Cho Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết vay trăm tỷ, ngân hàng NCB nói gì?

author 06:31 31/03/2022

(VietQ.vn) - Nhiều ngân hàng như Sacombank, BIDV, NCB, OCB đang là chủ nợ của FLC và các doanh nghiệp liên quan đến tập đoàn này.

Ngày 29/03/2022, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam do liên quan đến hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”. Giới đầu tư không chỉ lo lắng về diễn biến giá các cổ phiếu “họ FLC” những phiên sắp tới mà còn quan ngại cho cổ phiếu của các ngân hàng cấp tín dụng cho tập đoàn này. 

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam do liên quan đến hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”.  

Cụ thể, một số nhà băng cấp tín dụng cho doanh nghiệp do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT gồm NCB với dư nợ 584 tỷ đồng, OCB 573 tỷ đồng, BIDV 405 tỷ đồng. Ngoài ra, FLC còn khoản nợ trái phiếu ngắn hạn 150 tỷ đồng với Công ty Chứng khoán MBS và vay 80 tỷ đồng từ Agribank.

Trong số các khoản vay dài hạn, FLC đang nợ Sacombank nhiều nhất với số tiền 1.840 tỷ đồng. Song song đó, BIDV cũng cho FLC vay dài hạn 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài cho OCB với dư nợ 819 tỷ đồng.

Các khoản nợ trên được FLC thế chấp chủ yếu bằng bất động sản, các dự án hình thành trong tương lai. Ngoài ra, FLC cũng dùng 60 triệu cổ phiếu BAV của Bamboo Airways để làm tài sản đảm bảo cho một khoản vay tại NCB. 

Phần lớn hợp đồng vay vốn của FLC được ký kết trong hai năm 2020 - 2021, giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, hàng không của tập đoàn này bị ảnh hưởng. Các khoản vay của FLC có lãi suất thả nổi, theo từng khế ước nhận nợ, hoặc trong khoảng 7,5 - 10,5%/năm.

Các ngân hàng có mối quan hệ tín dụng với FLC gồm BIDV, Sacombank, OCB, NCB cũng đồng thời cho các doanh nghiệp liên quan tập đoàn này như FLCHomes, FLC Faros vay hàng trăm tỷ đồng.

Trước mối quan tâm của dư luận về khoản vay tại các nhà băng, trong thông cáo báo chí mới nhất, ngân hàng NCB cho biết, thời gian qua, NCB đã cấp tín dụng cho Tập đoàn FLC để phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. Các khoản cấp tín dụng này đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy định nội bộ của NCB và đều có tài sản bảo đảm. Trong trường hợp có phát sinh rủi ro, NCB sẽ chủ động áp dụng biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của NCB.

NCB cũng khẳng định, trong hoạt động kinh doanh, NCB luôn tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước, có trách nhiệm với phát triển kinh tế, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, NCB luôn coi trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, đối tác, cổ đông.

Còn theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập FIDT, tổng dư nợ cả ngắn và dài hạn của các doanh nghiệp “họ FLC” khoảng 8.400 tỷ đồng (chưa bao gồm Bamboo Airways do không công khai số liệu tài chính) là con số rất nhỏ so với quy mô tín dụng của toàn ngành ngân hàng.

Ông Tuấn dự báo các ngân hàng đang cấp tín dụng cho FLC, Bamboo Airways sẽ trích lập dự phòng bổ sung theo tiêu chuẩn quản trị rủi ro của từng tổ chức tín dụng trong trường hợp khẩn cấp do ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT vướng vòng lao lý. 

Các ngân hàng sẽ đánh giá lại những khoản vay, yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo để tăng hệ số an toàn. Bản thân FLC sử dụng cổ phần của Bamboo Airways để thế chấp vay vốn ngân hàng và giá trị cổ phiếu của hãng hàng không này trên thị trường phi tập trung (OTC) chắc chắn sẽ sụt giảm.

"Những ảnh hưởng về dư nợ, chất lượng tài sản và tín nhiệm sẽ được các ngân hàng rà soát lại và đi kèm những kế hoạch dự phòng gồm trích lập, yêu cầu bổ sung tài sản. Tuy nhiên, với các ngân hàng, thật sự quy mô nợ xấu nếu có phát sinh cũng nhỏ với tổng tài sản của họ", ông Tuấn đánh giá rủi ro chỉ ở mức thấp và các cổ phiếu STB (Sacombank), OCB, NVB (NCB) có thể chịu phản ứng nhưng chỉ trong 1-2 phiên.

Năm 2017, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết từng được xếp hạng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với quy mô tài sản vốn hóa đạt 58.852 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), tăng tới 25.046 tỷ đồng so với năm 2016.

Thời điểm đó, ông sở hữu 318,5 triệu cổ phiếu ROS, 135,3 triệu cổ phiếu FLC và 2,6 triệu cổ phiếu ART. Đây chính là lúc thị giá ROS, ART ở thời kỳ hoàng kim với mức đỉnh lần lượt vượt 166.000 đồng/cp và 22.000 đồng/cp.

Tuy nhiên từ sau năm 2018, tài sản của ông Quyết trên sàn chứng khoán giảm dần, nguyên nhân chủ yếu do thị giá cổ phiếu trượt dốc và Chủ tịch FLC cũng bán bớt cổ phần. Rơi mạnh nhất chính là ROS khi có thời điểm năm 2020 thị giá chỉ còn ngang bằng giá cốc trà đá (2.000 đồng/cp).

Đáng chú ý, cuối năm 2017, ông Quyết từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 65 triệu đồng vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC trong khoảng thời gian 20-24/10/2017.

Cuối năm 2021, các cổ phiếu "họ FLC" hồi phục cùng sức nóng của nhóm bất động sản. Khối tài sản của ông Quyết cũng nhanh chóng tăng lên, chủ yếu từ mã FLC. Từ mức giá 5.000 đồng/cp, FLC đã vươn lên mức hơn 22.000 đồng.

Tuy nhiên, từ sau phiên 7/1/2022, đà tăng của cổ phiếu này và "họ FLC" đã bị cắt đứt khi ông Trịnh Văn Quyết lại tái diễn hành vi "bán chui" cổ phiếu. Lần này ông Quyết bị phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ 5 tháng giao dịch chứng khoán cho vụ "bán chui" cổ phiếu của mình. Kết quả mã FLC cũng tuột dốc về vùng hơn 10.000 đồng/cp. Trong những phiên gần đây, các mã cổ phiếu "họ FLC" mới dần hồi phục nhẹ.

 Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang