảng 340 nghìn tấn, tập trung chủ yếu ở Bắc Giang, Hải Dương). Do vậy, các địa phương cần đưa ra các giải pháp tốt nhất để bảo đảm cân đối cung cầu thị trường nông sản, thúc đẩy tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, bà con nông dân trước tác động của dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), hiện nông sản đáng lưu ý nhất là lượng vải thiều tại 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên với ước đạt 250.000 tấn; thời gian thu hoạch vải sớm từ đầu tháng 5 đến ngày 10/6, chính vụ từ ngày 10/6 đến 20/7. Sản lượng vải thiều tiêu thụ qua xuất khẩu chiếm khoảng 50% và tập trung chủ yếu xuất quả tươi sang thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài như hiện nay, muốn đảm bảo được nông sản tiêu thụ bình thường, phải giải quyết được vấn đề vướng mắc trên.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương bám sát chỉ đạo sản xuất theo mùa vụ, theo dõi sát tình tình dịch bệnh, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT cần bố trí cán bộ trong hoạt động kiểm dịch động, thực vật, hỗ trợ giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp; đồng thời tham mưu tháo gỡ khó khăn; tham mưu mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết các vấn đề phát sinh khi có vướng mắc, đặc biệt tại các cửa khẩu. Các địa phương cần tiếp tục xây dựng phương án cụ thể, tránh để tình trạng ứ đọng nông sản cục bộ.

Về tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn diễn ra bình thường. Do vậy, các địa phương cần cơ chế vận hành kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ thông suốt, liên tục, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định và chủ động.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần xây dựng thêm các khu trung chuyển ở khu vực cửa khẩu, để không chỉ tăng khả năng lưu trữ mà còn là nơi phân loại nông sản, cho đối tác sang xem hàng hoặc thực hiện các thủ tục kiểm dịch. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng kịch bản tiêu thụ nông sản khác nhau phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời kiến nghị Thủ tướng phương án đưa thương nhân Trung Quốc (sau khi kiểm tra, cách ly chặt chẽ) tham gia mua bán trong mùa thu hoạch.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang