Tăng cường trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử để ngăn chặn hàng giả

author 11:14 03/07/2024

(VietQ.vn) - Trước thực trạng hàng giả bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng cần tăng cường trách nhiệm của chủ sàn.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, trong 2 - 3 năm trở lại đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội là vấn đề rất "nóng". Số vụ vi phạm không ngừng gia tăng, tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tổng cục QLTT cũng thường xuyên nhận phản ánh của các đơn vị sở hữu thương hiệu lớn về tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu của họ bày bán công khai trên các sàn TMĐT lớn như Lazada, Shopee, TikTok.

Thực tế rất nhiều vụ việc bán hàng giả đã được phát hiện trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok nhưng vụ thu giữ 5 tấn gạo giả mạo nhãn hiệu trên sàn Shopee vừa qua là vụ việc đầu tiên được phát hiện trên sàn TMĐT.

Kinh doanh buôn bán hàng giả trên các sàn TMĐT vẫn nhức nhối trong thời gian qua. Ảnh: Cục QLTT Bắc Ninh

Cụ thể, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bắc Ninh) triệt xóa một cơ sở sản xuất gạo ST25 giả mạo nhãn hàng hóa và bao bì “Gạo Ông Cua” trên địa bàn huyện Tiên Du, thu giữ hơn 5 tấn hàng hóa vi phạm. Đây là vụ việc đầu tiên được phát hiện trên nền tảng sàn TMĐT.

Được biết, đại diện theo ủy quyền của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (đơn vị sở hữu thương hiệu gạo Ông Cua) đã có văn bản khẳng định toàn bộ hàng hóa mà Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 tạm giữ là hàng hóa giả mạo nhãn, bao bì hàng hóa của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí.

Đáng chú ý hơn, đây là vụ việc kinh doanh được thực hiện trên nền tảng TMĐT. “Theo nhận định ban đầu, đến 90% khối lượng của hộ kinh doanh này được bán trên sàn TMĐT Shopee, chỉ có một số ít các giao dịch mua bán được thực hiện trực tiếp theo cách truyền thông tại cơ sở” - ông Đỗ Anh Tuấn - Đội trưởng Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh thông tin.

Trước vụ việc này, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh đánh giá, mặc dù giá trị hàng hóa vi phạm không lớn nhưng đây là vụ việc điển hình, bởi lúa gạo là mặt hàng đặc biệt, là sản phẩm của bà con nông dân.

Thương hiệu “Gạo Ông Cua” cũng là niềm tự hào của Việt Nam. “Việc xâm phạm nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ chính là hành vi lừa dối người tiêu dùng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, mất uy tín trên thị trường” - Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định.

Theo ông Linh, phương thức kinh doanh online, TMĐT phát sinh đơn vị thứ ba là dịch vụ chuyển phát cũng đang lộ ra rất nhiều vấn đề. Khảo sát hiện nay cho thấy 99% công ty chuyển phát đều sống nhờ vào dịch vụ vận chuyển, kinh doanh online, chỉ 1% là dịch vụ thư tín. 

Ngoài việc người mua hàng ở sàn TMĐT gặp hàng giả, kém chất lượng thì việc bảo hành sản phẩm của shop bán hàng cũng rất phập phù, đa phần thường trả lời loanh quanh, tìm cách chối bỏ trách nhiệm... Cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định chặt chẽ, nhằm vừa thu thuế, ràng buộc trách nhiệm shop bán hàng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng".

"Theo luật Bưu chính, các công ty chuyển phát này không có trách nhiệm với nguồn gốc hàng hóa. Nhưng ở góc độ quản lý nhà nước của lực lượng công an, QLTT, các công ty chuyển phát đang vô hình trung giúp sức, tiếp tay vào quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng cấm, hàng giả, hàng lậu", ông Linh nói.

Trong khi đó, phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên TMĐT là lĩnh vực được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm bởi sự phát triển mạnh mẽ của loại hình kinh doanh trực tuyến.

Thủ tướng cũng đã có quyết định phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Trong đó, có yêu cầu các sàn TMĐT, đặc biệt các sàn lớn và những hạ tầng mạng xã hội thực hiện ký cam kết ràng buộc về chất lượng hàng hóa đối với từng chủ thể kinh doanh, đồng thời có công cụ để kiểm soát, xử lý chặt chẽ.

Rất nhiều đại diện các Bộ, ngành cũng đã từng lên tiếng về việc cần phải gắn trách nhiệm, tăng cường trách nhiệm của chủ sàn TMĐT cũng như chủ các nền tảng mạng xã hội với hàng hóa được bán trên các nền tảng của mình. 

Theo ông Nguyễn Phương Minh, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực TMĐT cần quy trách nhiệm đối với chủ sàn, chủ website trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng liên thông giữa các bộ, ngành để kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu nhằm phát hiện sớm, đấu tranh ngăn chặn.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cơ quan quản lý chỉ cần quy trách nhiệm cho sàn TMĐT là sẽ quản lý được tình trạng bán hàng nhái, hàng giả tràn lan như hiện nay. Yêu cầu các sàn TMĐT phải kiểm soát hàng giả, hàng lậu. Hãy làm như các sàn TMĐT lớn trên thế giới, toàn bộ hàng hóa muốn được bán phải có giấy chứng nhận nguồn gốc hàng, hóa đơn... Không thể để sàn thành nơi tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Bằng cách nào cũng được nhưng phải quản lý nguồn gốc hàng hóa, thuế... để tạo ra sự công bằng với các doanh nghiệp cùng ngành và bảo vệ người tiêu dùng.

Đại diện Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhận xét, tới nay, người tiêu dùng ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào, không phân biệt thành thị hay miền núi đều có thể trở thành người kinh doanh, buôn bán và dễ dàng đặt mua hàng hóa. hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng kiểm tra đã khó, hàng giả bán trên TMĐT thì cái khó nhân lên gấp bội. Do vậy, nếu không có những chế tài phù hợp thì TMĐT sẽ trở thành nơi phân phối, buôn bán hàng giả, từ đó làm giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Vì thế, việc áp quy định tiêu chuẩn về truy vết hàng hóa, định danh người bán trên TMĐT là điều bắt buộc và rất cần thiết.

Ông Phan Minh Nhật - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) cho rằng, cần thiết lập bộ lọc, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, điều tra xử lý các đối tượng vi phạm trọng điểm. Đặc biệt, giải pháp căn cơ nhất là định danh người bán qua TMĐT.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang