Chuyên gia chỉ rõ 'thủ phạm' hàng đầu gây ô nhiễm không khí

author 13:35 18/10/2021

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, khí thải giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị hiện nay.

Để góp phần chuẩn bị ý kiến tư vấn cho đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26 vào tháng 11 tới, Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng (RECO) đã xin ý kiến của nhiều chuyên gia về chủ đề biến đổi khí hậu, phát triển giao thông, ô nhiễm không khí, các tác động đến cộng đồng…Trong tài liệu tổng hợp gửi Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng (RECO), bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội nhận định Việt Nam là quốc gia đứng trong top 10 nước ô nhiễm không khí ở châu Á.

Bà Thanh cho biết tổng lượng bụi ở 2 thành phố Hà Nội và TP. HCM liên tục tăng cao trong những năm gần đây khiến chỉ số chất lượng không khí luôn ở mức báo động. Các vấn đề cấp bách nổi cộm hiện nay là biến đổi khí hậu và giao thông, nhất là ô nhiễm không khí do khí thải giao thông...

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Thị Yến Liên, Trường Đại học Giao thông vận tải, cũng nhấn mạnh rằng từ năm 2008 đến nay, Hà Nội và TP.HCM liên tục nằm trong trong nhóm 500 thành phố có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất thế giới, mà một trong những nguyên nhân chính là từ các hoạt động giao thông vận tải.

Còn theo PGS.TS  Nguyễn Văn Sơn, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị và đóng góp 70% tổng lượng bụi cùng với khí thải vào môi trường không khí…

Đáng chú ý, theo ông Sơn, nguồn ô nhiễm này gây tác động xấu rất nhiều tới sức khỏe cộng đồng. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nên khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm; trong đó có 20% số ca tử vong là do các bệnh về đường hô hấp và ung thư liên quan đến phơi nhiễm với bụi mịn. Cùng với với đó là hàng loạt các vấn đề về tiểu đường, tim mạch, phổi, gan, đột quỵ, rối loạn tiết tố… ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động giao thông, theo ông Sơn, trước mắt Việt Nam cần tăng cường giám sát phát thải qua hệ thống đăng kiểm và có cơ chế thu hồi xe máy cũ gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần hướng tới việc phát triển hệ thống tàu điện ngầm, tàu trên cao thành một mạng lưới giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; khuyến khích sử dụng xe điện, trợ giá xe điện, có chế độ hỗ trợ người sử dụng xe điện; đẩy nhanh tiến độ di dời các trường học, cơ quan, đơn vị hành chính ra ngoài thành phố để giãn mật độ dân số trong nội đô.

Góp thêm giải pháp, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh đề xuất Việt Nam cần xây dựng một lộ trình cụ thể cho phát triển xe điện, trong đó xây dựng và ban hành các chính sách ưu tiên phát triển xe điện. Bà Khanh cũng lưu ý để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện như trạm sạc điện, quỹ đất để bố trí trạm sạc; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc để hướng đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân.

Khí thải giao thông vận tải được cho là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị hiện nay. Ảnh minh họa

Liên quan tới vấn đề trên, vào tháng 9//2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra hướng dẫn mới về chất lượng không khí với mục tiêu giảm số người tử vong do tình trạng ô nhiễm không khí. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005, WHO đưa ra hướng dẫn như vậy. WHO khuyến nghị 194 nước thành viên giảm tối đa nồng độ chất gây ô nhiễm không khí theo mức mà tổ chức này vừa điều chỉnh, trong đó có bụi mịn và NO2 (nitơ dioxide), hai hợp chất sinh ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch.

Hướng dẫn của WHO nhấn mạnh ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, bên cạnh biến đổi khí hậu. WHO đã đưa ra bằng chứng rõ ràng về những thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra đối với sức khỏe con người dù mức độ ô nhiễm thậm chí thấp hơn mức đánh giá trước đây.

Do đó, WHO đã điều chỉnh hầu hết hướng dẫn về mức chất lượng không khí, cảnh báo việc phát thải quá mức mà WHO mới khuyến nghị này sẽ gây ra những rủi ro đáng kể cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu thực hiện nghiêm túc hướng dẫn này, các nước có thể cứu sống hàng triệu người.

WHO cho rằng việc con người sinh sống lâu dài trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm, thậm chí ở dưới mức khuyến nghị, cũng có thể mắc bệnh ung thư phổi, tim mạch và đột quỵ, những bệnh ước tính khiến 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm. Nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm không khí được đánh giá ngang bằng với rủi ro sức khỏe toàn cầu lớn khác mà chế độ ăn uống không lành mạnh và hút thuốc lá gây ra.

Những người sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình chịu tác động lớn nhất của quá trình đô thị hóa và việc phát triển kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. WHO cho rằng cần ưu tiên việc giảm tiếp xúc với bụi mịn vì bụi mịn có thể thâm nhập sâu vào phổi và đi vào máu. Bụi mịn chủ yếu được sinh ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch trong lĩnh vực vận tải, năng lượng, sinh hoạt gia đình, hoạt động công nghiệp và nông nghiệp.

Theo hướng dẫn mới, WHO đã giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hằng năm được khuyến nghị từ 10 mcg/m3 xuống 5 mcg/m3. WHO cũng giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM10 được khuyến nghị từ 20mcg/m3 xuống 15 mcg/m3. WHO cho rằng nếu mức độ ô nhiễm không khí hiện tại giảm xuống mức được đưa ra trong hướng dẫn mới nói trên, thế giới có thể tránh được 80% trường hợp tử vong liên quan đến bụi mịn PM2.5.

WHO cũng cho biết, hệ quả của ô nhiễm không khí đối với trẻ em có thể bao gồm giảm sự phát triển và chức năng của phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn. Ở người lớn, bệnh thiếu máu cơ tim - còn gọi là bệnh mạch vành - và đột quỵ là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong sớm do ô nhiễm không khí ngoài trời. Tổ chức này cũng cho biết đang xuất hiện nhiều bằng chứng về các tác động khác do ô nhiễm không khí như bệnh tiểu đường và các tình trạng thoái hóa thần kinh.

Tiến sĩ Aidan Farrow, một chuyên gia nghiên cứu về ô nhiễm không khí thuộc Đại học Exeter của Anh cho rằng, điều quan trọng là liệu các chính phủ có thực thi các chính sách có tác động mạnh mẽ nhằm giảm phát thải chất gây ô nhiễm, ví dụ như ngừng đầu tư vào các dự án than đá, dầu mỏ và khí đốt, đồng thời ưu tiên các kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch hay không.

Việt Nam mất khoảng 10 tỷ USD mỗi năm vì ô nhiễm không khí

Theo một số nghiên cứu, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam, có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp và nguyên nhân đến từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam (chiếm từ 5-7% GDP).

Theo Báo cáo Chỉ số năng lực môi trường năm 2018 (EPI), Việt Nam xếp thứ 132 trong số 180 nền kinh tế về thành tích môi trường nói chung, chất lượng không khí đứng thứ 159, cường độ phát thải xếp hạng 141, sức khỏe môi trường đứng thứ 129 và thành tích về môi trường năm 2018 thua rất nhiều nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, các chất gây ô nhiễm không khí chính là thủ phạm gây ra hiện tượng lắng đọng và mưa axit, hủy hoại hệ sinnh thái, làm giảm tính bền vững của các công trình xây dựng và các dạng vật liệu. Ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên và làm đẩy nhanh biến đổi khí hậu.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang