Cần tăng cường trang bị cho trẻ em kiến thức và kĩ năng tự vệ trên không gian mạng

author 06:36 05/12/2023

(VietQ.vn) - Mỗi gia đình, nhà trường và xã hội cần tăng cường trang bị kiến thức và kỹ năng tự vệ cho trẻ em, giúp trẻ em biết bảo vệ thông tin cá nhân và tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, gần 36,5% trẻ em Việt Nam đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm trên mạng. Các thông tin độc hại, lừa đảo trở thành nguy cơ tiềm ẩn, cạm bẫy khó nhận biết luôn rình rập các em trong khi đa số trẻ chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các gia đình, nhà trường và cơ quan quản lý Nhà nước trong phòng, chống thông tin độc hại, lừa đảo và bảo vệ an toàn trên môi trường mạng.

Dựa trên số liệu trên, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - VNCERT/CC cho biết, 5 mối nguy hại từ Internet đang tác động đến trẻ em gồm có: Tiếp cận thông tin không phù hợp; bị phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, cá nhân; bị nghiện game, mạng xã hội, Internet; bị bắt nạt trực tuyến; và bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, ép tham gia vào các hoạt động phi pháp. Thêm vào đó, những thông tin về xâm hại trẻ trên nền tảng mạng xã hội rất ít đặt trên máy chủ ở Việt Nam mà thường ở máy chủ nước ngoài. Do đó, công tác gỡ bỏ những nội dung này gặp khó khăn.

Cần tăng cường trang bị kiến thức và kỹ năng tự vệ cho trẻ em trên không gian mạng. Ảnh minh họa

Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ ra rằng, hiện nay Việt Nam chưa thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM (Child Sexual Abuse Material) gồm thông tin, dữ liệu đặc tả về hình ảnh/video xâm hại trẻ em và có cơ chế để các cơ quan chức năng và các tổ chức, doanh nghiệp liên quan tham gia cập nhật, phân tích thông tin nhằm ngăn ngừa việc đăng tải, chia sẻ các hình ảnh/video xâm hại trẻ em trên môi trường mạng dựa trên ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu lớn...; hướng tới kết nối với các cơ sở dữ liệu tương tự trong khu vực và của các cơ quan, tổ chức quốc tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Về các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đại diện Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chi tiết các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân về trẻ em trên mạng, đặc biệt chú ý đến việc thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho trẻ em và cha mẹ về bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (trong phiên đối thoại với Việt Nam năm 2022).

Ngoài ra, các cơ quan truyền thông, báo chí cần đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi đăng tin, bài về trẻ em; các doanh nghiệp cần khuyến khích việc xây dựng các ứng dụng, phần mềm hay các nền tảng, trò chơi trực tuyến tạo là sân chơi bổ ích cho trẻ em, giúp trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên không gian mạng.

Bên cạnh các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, thì mỗi gia đình, nhà trường và xã hội cần tăng cường trang bị kiến thức và kỹ năng “tự vệ” cho trẻ em, giúp trẻ em biết bảo vệ thông tin cá nhân và tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng. Để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ khi tiếp xúc với mạng xã hội, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn là rất cần thiết, đó chính là “vắc xin số” dành cho những “công dân số nhí”.

Khánh Mai (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang