Ý tưởng độc đáo biến rác thải nhựa thành nội thất ô tô

author 06:30 07/10/2020

(VietQ.vn) - Các mẫu xe ô tô Jaguar và Land Rover trong tương lai sẽ sở hữu nhiều chi tiết trang trí và thảm sàn được làm từ Econyl (một loại rác thải nhựa tái chế).

Econyl được sản xuất từ sự kết hợp của nhựa công nghiệp tái chế, vải thừa cắt bỏ từ các công ty quần áo, lưới đánh cá được thu hồi và bị bỏ rơi trên đại dương. Loại vật liệu tái chế này sau đó sẽ được sử dụng trong sản xuất quần áo, đồ thể thao và dây đeo đồng hồ.

Nguyên liệu được xử lý trong nhà máy hóa chất và chia nhỏ thành vật liệu thô, trước khi được chuyển thành sợi. Phần thừa trong quá trình sản xuất bao gồm các kim loại và đồng sunfat được gửi đến địa điểm khác để tái chế.

Theo hãng xe Jaguar Land Rover (Anh), quy trình tái chế sử dụng trong sản xuất vật liệu làm giảm tác động nóng lên toàn cầu của nylon tới 90% so với việc sản xuất từ dầu mỏ. Điều đó có nghĩa, mỗi khi sản xuất 10.000 tấn Econyl sẽ giúp tiết kiệm 70.000 thùng dầu thô và 65.100 tấn CO2.

Sự ra đời của Econyl là một phần trong nỗ lực của Jaguar Land Rover nhằm cung cấp loạt chất liệu cho “cảm giác sang trọng tương tự" như nội thất truyền thống của hãng, nhưng giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đây là nỗ lực của hãng xe để giảm lượng khí thải Carbon của mình xuống mức bằng không.

Trong tương lai, nội thất của các xe Jaguar Land Rover sẽ sử dụng vật liệu làm từ rác thải nhựa. 

Trước đó, trong nỗ lực biến rác thải thành các sản phẩm có ích, các nhà khoa học miền trung nước Nga đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng công nghệ tái chế nhựa cho phép biến rác nhựa thành nguyên liệu đầu vào để thu hồi xăng, dầu và than bán cốc.

Giải pháp cốt lõi của phương pháp này là công nghệ nhiệt phân trong môi trường yếm khí. Khi đó rác nhựa được đốt nóng lên đến nhiệt độ cao nhất định, các kết cấu nhựa bị phân rã chuyển thành dạng khí. Khí này được làm lạnh ngưng tụ thành chất lỏng dầu, sau đó thu được xăng dầu theo yêu cầu. Các thành phần chất rắn được kết tinh lại trong quá trình nhiệt phân là than chất lượng cao gọi là than bán cốc.

Trong quá trình ngưng tụ, khí không xử lý hết được dẫn ra ngoài và quay vòng trở lại để làm nhiên liệu đốt vận hành hệ thống xử lý rác mà không phải dùng điện hay các nguồn năng lượng khác. Một ưu việt nữa của công nghệ này là tổ hợp lò nhiệt phân không thải ra môi trường bất kỳ chất độc hại nào, nên được gọi là công nghệ sạch, thân thiện môi trường.

Khảo sát của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy, với công suất xử lý khoảng 7 tấn nhựa một ngày, hệ thống thiết bị cần đầu tư gần 7 tỷ đồng. Sau xử lý sẽ thu hồi được 3 tấn xăng, dầu và 2,5 tấn than bán cốc. Dung dịch dầu thu hồi là FO và diesel đạt chất lượng, có thể dùng ngay. Với xăng sẽ cần thêm một thiết bị phụ trợ để xử lý thành xăng tiêu chuẩn EURO 4 và EURO 5.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang