Đà Nẵng đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc điện tử theo chiều sâu

author 05:37 29/06/2023

(VietQ.vn) - Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Đà nẵng, việc truy xuất nguồn gốc điện tử giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm nhanh chóng qua ứng dụng di động bằng việc quét QR code được dán trên sản phẩm.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Đà nẵng cho biết, ATTP là 1 trong 4 trụ cột của chương trình “Thành phố 4 an” của Đà Nẵng, với mục tiêu xây dựng thành phố trở thành điểm đến thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, mỗi ngày Đà Nẵng phải nhập một lượng nông sản lớn từ các tỉnh, thành thông qua chợ đầu mối, cơ sở giết mổ tập trung trước khi phân phối đến thị trường bán lẻ. Khi chuỗi cung ứng thực phẩm ngày càng mở rộng với sự đa dạng của nguồn cung, kéo theo mối nguy về mất an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp…

Trong bối cảnh đó, việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc mang lại sự ổn định về chất lượng, độ an an toàn của thực phẩm trong chuỗi cung ứng. Từ cuối tháng 10/2021, Ban quản lý ATTP Đà Nẵng đã triển khai Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm điện tử.

Theo đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho phép 3 bên cùng tham gia gồm: cơ quan nhà nước với chức năng quản lý, xem báo cáo thống kê, kiểm tra, tiếp nhận các thông tin về mất ATTP. Cơ sở thực phẩm được ghi nhận thông tin theo từng mắt xích, chia sẻ thông tin và kết nối thông tin với nhau để tạo thành thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng. Người tiêu dùng truy được nguồn gốc sản phẩm, đánh giá thực phẩm an toàn, báo cáo mất ATTP lên cơ quan chức năng.

Đà Nẵng đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc điện tử. Ảnh minh họa 

Việc truy xuất nguồn gốc điện tử giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm nhanh chóng qua ứng dụng di động bằng việc quét QR code được dán trên sản phẩm. Các QR code là duy nhất cho mỗi gói sản phẩm đảm bảo tính nhất quán về thông tin.

Theo kế hoạch, hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm điện tử ở Đà Nẵng sẽ triển khai truy xuất nguồn gốc theo chiều sâu đối với 4 chuỗi sản phẩm và chia thành 2 giai đoạn: thịt - trứng (giai đoạn 1); Rau - trái cây, thủy sản, sản phẩm bao gói (giai đoạn 2). Được biết, dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm là hợp phần quan trọng trong Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030 tại Đà Nẵng.

Hiện, Ban quản lý ATTP thành phố Đà Nẵng đang triển khai giai đoạn 1 trên sản phẩm thịt - trứng, với 13 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tham gia. Trong đó, chuỗi sản phẩm thịt áp dụng truy xuất thông tin theo trình tự từ lò mổ, pha lóc đến đơn vị phân phối (chuỗi cửa hàng bán lẻ). Mỗi sản phẩm thịt tham gia hệ thống đều có dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi đăng ký tham gia hệ thống đều được miễn phí, được hỗ trợ các vật tư phù hợp như, thẻ QR Code, tem QR Code. Bên cạnh đó, hiện cũng đang có khoảng 3.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm điện tử. Các cơ sở này đều được gắn bảng QR-Code định danh, cập nhật vị trí nhà hàng, cửa hàng ăn uống trên bản đồ an toàn thực phẩm của thành phố để người tiêu dùng, khách du lịch được biết và lựa chọn.

Trưởng Ban Quản lý ATTP thành phố Đà Nẵng Nguyễn Tấn Hải nhận định, việc truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng biết được “lý lịch” của sản phẩm, biết hàng hóa này đi đâu, phân phối như thế nào và nếu không đạt chất lượng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm.

“Sự minh bạch về nguồn gốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh buộc người sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm trước cộng đồng. Công tác vệ sinh ATTP sẽ lấy người dân làm trung tâm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ là người kiến tạo ra luật, quy định chung, các bên liên quan ứng xử theo luật đó. Trong bối cảnh hiện nay, khách hàng phải là những “người tiêu dùng thông thái”, họ sẽ vừa là người thụ hưởng và vừa là người kiểm tra giám sát chất lượng ATTP”, ông Nguyễn Tấn Hải nhìn nhận.

Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm là bước đệm để doanh nghiệp tham gia và từng bước nâng cao chất lượng, trách nhiệm với cộng đồng, đồng thời đây là xu thế bắt buộc trong kinh doanh phải ngày càng văn minh, cạnh tranh bằng chất lượng và sự minh bạch. Việc làm này vừa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và lợi ích cho người tiêu dùng; vừa thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố”

Với phần mềm truy xuất nguồn gốc, các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm xây dựng kho dữ liệu, chủ động khai báo thông tin cơ sở, nhân sự, cập nhật và sản phẩm đầu vào, đầu ra… Người tiêu dùng được cung cấp thông tin về chất lượng thực phẩm, tra cứu, đánh giá, bình chọn, thậm chí cảnh báo hoặc tố giác các vụ việc có nguy cơ mất an toàn thực phẩm thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Từ đó, góp phần đưa những mặt hàng thực phẩm chất lượng, an toàn phát triển mạnh cũng như tẩy chay, loại bỏ thực phẩm bẩn, kém chất lượng ra khỏi thị trường tiêu dùng thực phẩm. Vô hình chung, người tiêu dùng phối hợp, hỗ trợ các cơ quan nhà nước phát hiện các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không đạt yêu cầu để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý phù hợp.

Theo thống kê, Đà Nẵng có tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động đứng đầu toàn quốc với tỷ lệ 276 máy/100 dân; 105 máy điện thoại thông minh /100 dân; trung bình gần 2 tài khoản mạng xã hội/1 người dân. Số tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác của người từ 15 tuổi trở lên là hơn 2,3 triệu tài khoản.

Với sự phát triển hạ tầng công nghệ thông tin như hiện nay đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyển đổi số, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra trong lĩnh vực ATTP, góp phần xây dựng những chuỗi sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang