Chính sách miễn, giảm thuế giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, vượt khó khăn

author 06:15 08/08/2021

(VietQ.vn) - Hàng loạt chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước đã tạo ra nguồn lực đáng kể để doanh nghiệp tăng cường sức đề kháng, vượt qua khó khăn.

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đang đặt ra thách thức và áp lực rất lớn đối với khu vực doanh nghiệp. Cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và đặc biệt là Bộ Tài chính đã và đang khẩn trương ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế đất nước. Một thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm và các hỗ trợ theo các chính sách đã ban hành trong năm 2020 là khoảng 129.000 tỷ đồng.

Chính sách miễn, giảm thuế giúp doanh nghiệp tăng cường sức đề kháng, vượt khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa. 

Từ đầu năm 2021 đến nay, các chính sách này tiếp tục được Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện. Bộ Tài chính dự kiến các giải pháp này sẽ hỗ trợ khoảng 135.000 tỷ đồng cho người dân, doanh nghiệp. Riêng chính sách giảm, hoãn thuế 27.500 tỷ đồng, gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng; gói viễn thông 10.000 tỷ đồng; gói vaccine 25.200 tỷ đồng; gói điện, nước, phí, chi phí chống dịch hàng chục nghìn tỷ đồng và gói giảm thuế khoảng 20.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng gói hỗ trợ từ giảm thuế và đang tiến hành lấy ý kiến đối với việc ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sự hỗ trợ của Nhà nước đã tạo ra nguồn lực đáng kể để doanh nghiệp tăng cường sức đề kháng, vượt qua khó khăn.

GS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, trong bối cảnh ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, Chính phủ vẫn dành ra nhiều khoản chi; nhiều chính sách sách miễn, giảm, giãn các khoản thuộc nghĩa vụ phải nộp của người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ các hộ kinh doanh mất nguồn thu, hỗ trợ người dân mất việc, hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động, giảm tiền điện, nước, viễn thông,… là động thái rất đáng trân trọng và đáp ứng được những nhu cầu cấp bách. Đặc biệt, việc thực hiện giảm, hoãn thuế là giải pháp có tính phổ biến rộng, bao trùm nhiều đối tượng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, tích lũy bù đắp lại chi phí cho phòng, chống dịch.

Đồng thời, chính sách miễn, hoãn, giảm thuế, tiền thuê đất sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng sẽ tránh tình trạng doanh nghiệp đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường, gây ra suy thoái cả nền kinh tế và ảnh hưởng đến thu ngân sách lâu dài. “Việc miễn, hoãn, giảm thuế, tiền thuê đất là biện pháp chấp nhận hụt thu trước mắt để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài dựa vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp”, GS. TS. Hoàng Văn Cường nhận định.

Mặc dù vậy, GS. TS. Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, thời gian tới, bên cạnh sự chia sẻ, nỗ lực hỗ trợ của nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. “Các doanh nghiệp cần chuyển đổi hướng đầu tư, quy trình công nghệ để “chen chân” được vào những chỗ “đứt gãy” của chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc; nâng cao năng lực doanh nghiệp để có thể chủ động tham gia vào thị trường thế giới”, GS. TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang