Chuyên gia ‘hiến kế’ doanh nghiệp tận dụng cơ hội bứt phá từ chuyển đổi số

author 15:39 18/07/2019

(VietQ.vn) - Chuyển đổi số là sống còn nên mỗi doanh nghiệp phải xác định con đường, có lộ trình để chuyển đổi; xây dựng năng lực số bằng hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, văn hóa...

Chia sẻ tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa chuyển đổi số”, PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt vẫn ở vị trí yếu trong việc phân chia doanh thu kinh tế số. Hơn thế nữa, doanh nghiệp Việt chủ yếu ở vị trí mới nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

“Trong 3 - 4 năm trở lại đây, tinh thần “tiến quân” của Việt Nam vào Cách mạng công nghiệp 4.0 lên rất cao”, PGS.TS Thiên nói và đặt câu hỏi: Liệu Việt Nam có lại bỏ lỡ cơ hội vàng lần này? Chiến lược về Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng chương trình hành động về chuyển đổi số đang được nghiên cứu, soạn thảo và sẽ được lồng ghép vào chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. 

Không chỉ vậy, một loạt chương trình về xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch thông minh, xây dựng đô thị thông minh, lập nghiệp - khởi nghiệp sáng tạo được nhiều bộ ngành và tỉnh, thành trong cả nước triển khai. Tuy vậy, cách thức triển khai công cuộc “tiến công” vào Cách mạng công nghiệp 4.0 còn ít nhiều mang tính phong trào.

Cũng chia sẻ về vấn đề trên, GS Hồ Tú Bảo nhận định, chuyển đổi số là sống còn, do vậy, từ nhận thức mỗi doanh nghiệp phải xác định con đường, có lộ trình để chuyển đổi; xây dựng năng lực số bằng hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, văn hóa... “Yếu tố thành công không phải ở công nghệ, mà bắt nguồn từ nhận thức và chiến lược của doanh nghiệp. Người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào. Đồng thời sẵn sàng về phương diện tổ chức, cần sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi”, ông Tú nói.

Còn quan điểm của TS Nguyễn Mạnh Hải, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư thì để kinh tế số được tận dụng hiệu quả ở Việt Nam, quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ.

Đồng thời, nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ; đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử.

Cũng theo ông Hải, các bộ, ngành tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong điều hành quản lý nhà nước; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi và ổn định cho doanh nghiệp nền tảng đổi mới sáng tạo, tiếp cận tài chính, khuyến khích cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động nghiên cứu, sáng tạo...

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang