Cá chết ở miền Trung chỉ là chuyện nhỏ, cá sống mới đáng sợ

author 16:57 05/05/2016

(VietQ.vn) - Cá chết là chuyện nhỏ, cá sống mới đáng sợ, bởi cá chết thì còn biết mà không ăn nhưng cá sống nhiễm độc ăn vào tích thành bệnh tật, dị dạng mới khổ!

Cá chết ở miền Tây 1.100 tấn, sao dân Việt không "sốt đùng đùng"?

Cùng trong thời gian cá biển miền Trung chết thì ở miền Tây trên sông Cái Vừng, cá cũng chết hàng loạt, số lượng còn khủng khiếp hơn, tổng số cá chết lên đến 1044 tấn, gấp 15 lần số cá chết ở biển miền Trung (cụ thể: Đồng Tháp 394 tấn, An Giang 650 tấn).

Bắt đầu từ đầu tháng 2 cá nuôi trên sông Cái Vừng chết hàng loạt, ban đầu người nuôi cá nghi ngờ do nhà máy Gạo Toàn Cầu xả nước thải độc ra sông Cái Vừng làm chết cá, nhưng sau khi cảnh sát môi trường điều tra thì nhà máy Gạo Toàn Cầu xử lý nước thải tuần hoàn, không đổ ra sông Cái Vừng. Mới nhất ngày 29/04 các cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân là do thiếu Ô xy, El Nino gây ra. Kết luận này được người nông dân miền Tây chấp thuận.

Câu hỏi đặt ra là tại sao miền Trung cá chết chỉ có 70 tấn, ít hơn miền Tây 15 lần thì cả cộng đồng "sốt đùng đùng", "lên đồng" từ Nam ra Bắc?

Tại sao miền Tây cá chết gấp 15 lần miền Trung thì hầu như không ai quan tâm, không "sốt", không lo bảo vệ môi trường...? Chả nhẽ nước sông Cái Vừng không ô nhiễm, chả nhẽ người nông dân miền Tây không thiệt hại, 1044 tấn cá chứ đâu có ít? 

Cá chết ở miền Tây trên sông Cái Vừng. Ảnh: Internet.

Lý giải về điều này, một chuyên gia đánh giá với các nguyên nhân như sau: 

1. Truyền thông

"Vụ cá chết miền Tây không có ảnh cá chết dày đặc khủng khiếp lấy từ hồ Michigan bên Mỹ, không có clip "cá chết trong 2 phút", không có các bài báo với các tít giật gân: "cá chết hàng loạt dạt vào bờ", "cá chết đồng loạt", "cực độc", "độc dược cực mạnh"... Vụ cá chết miền Tây không bị các báo đồng loạt đưa tin một cách dầy đặc như cá chết miền Trung.

2. Nghi phạm

Nghi phạm của cá chết miền Tây chỉ là công ty Gạo Toàn Cầu, công ty Việt nam, một “con muỗi” quá bé so với “con voi” khổng lồ Vũng Áng, Formosa. Theo logic thì thịt con voi to mới thú chứ thịt con muỗi thì chán phèo.

3. Biển tất nhiên hơn sông

Ô nhiễm biển Đông tất nhiên sẽ thiệt hại lớn hơn ô nhiễm ở sông, vì biển liên quan đến du lịch, nghỉ dưỡng, tắm biển của số đông người dân Việt Nam và cả an ninh quốc gia nữa.

Cá chết chỉ là "chuyện nhỏ?

Ngoài ra, nếu so sánh với những vấn đề lớn hơn đằng sau đó như bảo vệ môi trường lâu dài thì chuyện cá chết vừa qua chỉ là chuyện nhỏ. Cá sống, cá bỏ đi mới thực sự đáng lo ngại.

Chia sẻ với PV Chất lượng Việt Nam, chị Nguyễn Thị Lê Na (sinh năm 1986, quê Nghệ An - người phụ nữ "đặc biệt" sau thông tin cá chết đã trực tiếp đi khảo sát dọc theo các làng chài từ Vũng Áng (Kỳ Lợi, Kỳ Phương) qua Đèo Ngang đến Quảng Bình (Quảng Đông, Quảng Phú, Cảnh Dương, Quảng Xuân, Quảng Thọ) đã nói: “Cá chết thì còn biết mà không ăn, sợ nhất là cá nhiễm độc ngấm ít một rồi dần thích nghi đến khi người ăn vào tích lũy dần thành bệnh tật, dị dạng mới khổ”.

Hãy coi vụ cá chết là một bài học để thay đổi. Ảnh: Internet.

Cũng theo chị Na, mỗi năm, biển có 2 con nước di chuyển rất mạnh vào tháng 2 và tháng 8. Các loài cá cũng theo đó mà di chuyển, mà làm tổ, mà tìm nơi sinh sống phù hợp, nên mới có cá theo mùa. Cá không bao giờ ở một chỗ. Và cá cũng như con người, chúng rất tinh, chỉ cần có mùi chất độc thì chúng sẽ bơi đi chỗ khác sống, không sống ở đây nữa. Đến lúc đó, cá không chết cũng không còn cá mà đánh nữa.

“Khi đi dọc các làng chài, tôi mới được biết dọc cảng Vũng Áng có hàng trăm, ngàn công ty cũng xả thải ra biển. Sang Quảng Bình cũng có khu kinh tế Hòn La cũng có những doanh nghiệp đóng dọc bờ biển. Tìm hiểu nhanh trên mạng thì thấy dọc bờ biển cả nước mình có hàng trăm khu kinh tế biển, hàng ngàn khu công nghiệp biển và có thể con số các doanh nghiệp xả thải ra biển cũng sẽ lên con số chục ngàn” – chị Na bày tỏ.

Còn nhớ, ông Chu Xuân Phàm của Fomosa đã phân tích rất kỹ việc có nhà máy thép sẽ không thể có nhiều tôm cá được...

Nếu chúng ta không coi đó là bài học để ráo riết thay đổi thì chắc chắn rồi đây, khi biển ô nhiễm ngày một nặng hơn, nhiều biển như miền Trung cá chết hơn, con người thì bệnh tật gia tăng hơn... thì chúng ta còn lúng túng, còn cùng quẫn, còn bấn loạn hơn.

Mẹ thiên nhiên sẽ tàn phá hết, sẽ hủy hoại hết, sẽ tự rửa sạch mình hết... khi đó không chỉ có nhà máy thép, không chỉ có những sự phát triển mà tất cả chúng ta sẽ tan như mây khói bay lên trời cao hoặc trở về với biển cả hết" - chị Na không giấu nổi sự lo lắng chia sẻ.

>> Bộ KH&CN lập đoàn chuyên gia độc lập tìm nguyên nhân cá chết

Dương Phương Ngọc


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang