Apple yêu cầu chuyên gia xóa sổ hàng giả, hàng nhái trên mạng

author 07:31 21/03/2021

(VietQ.vn) - Apple đã yêu cầu nhóm chuyên gia của mình phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để chống các tổ chức bán hàng giả, hàng nhái thương hiệu Apple.

Cụ thể, Apple yêu cầu nhóm chuyên gia của mình phải trực tiếp phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật, thương gia, cơ quan truyền thông, mạng xã hội và các trang thương mại điện tử trên toàn thế giới để gỡ bỏ toàn bộ các sản phẩm giả, nhái thương hiệu Apple khỏi các nền tảng thương mại điện tử cũng như mạng xã hội.

Chiến dịch truy quét hàng giả, hàng nhái của Apple đã được đẩy mạnh sau vụ việc một người dùng có tên Andrea Stroppa đã báo cáo về việc bộ sạc iPhone được mượn từ người bạn bị phát nổ. Sau khi điều tra thì người đàn ông phát hiện ra rằng bộ sạc này được mua trên Instagram với mức giá rẻ.

Sau đó, người đàn ông đã khởi xướng nghiên cứu về mạng xã hội có tên là Ghost Data và đã công bố tình trạng bán hàng nhái Apple trên Instagram. Từ đó, nhóm chuyên gia đã ngay lập tức tham gia vào công cuộc chống mua, bán hàng giả của hãng Apple.

Cụ thể, theo nghiên cứu Ghost Data, hiện trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều tài khoản bán phụ kiện Apple giá rẻ mà chưa được xác minh về độ an toàn và hầu hết là đến từ Trung Quốc. Những nhà phân phối này cung cấp pin, cáp sạc...

Đặc biệt, có những người còn bán các sản phẩm nhái giống hệt iPhone và Apple Watch cho những khách hàng ít hiểu biết về công nghệ thông qua WeChat hay WhatsApp. Năm 2020, nhờ sự hợp lực của nhóm chuyên gia Apple mà hơn 1 triệu tài khoản bán hàng giả đã bị đánh bay.

Tuy nhiên, không chỉ trên Facebook hay các mạng xã hội khác, việc kiểm soát hoạt động bán hàng giả của Instagram cũng còn khá lỏng lẻo. Trước tình trạng này, phía Instagram cho hay hoạt động mua bán hàng giả đã vi phạm chính sách của công ty và họ sẽ nỗ lực phản hồi và xóa các tài khoản bán hàng giả sớm nhất có thể.

Ảnh minh họa 

Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và mua sắm online vô hình chung tạo điều kiện cho hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan hơn. Mặc dù thương mại điện tử tiện lợi hơn rất nhiều cho việc mua sắm, nhưng đồng thời cũng rút ngắn quãng đường để hàng giả, hàng nhái tiếp cận người mua.

Không chỉ tại Việt Nam, hàng giả, hàng nhái luôn luôn là vấn nạn khiến chính phủ và doanh nghiệp nhiều nước phải đau đầu. Hàng giả, hàng nhái không những làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng thật, mà trong một số trường hợp còn gây nguy hại cho người tiêu dùng. Ngay cả các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, eBay và Alibaba cũng đều xuất hiện tình trạng hàng giả.

Có nhiều ý kiến cho rằng, các sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm lớn nhất khi xuất hiện hàng giả, hàng nhái trên nền tảng của mình. Amazon là ông lớn đầu tiên có những động thái cụ thể. Công ty này đã kết hợp với các tập đoàn công nghệ khác để truy dấu vết trên mạng của những kẻ bán hàng giả.

Từ năm 2019, Amazon triển khai Project Zero, cho phép các nhãn hiệu hàng thật được phép tự xóa sổ những sản phẩm nhái khỏi sàn. Amazon cũng nói rằng đã đổ 400 triệu USD vào chiến dịch chống hàng giả hàng nhái trong năm 2018. Năm 2017, trang Alibaba cũng phải thành lập một liên minh chống hàng giả sau khi xuất hiện một loạt các khiếu nại về tình trạng hàng giả có mặt trên sàn này.

Tại Mỹ, ngay tại cửa khẩu, hải quan Mỹ cũng được chính phủ cấp phép mở rộng quyền tịch thu các mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc đó cũng nhấn mạnh về việc ngăn chặn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thỏa thuận giai đoạn một với Trung Quốc.

Khác với các hình thức mua bán hàng giả, hàng nhái khác, có thể thấy việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái online trên các sàn quốc tế như Amazon hay Alibaba cần có sự phối hợp giữa cả giới chức và những ông chủ chợ, vì không dễ gì truy dấu được những tài khoản thoắt ẩn thoắt hiện trên mạng nếu không có sự can thiệp của công nghệ.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang