Xuân Bắc: Tôi không bao giờ đội mũ bảo hiểm giả

author 11:05 15/03/2013

"Có thể 50 năm đi xe không gặp tai nạn, nhưng đến năm thứ 51 hoặc một thời khắc nào đó... vậy tại sao không phòng trước, đội một chiếc mũ đảm bảo chất lượng?" danh hài Xuân Bắc chia sẻ.

Bên lề buổi họp báo triển khai Kế hoạch “Tổ chức chiến dịch tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm” chiều 14/3, phóng viên đã có cuộc trao đổi thú vị với nghệ sĩ hài Xuân Bắc.

 - Vai trò của anh khi tham gia chiến dịch này là gì? 

Với tư cách là một đại sứ văn hóa giao thông, tôi cho rằng để đảm bảo có văn hóa giao thông, chúng ta không nên vi phạm các quy định của luật giao thông. 
 
Nếu chúng ta chỉ đội mũ bảo hiểm giả rõ ràng mang bực vào người vì nó không có giá trị gì khi xảy ra tai nạn. Cũng mất một công đội, tại sao chúng ta không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đã được kiểm định chất lượng, có khả năng chịu sự va đập?
 
Có thể 50 năm bạn đi xe không gặp tai nạn, nhưng đến năm thứ 51 hoặc một thời khắc nào đó bạn bị thì tại sao không phòng trước, đội một chiếc mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng? 
 
Tôi cho rằng, đây là dịp để nghệ sĩ chúng tôi góp tiếng nói, truyền thông cho mọi người về tầm quan trọng của những chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn. 
Nghệ sỹ Xuân Bắc
Nghệ sỹ Xuân Bắc kịch liệt lên án hành vi đội mũ bảo hiểm kém chất lượng
 
Sẽ không ai nhắc từng người, phạt từng người được. Quan trọng là ý thức của mỗi người về sự an toàn của chính mình. 
 
- Nhiều người cho rằng việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả thay vì các cơ sở sản xuất, kinh doanh chúng là một nghịch lý chỉ có ở Việt Nam. Quan điểm của anh về vấn đề này ra sao? 
 
Đây là việc không thể đổ lỗi cho người dân. Cần sự vào cuộc đồng loạt của các cơ quan chức năng như bên Cục quản lý thị trường, bên kiểm định chất lượng, cơ quan thuế…để những sản phẩm được bày bán phải là những sản phẩm chính hãng, đạt tiêu chuẩn chất lượng. 
 
Sẽ có nhiều người lý sự “Tôi bán loại mũ để che nắng khi đi đường chứ không phải mũ bảo hiểm”, nhưng theo tôi, tất cả các mặt hàng bán trên thị trường đều phải có nguồn gốc, xuất xứ và được kiểm định rất rõ ràng. 
 
Vậy thì chiếc mũ đó đăng kí theo chất lượng nào, do ai sản xuất, đăng kí bao giờ, mặt hàng đặt mua ở đâu, thuế nhập vào/xuất ra nộp ở đâu?... Có thể thấy, nhiều người đang sử dụng cách nói để mong có sự thông cảm nhiều hơn. 
 
Tôi nghĩ là chúng ta chưa xử phạt các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm dởm chứ không phải là không. Sau chiến dịch này, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc mạnh mẽ. Đây sẽ là cơ hội tốt để những đơn vị kinh doanh chính thống, đàng hoàng phát triển. 
 
Cần phải xử nghiêm những cá nhân, đơn vị dung túng cho những hoạt động đó. Phải nghiêm từ khâu quản lý thì mới mong người dân nhìn vào đó làm tấm gương noi theo. 

- Anh đã từng đội mũ bảo hiểm giả chưa? Theo anh, tác hại của mũ bảo hiểm giả là gì? 
 
Tôi không bao giờ đội mũ bảo hiểm giả. Tác hại của mũ bảo hiểm giả chúng ta có thể nhìn thấy ngay. Không cần phải là một người giỏi lắm đã nhận biết tác hại của chúng. 
 
Chúng không có giá trị bảo vệ nếu xảy ra tai nạn, đặc biệt khi va chạm mạnh. Nó sẽ không bảo vệ được đầu. Các mảnh vỡ của nó có thể cắm vào đâu đó hoặc vỡ vụn rồi đâm vào mắt, mũi, cổ thì rất nguy hiểm. 
Ông Trần Xuân Hà – Phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công An) cho hay, tới đây, lực lượng CSGT sẽ chỉ xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách, không xử phạt người đội mũ giả mà chỉ nhắc nhở và vận động sử dụng mũ đạt chuẩn. 
 
Đợt cao điểm được thực hiện theo chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 8/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý về sản xuất kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, sẽ diễn ra trong 3 tháng kể từ ngày 15/3 đến ngày15/6/2013.  
 
Trong khi đó, ông Trần Hùng – Cục phó Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) nói số hàng giả khi bị phát hiện sẽ áp dụng các biện pháp xử lý kiên quyết như tịch thu, tiêu hủy hàng hóa, tịch thu trang thiết bị sản xuất nếu có hành vi cố tình vi phạm,  truy tố hình sự các vụ việc có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.
 
Tính đến hết ngày 12/3, qua kiểm tra tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng… lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ, chờ xử lý trên 25.000 mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng.
 
Ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ Khoa học và công nghệ) cho biết, mũ giả mạo mũ bảo hiểm là những loại mũ: Thứ nhất không có tem hợp quy CR. Thứ hai, không có lớp xốp hoặc có lớp xốp nhưng mỏng và mềm, dùng tay ấn lớp xốp lún xuống. Thứ ba, không có nhãn “mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy”. 
 
Cách cài quai đúng cách: Kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại. Không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm. 
 
Sau khi đội mũ bảo hiểm cần kiểm tra lại bằng cách dùng tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán (hoặc phần cằm đối với mũ cả hàm) lên rồi kéo ra đằng sau, mũ phải không được bật ra khỏi đầu. 

Minh Quân/VTC News

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang