Bộ Công Thương đề xuất phương án phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm

author 13:33 25/08/2022

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương đang để xuất phương án bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp trước khi đưa lưu thông trên thị trường.

Cụ thể. Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn biện pháp phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm.

Dự thảo Thông tư này hướng dẫn biện pháp phân biệt cồn công nghiệp không dùng trong thực phẩm với cồn thực phẩm để phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp không dùng trong thực phẩm. Tại dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm.

Bộ Công Thương đang đề xuất phương án bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để phân biệt với cồn thực phẩm. Nguồn: Internet

 

Phương án 1:

Dự thảo nêu rõ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, san chiết, đóng gói cồn công nghiệp có trách nhiệm bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp trước khi đưa lưu thông trên thị trường.

Chất chỉ thị màu được bổ sung vào cồn công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu: Không thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ; cồn công nghiệp sau khi bổ sung chất chỉ thị màu phải có màu sắc phân biệt được bằng mắt thường với cồn thực phẩm trong suốt quá trình lưu thông; không xảy ra phản ứng hóa học với cồn công nghiệp và các chất khác trong hỗn hợp chứa cồn công nghiệp; không gây phát sinh độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Đối với trường hợp pha loãng cồn công nghiệp dẫn đến hàm lượng chất chỉ thị màu giảm, không phân biệt được với cồn thực phẩm, tổ chức cá nhân thực hiện pha loãng có trách nhiệm bổ sung chất chỉ thị màu để đáp ứng yêu cầu.

Thông tin về chất chỉ thị màu được bổ sung vào cồn công nghiệp phải được ghi rõ trên nhãn cồn công nghiệp và Phiếu An toàn hóa chất.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh cồn công nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh cồn công nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin 

Phương án 2:

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, san chiết, đóng gói cồn công nghiệp có trách nhiệm áp dụng ít nhất một trong các biện pháp sau đây để phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp trước khi đưa lưu thông trên thị trường:

Bổ sung hình cảnh báo sản phẩm không được uống trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa cồn công nghiệp theo hướng dẫn tại Phụ lục của Thông tư này trước khi đưa lưu thông trên thị trường. Thông tin về mục đích sử dụng trong Phiếu an toàn hóa chất đối với cồn công nghiệp phải ghi rõ "không được uống".

Chất chỉ thị màu được bổ sung vào cồn công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu: Không thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ; cồn công nghiệp sau khi bổ sung chất chỉ thị màu phải có màu sắc phân biệt được bằng mắt thường với cồn thực phẩm trong suốt quá trình lưu thông; không xảy ra phản ứng hóa học với cồn công nghiệp và các chất khác trong hỗn hợp chứa cồn công nghiệp; không gây phát sinh độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Chất tạo mùi, vị được bổ sung vào cồn công nghiệp bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu sau: Không thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ; tạo mùi, vị khó chịu, khác với mùi, vị đặc trưng của cồn thực phẩm để tránh nguy cơ uống, nuốt nhầm; không xảy ra phản ứng hóa học với cồn công nghiệp và các chất khác trong hỗn hợp chứa cồn công nghiệp; không gây phát sinh độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Đối với trường hợp pha loãng cồn công nghiệp dẫn đến hàm lượng chất chỉ thị màu hoặc chất tạo mùi, vị giảm, không phân biệt được với cồn thực phẩm, tổ chức cá nhân thực hiện pha loãng có trách nhiệm áp dụng biện pháp theo quy định.

Thông tin về chất chỉ thị màu, chất tạo mùi, vị được bổ sung vào cồn công nghiệp phải được ghi rõ trên nhãn cồn công nghiệp và Phiếu An toàn hóa chất.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh cồn công nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.

Trước đó, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9637-8:2013 (ISO 1388-8:1981) về Ethanol sử dụng trong công nghiệp - Phương pháp thử - Phần 8: Xác định hàm lượng methanol [hàm lượng methanol từ 0,10 % đến 1,50 % (theo thể tích)] - Phương pháp so màu bằng mắt do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC47 Hóa học biên soạn. Tiêu chuẩn quy định phương pháp so màu bằng mắt để xác định hàm lượng methanol của ethanol sử dụng trong công nghiệp. Phương pháp này áp dụng cho các sản phẩm có hàm lượng methanol từ 0,10 % đến 1,50 % (theo thể tích).

Bộ tiêu chuẩn TCVN 9637 (ISO 1388), Ethanol sử dụng trong công nghiệp - Phương pháp thử, gồm các tiêu chuẩn sau:

- TCVN 9637-1 (ISO 1388-1), Quy định chung.

- TCVN 9637-2 (ISO 1388-2), Phát hiện tính kiềm hoặc xác định độ acid bằng phenolphtalein.

- TCVN 9637-3 (ISO 1388-3), Xác định các hợp chất carbonyl có hàm lượng nhỏ - Phương pháp đo quang.

- TCVN 9637-4 (ISO 1388-4), Xác định các hợp chất carbonyl có hàm lượng trung bình - Phương pháp chuẩn độ.

- TCVN 9637-5 (ISO 1388-5), Xác định hàm lượng aldehyd - Phương pháp so màu bằng mắt.

- TCVN 9637-6 (ISO 1388-6), Phép thử khả năng trộn lẫn với nước.

- TCVN 9637-7 (ISO 1388-7), Xác định hàm lượng methanol [hàm lượng methanol từ 0,01% đến 0,20 % (theo thể tích)] - Phương pháp đo quang.

- TCVN 9637-8 (ISO 1388-8), Xác định hàm lượng methanol [hàm lượng methanol từ 0,10% đến 1,50 % (theo thể tích)] - Phương pháp so màu bằng mắt.

- TCVN 9637-9 (ISO 1388-9), Xác định hàm lượng este - Phương pháp chuẩn độ sau khi xà phòng hóa.

- TCVN 9637-10 (ISO 1388-10), Xác định hàm lượng các hydrocarbon - Phương pháp chưng cất.

- TCVN 9637-11 (ISO 1388-11), Phép thử phát hiện fufural.

- TCVN 9637-12 (ISO 1388-12), Xác định thời gian oxy hóa bằng permanganat.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang