Sẽ có những biện pháp xử lý nghiêm vấn nạn mạo danh trong quảng cáo, kinh doanh TPBVSK
Báo động vấn nạn mạo danh quảng cáo trong hoạt động kinh doanh TPBVSK
Báo động thực phẩm chức năng chứa chất cấm, không rõ nguồn gốc
Thủ đoạn tinh vi
Như Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.Vn) đã đăng tải bài viết “Báo động vấn nạn mạo danh quảng cáo trong hoạt động kinh doanh TPBVSK” để phản ánh về thực trạng mạo danh người nổi tiếng, y bác sỹ trong quảng cáo kinh doanh TPBVSK lừa dối người tiêu dùng. Qua đó phần nào phản ánh về những góc khuất của thị trường TPCN hiện nay đang méo mó vì phát triển quá nóng những năm gần đây.
Trải qua nhiều tuyến bài tìm hiểu vạch trần bản chất của hoạt động kinh doanh TPBVSK trên thị trường hiện nay, PV VietQ.vn đúc kết được sở dĩ vấn nạn mạo danh quảng cáo có thể nở rộ như vậy vì phần lớn do bộ phận những người kinh doanh chộp giật, “lướt sóng” thị trường nên thủ đoạn thường rất tinh vi nhằm qua mặt cơ quan chức năng.
Có thể mô tả một vài thủ đoạn như sau, đơn vị kinh doanh khi cho ra đời 1 sản phẩm thường lập ra rất nhiều địa chỉ, trang web trên internet, mạng xã hội rồi gắn mác, chắp vá hình ảnh, quảng cáo dối trá sai công dụng để lừa dối người tiêu dùng. Khi sự việc được phát giác, đơn vị phân phối thường phủi bỏ trách nhiệm, đổ lỗi cho đại lý tự chạy quảng cáo, hoặc không nhận những địa chỉ quảng cáo sai quy định là thuộc công ty quản lý. Vòng đời một sản phẩm hoặc địa chỉ quảng cáo mạo danh, dối trá thường rất ngắn, hễ khi vi phạm bị phát giác thì có thể thay đổi tên mẫu mã sản phẩm tức thì, còn các địa chỉ quảng cáo mạo danh thì lại mọc ra một chi mới.
Chính sự tinh vi, tráo trở này nên cơ quan chức năng xử lý có khi không xuể, hoặc không thể xác minh hết được các địa chỉ, công ty đang có dấu hiệu vi phạm vì trên thị trường có hàng nghìn sản phẩm đang được quảng cáo mạo danh có chung một công thức. Bản thân người tiêu dùng, người bị mạo danh thì bất lực trước những thông tin sai trái.
Hành vi mạo danh bị nghiêm cấm
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, các doanh nghiệp sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y tế, cán bộ y tế để quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng là hành vi bị nghiêm cấm.
Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt rất nhiều cơ sở, cá nhân sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh. Thậm chí, có những đơn vị vi phạm quảng cáo đã bị xử phạt với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng…
Về phía người tiêu dùng, ông Phong khuyến cáo, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kì, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo "nổ" vi phạm quy định.
“Với những sản phẩm đang có dấu hiệu vi phạm, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi thông báo, chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nêu.
Thông tin về việc thanh, kiểm tra xử lý sai phạm thuộc lĩnh vực quản lý, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, các bác sỹ không được phép bán, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sỹ để bán thuốc trên mạng xã hội đều là giả mạo. Ngành Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân.
“Để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và gia đình mình, người dân cần nâng cao cảnh giác, không bị các đối tượng mạo danh bác sĩ, hay bệnh viện điều trị, kê đơn, bán thuốc… gây thiệt hại không đáng có”, ông Nguyễn Văn Nhiên lưu ý.
Theo luật sư Nguyễn Tri Ðức, với trường hợp bị mạo danh thì cách hay nhất là cần tiến hành làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng. Bởi lẽ, quyền về hình ảnh cá nhân là một trong những quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ. Ngoài việc tố cáo, theo ông Ðức, cá nhân có hình ảnh bị các đối tượng lợi dụng quảng cáo sai sự thật để bán thuốc trục lợi có thể chủ động thực hiện việc khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết sự việc đối với những thiệt hại (nếu có) do hành vi xâm phạm hình ảnh nói trên, tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Sẽ siết chặt xử lý vi phạm
PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền - Bộ Y tế, cho biết việc quảng cáo "thần y" chữa các bệnh hiểm nghèo, "nhà tôi 3 đời" bán các loại thuốc đông y liên quan nhiều đến quản lý mạng xã hội. Vì thế, Bộ Y tế sẽ có buổi làm việc với Bộ Thông tin - Truyền thông để cùng có các giải pháp quản lý, kiểm soát, ngăn chặn việc quảng cáo sai lệch này.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng trên, Bộ Y tế sẽ rà soát tổng thể các vấn đề về cấp phép, hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Với người đã được cấp phép, phải bổ sung, cập nhật chuyên môn; quá trình hành nghề nếu có sai sót thì cơ sở quản lý ở địa phương chịu trách nhiệm. Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, chất lượng dược liệu. Cùng với đó là các biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực y, dược cổ truyền tư nhân, bảo đảm thuốc đông y phải phát triển dựa trên khoa học bằng chứng. "Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng cần có sự hiểu biết, tỉnh táo khi lựa chọn các phương án điều trị bệnh" - PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh khuyến cáo.
Ðề cập vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế Trần Việt Nga cho biết vừa qua, cục đã có nhiều buổi trao đổi với các cơ quan thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông, Cục An ninh mạng, Công an TP Hà Nội để siết chặt hơn nữa việc xử lý quảng cáo vi phạm. Theo bà Việt Nga, đối với các mạng xã hội, đây là kênh quảng cáo vô cùng phong phú, nhiều người lợi dụng để quảng cáo, bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như thuốc, thực phẩm chức năng. Cục ATTP đã phối hợp rất chặt chẽ với Cục Báo chí, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông để có biện pháp quản lý nhất định. Ðơn cử, với Facebook, Cục ATTP đã có trao đổi, làm việc với Bộ Thông tin - Truyền thông và Facebook, yêu cầu thiết lập kênh thông tin trực tiếp và đưa ra các yêu cầu về chấp hành các quy định ATTP của Việt Nam.
Ngoài ra, Cục ATTP cũng làm việc với đại diện Facebook để có hướng kiểm soát kinh doanh các loại thực phẩm chăm sóc sức khỏe trên mạng. "Chẳng hạn, nếu ghi nhận những quảng cáo sai sự thật liên quan đến lĩnh vực thực phẩm, Cục ATTP sẽ chụp ảnh làm bằng chứng, ghi nhận sai sót ở thời điểm cụ thể. Từ đó, đơn vị gửi mẫu cho các trang bán hàng và Facebook để họ phối hợp gỡ những quảng cáo sai" - bà Nga thông tin.
Bên cạnh đó, với những mạng xã hội khác, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Y tế đã có các buổi làm việc với các đại lý phát hành quảng cáo, yêu cầu họ phải thiết lập hệ thống nội bộ để rà soát thông tin quảng cáo đối với sản phẩm bảo vệ sức khỏe.
An Nguyên