Campuchia sẽ là nước tiếp theo kiểm tra mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam

author 06:13 10/08/2022

(VietQ.vn) - Các cơ quan chức năng Campuchia cho biết, thời gian tới sẽ tiến hành kiểm tra các loại mì nhập khẩu từ Việt Nam

Tin tức được nêu ra trên Khmer Times cho biết, sau khi Liên minh châu Âu (EU) phát hiện một số mì nhập khẩu từ Việt Nam có chứa ethylene oxide (EO), các cơ quan Campuchia cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì Việt Nam nếu có chứa chất này.

Theo ông Phan Oun, thành viên của Chính phủ, phụ trách Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận (KPR) động thái này diễn ra sau khi một số nước EU cảnh báo một số loại mì Việt Nam.

Ông Phan Oun cho biết, nếu phát hiện loại mì này vào thị trường Campuchia, Tổng cục KPR sẽ vào cuộc để thu hồi; đồng thời cho biết thêm Tổng cục Hải quan sẽ chỉ đạo Hải quan các địa phương để phân loại các loại mì này vào loại hàng hóa rủi ro và cần có giấy chứng nhận không chứa chất ethylene oxide đối với mì nhập khẩu trong thời gian tới.

Thông tin được đưa ra sau khi một số nước Liên minh châu Âu như Đức, Ba Lan, Malta gửi cảnh báo, thu hồi hoặc trả lại sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri, bánh phở nhập khẩu từ Việt Nam.

Mì ăn liền Việt Nam sẽ cần có chứng nhận không chứa chất ethylene oxide khi xuất khẩu sang Campuchia. 

Cụ thể, Đức gửi cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty CP thực phẩm Á Châu (TP Thuận An, Bình Dương) chứa chất cấm Ethylene Oxide vượt ngưỡng quy định của EU.

Còn Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty CP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam - Vifon (quận Tân Phú, TP.HCM), hiện nước này đã trả lại lô hàng.

Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở thương hiệu Nguyễn Gia vì sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép. Nước này cũng đã thực hiện biện pháp giám sát và thu hồi sản phẩm.

Được biết, Ethylene Oxide là một hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy. EO được sử dụng chủ yếu làm hoá chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác.

Ngoài ra, EO còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế,... trước yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella).

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), hiện nay Việt Nam vẫn chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…

"Vì vậy trong trường hợp này, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản sản xuất trước khi xuất khẩu" - Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang