Báo chí góp phần hạn chế gia tăng tội phạm

author 09:36 15/06/2012

(VietQ.vn) - Ngày 14/6 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.

Kênh thông tin đặc biệt quan trọng

Hơn 30 tham luận tại hội thảo nêu bật mối quan hệ giữa báo chí với lực lượng công an nhân dân, vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Thực tiễn cho thấy, báo chí là kênh thông tin đặc biệt quan trọng trong tuyên truyền công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; bằng hoạt động tác nghiệp của mình, báo chí phát hiện, phản ánh chính xác tình hình phức tạp của tội phạm, các vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng này thì sự phối hợp giữa lực lượng báo chí và lực lượng an ninh là rất cần thiết, đòi hỏi tính liên tục, chặt chẽ và thường xuyên nhằm chuyển tải thông tin đến người dân một cách chính xác, trung thực, có định hướng và đậm chất nhân văn. 

Ghi nhận những kết quả tốt đẹp đã đạt được trong quá trình hợp tác giữa cơ quan báo chí và cơ quan điều tra, ông Nguyễn Văn Ba - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát nhân dân, nhấn mạnh báo chí không chỉ nêu thực trạng tình hình, không chỉ phê phán một chiều mà còn hướng dẫn tổ chức thực tiễn, nêu ra những biện pháp, giải pháp cụ thể để ngăn chặn phòng ngừa tội phạm. Chính những giải pháp, biện pháp đó đã góp phần tích cực trong việc làm chuyển đổi nhận thức, thay đổi hành vi, góp phần hạn chế sự gia tăng tội phạm ở nước ta. 
 
Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị
 
Đánh giá cao vai trò của báo chí, ông Nguyễn Tiến Trình - Phó Cục trưởng Cục chính trị - Hậu cần Cảnh sát phòng chống tội phạm, cho rằng hiện nay, hoạt đông của các loại tội phạm ngày càng tinh vi với phương thức, thủ đoạn liên tục thay đổi, vì vậy, việc báo chí cập nhật và cung cấp thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm đến người dân là điều tất yếu trong công tác phòng chống tội phạm.
 
 

"Báo chí cần thông tin chính xác, nhanh chóng, kịp thời thể hiện được tính chân thực, phát huy vai trò định hướng dư luận đồng thời cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra tiến hành điều tra, khám phá các vụ việc... Báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển đất nước"

(Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Thế Kỷ)

 
 
Qua phương tiện truyền thông, người dân được tuyên truyền sâu rộng về cách thức lừa đảo của tội phạm, đặc biệt là đối với loại tội phạm mới - tội phạm sử dụng công nghệ cao được báo chí đề cập với mật độ dày đặc trong thời gian gần đây. Loại tội phạm này tập trung chủ yếu ở lĩnh vực ngân hàng, khai thác lỗ hổng an ninh của hệ thống internet để trục lợi bất chính. Trong khi đó, các cá nhân, tổ chức kinh doanh tại Việt Nam chưa thực sự chú trọng đến các biện pháp phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao. Vì vậy, việc cơ quan chức năng phối hợp với báo chí để phản ánh cụ thể phương thức, thủ đoạn lừa đảo của loại tội phạm này là hết sức cần thiết. 
 
Báo chí cũng giúp cơ quan chức năng về phòng, chống tội phạm đưa ra những khuyến cáo, biện pháp và cách thức xử lí các hành vi phạm pháp. Nhờ vậy, các tổ chức, cá nhân có thể chủ động hơn trong việc phòng chống các loại tội phạm. Ngoài ra, báo chí còn có vai trò thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mỗi sự kiện, vụ việc, dù là theo dõi hoạt động của chính phủ, phát hiện tham nhũng hay đưa tin về tội phạm, báo chí đều phản ánh một cách cởi mở và công bằng. Có như vậy, thông tin đến với người dân mới đầy đủ, trọn vẹn và được phân tích trên mọi khía cạnh, góc độ của sự việc.
 
“Vinashin là một ví dụ về việc báo chí đã giúp người dân hiểu hơn về hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước. Mọi góc cạnh của vụ án được đưa ra để các chuyên gia cũng như người dân phân tích, bình luận đã tạo sức ép cho cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, xử lí và kêu gọi Chính phủ phải hành động để cải thiện tình trạng này. Hay như việc xét xử Lê Văn Luyện trong vụ thảm sát cướp tiệm vàng Ngọc Bích (Lục Ngạn, Bắc Giang), việc báo chí và lực lượng cảnh sát điều tra luôn song hành trong suốt quá trình phá án đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng bởi thông tin được cập nhật chính xác, liên tục từ vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. Tính phê phán được thể hiện sắc nét, mạnh mẽ qua từng thông tin từ nhà báo, cơ quan chức năng cũng như bình luận từ phía người dân về vụ án, được thể hiện trên phương tiện thông tin đại chúng…”, ông Trình nêu ví dụ. 
 
Chủ động kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí
 
Có một thực tế không thể phủ nhận, rằng báo chí từ lâu đã là một trong những nguồn cung cấp thông tin chính xác đáng tin cậy cho lực lượng chuyên ngành trong việc phòng, chống tội phạm.
 
Hàng loạt hành vi vi phạm được các nhà báo lôi ra ánh sáng mà gần đây nhất là vụ Tiên Lãng, Văn Giang, Vinashin, những phóng sự điều tra về gian lận xăng dầu, sản xuất chất cấm trong chăn nuôi, phá hoại tài nguyên môi trường... Hay như trong vụ Vedan, báo chí không chỉ nhấn mạnh vụ việc mà còn yêu cầu nhà sản xuất dừng xả thải ô nhiễm ra sông Thị Vải và trả tiền đền bù cho người dân, doanh nghiệp tại địa phương…
 
Bằng các hoạt động tác nghiệp của mình, báo chí truyền thông đã phát hiện, phản ánh công khai, sự thật về tình hình phức tạp của tội phạm, các vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự an toàn xã hội, đồng thời hỗ trợ đắc lực lực lượng công an nhân dân trong các đợt tấn công tội phạm, điều tra xử lí các vụ phạm tội phức tạp, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, thời gian qua, báo chí vẫn chưa phát huy hết tiềm năng trong tham gia, phục vụ công tác phòng chống tội phạm.
 
Tại hội thảo, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cũng chỉ rõ, hiện nay một số cơ quan báo chí vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc đăng tải thông tin trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, sa vào miêu tả chi tiết các hành vi phạm tội, có nhiều yếu tố phản cảm, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội. Do vậy, các cơ quan báo chí, các nhà báo cần không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp nhằm thực hiện tốt và có hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm.
 
Ông Trần Duy Thanh - Cục trưởng cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, cho rằng do đặc thù trong công tác phòng chống tội phạm vừa công khai vừa bí mật dẫn đến việc cung cấp tài liệu cho cơ quan báo chí tuyên truyền còn bị hạn chế, đôi khi gây búc xúc cho phóng viên. Vẫn còn không ít cán bộ công an ngại tiếp cận với báo chí, coi việc tuyên truyền ảnh hưởng đến bí mật trong phòng chống tội phạm, không cung cấp tài liệu cho cơ quan báo chí phục vụ công tác tuyên truyền.
 
Bên cạnh đó, cơ quan báo chí, tuyên truyền cũng còn hạn chế như đăng quá nhiều các vụ tiêu cực trong khi hình ảnh về gương người tốt thì quá ít. Đưa tin quá sớm về nội dung vụ án, có vụ việc lồng ghép nội dung chủ quan, gây hoang mang dư luận, làm lộ, lọt thông tin để đối tượng phạm tội chống đối hoặc tìm cách can thiệp, dễ tạo ra hoài nghi trong công luận…
 
Để nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống tội phạm, các đại biểu cho rằng cùng với một cơ chế phối hợp thật sự gắn kết, thì lực lượng công an cũng chủ động kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí.
 
Theo nhà báo Nguyễn Quang Vũ (Ban biên tập tin trong nước - Thông tấn xã Việt Nam), Bộ Công an cần chỉ đạo kịp thời việc cung cấp thông tin cho báo chí đối với những vụ án, vụ việc phức tạp nghiêm trọng được đông đảo dư luận quan tâm. Mặc dù việc cung cấp thông tin được giao cho người phát ngôn nhưng có nhiều trường hợp, người phát ngôn lại xin ý kiến của bộ trưởng nên không đảm bảo được tính thời sự, khi thông tin đó đến được với bạn đọc thì đã bị “nguội”. Ngoài ra, bộ cũng cần chủ động cung cấp thông tin về kế hoạch của lãnh đạo bộ, gương người tốt, việc tốt…
 
Còn PGS. TS Nguyễn Đức Dũng - Học viện Báo chí và tuyên truyền, cho rằng nhà báo phải có trách nhiệm tham gia cuộc đấu tranh với các loại tội phạm, hướng dẫn dư luận xã hội lành mạnh. Chống tội phạm là một cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ và phức tạp, đòi hỏi người làm báo phải có bản lĩnh chính trị, nắm vững luật pháp và có trình độ nghiệp vụ vững vàng, tinh thần dũng cảm, trung thực, có kiến thức sâu rộng, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng…
 
Đồng thuận với các quan điểm nêu trên, Đại tá Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an TP. Hải Phòng nhấn mạnh, trong thời gian tới các cơ quan báo chí và công an cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa. "Ở Hải Phòng, công an và báo chí hàng tháng đều giao ban với nhau để trao đổi, nắm bắt thông tin phối hợp kịp thời điều tra các vụ việc. Báo chí cũng cần thông tin một cách chính xác và đầy đủ về vụ việc để giúp người dân hiểu vai trò của người chiến sĩ công an nhân dân", Đại tá Ca nói. 
 
Mai Tuân - Phùng Gia
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang