Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Khó hay dễ?

author 08:29 30/03/2019

(VietQ.vn) - Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm và thương mại tiểu ngạch. Đây là cơ hội để sản phẩm Việt Nam nâng cao chất lượng, số lượng xuất khẩu chính ngạch nhằm giữ vững uy tín, hình ảnh trên thị trường.

Tại hội thảo “Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Những điều doanh nghiệp cần biết” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại TP.HCM ngày 28/3, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thông tin, Trung Quốc ngày càng yêu cầu ngặt nghèo hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói theo các quy định, tiêu chuẩn.

Hiện có tám loại trái cây được phép nhập chính ngạch vào Trung Quốc là xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, thanh long, nhiều loại trái cây khác có nguồn cung lớn cũng đang tìm cách vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch.

Trái cây Việt Nam muốn vào Trung Quốc sẽ phải chịu sự kiểm soát khắt khe hơn, đặc biệt là vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Đáng chú ý, các mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam như xoài, thanh long đang phải cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có sản phẩm cùng loại, đặc biệt là Thái Lan, nước có 23 loại nông sản được Trung Quốc nhập chính ngạch, trong khi Việt Nam chỉ có 8. 8 loại nông sản Việt được vào chính ngạch tại thị trường Trung Quốc gồm: Xoài, nhãn, chuối, dưa hấu, chôm chôm, vải, mít, thanh long.

Về nhóm hàng thủy, hải sản, theo ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản, tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang tăng mạnh nhu cầu mua thủy, hải sản đánh bắt tự nhiên. Năm 2019, cơ hội rất lớn cho thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch do nước này đang giảm mạnh diện tích nuôi trồng thủy sản, thuế nhập khẩu đang được điều chỉnh có lợi cho doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm lại được siết chặt hơn.

Tuy nhiên, ông Hòe khuyên doanh nghiệp nên tập trung nâng cao chất lượng để xuất chính ngạch sẽ tốt hơn nhiều về giá lẫn tính bền vững. Ngoài ra, vị này cũng cảnh báo tình trạng xuất khẩu thủy sản bằng đường bộ mà không cần xin chứng thư chất lượng có thể tạo ra những hệ lụy về chất lượng sản phẩm cũng như hình ảnh sản phẩm thủy, hải sản Việt rất lớn. “Cần thực hiện quản lý chất lượng thông qua việc cấp và kiểm tra Chứng thư chất lượng trước khi xuất khẩu hàng đi Trung Quốc”, ông Hòe khuyến cáo.

Theo ông Hòe, từ năm 2013 – 2017, Trung Quốc đã nhập hơn 8 tỷ USD thủy sản các loại, trung bình đạt 3 triệu tấn sản phẩm mỗi năm. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam, măm 2018, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt hơn 1,5 tỷ USD.

Để tìm con đường đưa nông sản Việt Nam sang Trung Quốc, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành nông sản, thủy sản cho rằng, các bộ ngành và Chính phủ cần có động thái can thiệp để các cơ quan chức năng Trung Quốc cùng ngồi lại với phía Việt Nam, tính toán và tăng danh mục loại nông, thủy sản được nhập chính ngạch vào Trung Quốc. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng có thể hồi phục mạnh với thị trường Trung Quốc khi chất lượng sản phẩm được kiểm soát tốt và tập trung đi đường chính ngạch.

Với Trung Quốc, từ trước đến nay chúng ta hay cho rằng đây là thị trường không cần tiêu chuẩn cao. Nhưng đây là quan điểm sai, bởi Trung Quốc họ yêu cầu rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn nhập khẩu. Chính vì thế, doanh nghiệp Việt phải thật sự nghiêm túc để thực hiện, đầu tư cho khâu kiểm soát vệ sinh An toàn thực phẩm. Đơn cử như tiêu chuẩn Tổng hiếu khí của vi sinh vật được phép ở thị trường Trung Quốc chỉ 1.000 CFU/1 gram so với 10.000 CFU//1 gram của các quốc gia khác.

Trước những đòi hỏi này, doanh nghiệp cần thay đổi môi trường sản xuất, đóng gói tốt, bảo đảm sạch sẽ, tiệt trùng thì mới có thể vượt qua được hàng rào kỹ thuật này. Tùy vào sản phẩm, doanh nghiệp cần tiếp cận với cơ quan kiểm dịch của Trung Quốc để biết rõ các yêu cầu trước khi nhập khẩu vào đây. Nếu doanh nghiệp có sự quản lý tốt sẽ tạo ra môi trường lành mạnh, công bằng hơn, giúp thúc đẩy các doanh nghiệp lớn tham gia vào quá trình buôn bán.

Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Vinamit

 

Thiếu chỉ dẫn xuất khẩu chính ngạch sang Trung QuốcHiện nay, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, thiếu thông tin, thiếu hướng dẫn thủ tục xuất khẩu nông sản chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang