Nhiều người dân Hà Nội bám bốt điện, trạm biến áp để kinh doanh bất chấp rủi ro

author 06:11 03/04/2024

(VietQ.vn) - Mặc dù đã được cảnh báo, nhắc nhở nhưng hiện nay theo khảo sát nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn bất chấp nguy hiểm để bán hàng ngay tại các bốt điện, trạm biến áp tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Biết rủi ro nhưng vẫn kinh doanh

Mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường ra quân nhắc nhở, xử phạt và đặt biển báo cảnh báo nguy hiểm nhưng nhiều người dân ở Hà Nội vẫn kinh doanh trong phạm vi hành lang an toàn trạm biến áp, trụ, bốt điện. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường.

Khảo sát thực tế tại các tuyến phố nội thành Hà Nội, nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm phần diện tích ngay sát trạm biến áp, bốt điện, cột điện để bán hàng hóa, dán tờ rơi, quảng cáo,...Nguy hiểm hơn, các sản phẩm, hàng hóa đó đều là những thứ rất dễ gây cháy nổ, chập điện như: Thùng xốp, bình nước, đồ hàng mã, túi giấy, sắt thép…

Lấy lý do kinh tế còn khó khăn, hàng ngày, ông Cao Hữu Nhật (63 tuổi, Hà Nội) đã tận dụng diện tích quanh bốt điện trên vỉa hè của tuyến phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) làm địa điểm vá săm, lốp xe mặc cho rủi ro cận kề.

Ông Nhật nhận thức: “Dù biết việc ngồi cạnh bốt điện là nguy hiểm, nhất là khi thời tiết mưa gió sấm chớp, nhưng vì mưu sinh nên tôi cũng đánh liều. Số tiền mỗi tháng kiếm được từ bơm, vá lốp xe cũng duy trì được chi tiêu sinh hoạt”.

Dọc trên tuyến phố Đinh Liệt (quận Hoàn Kiếm), phần lớn các cửa hàng bán đồ lưu niệm đều lợi dụng bốt điện làm giá treo các sản phẩm. Thậm chí các hộ dân này còn lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán hàng hóa.

Lý giải cho hành động nguy hiểm này, một chủ cửa hàng cho biết, vì diện tích mặt quán nhỏ và bị khuất, trong khi bốt điện đặt trên vỉa hè, sát lòng đường nên khi để hàng hóa trên bốt sẽ giúp khách du lịch dễ biết và lựa chọn mua hàng nhiều hơn.

 Nhiều hộ kinh doanh ngay tại các trạm biến áp, bột điện tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Ảnh: Báo Công thương

Chị Trần Hòa, sinh sống trên phố kinh doanh thực phẩm Gia Ngư (quận Hoàn Kiếm) phản ánh: “Phần lớn, những tiểu thương đều biết phải giữ khoảng cách theo quy định an toàn lưới điện nhưng họ đã bỏ qua sự an nguy, bày hàng hóa, trong đó có các dụng cụ gần nguồn điện. Có thể thấy, đây là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng truyền, dẫn, phóng điện nguy hiểm tới tính mạng”.

Ngoài ra tình trạng lấn chiếm bốt điện phục vụ kinh doanh, buôn bán còn nhiều và nguy hiểm hơn tại các khu phố cổ như: Hàng Chiếu, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông,…Những hành vi buôn bán, kinh doanh ngay cạnh các trạm biến áp, bốt điện là hành vi bị nghiêm cấm và cực kỳ nguy hiểm, đe dọa sức khoẻ, tính mạng của những người chung quanh.

Buôn bán quanh trạm điện, bốt điện là hành vi nghiêm cấm

Đề cập tới hành vi nghiêm cấm buôn bán ngay cạnh trạm biến áp, bốt điện Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHaNoi) cho biết, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định, đối với các trạm điện không có tường, rào bao quanh, hành lang bảo vệ được giới hạn bởi không gian bao quanh trạm điện có khoảng cách đến các bộ phận mang điện gần nhất của trạm điện như sau: Điện áp đến 22kV, khoảng cách là 2m; điện áp 35kV, khoảng cách là 3m.

Đối với các trạm biến áp, trạm phân phối điện hợp bộ, có vỏ bằng kim loại thì hành lang bảo vệ được giới hạn đến mặt ngoài của phần vỏ kim loại. Như vậy, theo quy định trên thì hầu hết những trường hợp kinh doanh, buôn bán ngay sát các trạm, trụ, bốt điện đều vi phạm về hành lang an toàn lưới điện.

Theo Luật sư Nguyễn Đăng Thái (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, căn cứ điều 4 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết về thi hành luật điện lực về an toàn điện, các hành vi bị cấm bao gồm: Sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Luật sư Nguyễn Đăng Thái cũng cho biết thêm, để giải quyết vấn đề trên, lực lượng chức năng của các phường cần phối hợp lực lượng thanh tra giao thông, quản lý đô thị ra quân lập lại trật tự văn minh đô thị, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm hành lang lưới điện và thường xuyên kiểm tra độ an toàn của các trạm biến áp, bốt, trụ, cột điện.

Cần phối hợp đơn vị thanh tra giao thông, quản lý đô thị để tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo trật tự văn minh đô thị. Bên cạnh đó, đơn vị điện lực cần thường xuyên kiểm tra độ an toàn của các trạm biến áp, bốt, trụ, cột điện trên địa bàn thành phố.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện 

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện mới nhất áp dụng theo QCVN 01:2020/BCT được ban hành kèm theo Thông tư 39/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 của Bộ Công Thương quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn khi thực hiện các công việc xây dựng, vận hành, kinh doanh, thí nghiệm, kiểm định, sửa chữa đường dây dẫn điện, thiết bị điện và các công việc khác theo quy định của pháp luật. QCVN 01:2020/BCT áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực, sử dụng điện để sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó Quy chuẩn này quy định yêu cầu về khoảng cách an toàn về điện thì trường hợp cấp điện áp từ 1 đến 15v thì khoảng cách an toàn về điện là 0,07m; từ 15 đến 35 thì khoảng cách an toàn là 1,00; trên 35 đến 110 thì khoảng cách an toàn là 1,50m;...

Khi có rào chắn tạm thời thì khoảng cách an toàn từ rào chắn đến phần có điện không nhỏ hơn quy định, cụ thể: cấp điện áp từ 1 đến 15kv thì khoảng cách an toàn là 0,35m; trên 15 đến 35kv thì khoảng cách an toàn là 0,60m; trên 35 đến 110kv thì khoảng cách an toàn là 1,50m...

Yêu cầu đối với rào chắn tạm thời phải được quyết định trước khi thực hiện công việc, phải làm bằng vật liệu chắc chắn, không được đổ về phía có phần điện, phải bảo đảm khoảng cách theo quy định của Quy chuẩn này. Không cản trở người tham gia thực hiện công việc rời khỏi vị trí làm việc khi xảy ra tai nạn, sự cố. Đối với thiết bị điện cao áp lắp đặt ngoài trời phải thực hiện các biện pháp để những người không có nhiệm vụ không được vào vùng đã giới hạn. Khi làm việc với phần có điện, phải sử dụng trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện bảo vệ thích hợp.

Còn theo hướng dẫn của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890:2023 về phòng cháy chữa cháy- phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình, trang bị, bố trí do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố thì tất cả các khu vực trong nhà và công trình kể cả những nơi đã được trang bị hệ thống chữa cháy phải trang bị bình chữa cháy xách tay hoặc bình chữa cháy có bánh xe.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang