Đà Nẵng: Ưu tiên lựa chọn thực phẩm có tem, mã truy xuất nguồn gốc

author 16:25 13/11/2023

(VietQ.vn) - Trước tình hình mưa bão đang diễn ra hết sức phức tạp, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố khuyến cáo người dân cần sử dụng nước sạch, không sử dụng gia súc, gia cầm chết do ngập nước.

Trước tình hình mưa bão đang diễn ra hết sức phức tạp, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố khuyến cáo người tiêu dùng đảm bảo lương thực, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh trường hợp sản phẩm bị hư hỏng, mất dinh dưỡng do bảo quản không đúng; dùng nước sạch để ăn uống, không sử dụng gia súc, gia cầm chết do ngập nước.

Trong mùa mưa bão, lũ lụt, do sự thay đổi bất thường về thời tiết tạo điều kiện thuận lợi các loại vi sinh vật gây bệnh phát triển, đặc biệt là trên các loại lương thực, thực phẩm nếu không bảo quản đúng cách. Các loại thực phẩm trong quá trình sử dụng, bảo quản khi gặp thời tiết mưa, ẩm ướt kéo dài dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng hơn. Nguồn nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm có thể bị ô nhiễm do bị ngập úng, ngập lụt.

Các vùng trồng trọt, chăn nuôi bị ngập lụt dẫn đến rau, củ, quả dập nát, hư hỏng, nhiễm bẩn; động vật gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi sử dụng. Trong khi đó, một số đối tượng lợi dụng mùa mưa bão, tâm lý người tiêu dùng, có thể trà trộn, đưa ra thị trường tiêu thụ các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm giả, hết hạn sử dụng.

Mùa mưa bão cần chọn mua sản phẩm thực phẩm tại cơ sở sản xuất uy tín, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Ảnh: Công thương

Ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng ban Ban quản lý ATTP thành phố cho biết, tâm lý người dân thường có thói quen tích trữ nhiều lương thực, thực phẩm để sử dụng nhưng điều kiện bảo quản tại nhà thường không bảo đảm, không theo hướng dẫn của nhà sản xuất, khuyến cáo cơ quan chuyên môn nên dễ dẫn đến bị hư hỏng, tạo điều kiện cho vi sinh vật sinh phát triển, sinh độc tố.

"Đặc biệt, sau mưa bão, lũ lụt dễ có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm xuất phát từ một số nguyên nhân như: nguồn nước sử dụng ăn uống có thể bị ô nhiễm; sử dụng gia súc, gia cầm chết do ngập nước, bị bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân để làm thực phẩm; người dân ở vùng nông thôn, miền núi đôi khi vẫn còn thói quen sử dụng nấm hoặc các loại rau, trái cây, côn trùng phát triển sau mưa, bão để làm thực phẩm, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên.

Ban quản lý ATTP thành phố khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn mua sản phẩm thực phẩm tại cơ sở sản xuất uy tín, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thực phẩm có tem/mã truy xuất nguồn gốc điện tử; sản phẩm của các đơn vị đã tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm của thành phố.

Không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm để tránh trường hợp sản phẩm bị hư hỏng, mất dinh dưỡng do bảo quản không đúng, đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm cần điều kiện bảo quản lạnh, lạnh đông. Thực hiện triệt để việc ăn chín, uống sôi; sử dụng nước sạch để ăn uống, chế biến thực phẩm. Thực hiện tốt “10 Nguyên tắc vàng để chế biến thực phẩm an toàn”; “5 chìa khóa để thực phẩm an toàn”, ông Nguyễn Tấn Hải nhấn mạnh.

Đối với các vùng bị ngập úng, ngập lụt, người dân cần chủ động tích trữ đủ lương thực, thực phẩm cần thiết, nước sạch sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm. Trong đó, cần tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện nhiệt độ, thời hạn bảo quản thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm ăn ngay, chế biến sẵn theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về an toàn thực phẩm. Không sử dụng thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

“Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết do ngập nước, bị bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân để chế biến làm thực phẩm. Tuyệt đối không đánh bắt, thu hái, sử dụng các loại nấm, rau, trái cây, thủy hải sản, côn trùng có chứa độc tố tự nhiên để chế biến làm thực phẩm hoặc khi chưa biết rõ để phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên”, ông Nguyễn Tấn Hải nói.

Bên cạnh đó, thức ăn sau khi nấu chín tốt nhất nên sử dụng ngay, trường hợp chưa sử dụng cần có biện pháp che đậy tránh côn trùng. Không để thức ăn đã nấu chín quá 2 giờ ở nhiệt độ thường. Trường hợp cần bảo quản lâu hơn, thức ăn cần được đậy kín, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và đun sôi kỹ lại trước khi sử dụng.

“Người dân cần thực hiện triệt để việc ăn chín, uống sôi; sử dụng nước sạch để ăn uống, vệ sinh dụng cụ, sơ chế, chế biến thực phẩm trong thời gian ngập lụt xảy ra. Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn môi trường xung quanh, nguồn nước sử dụng sau khi hết ngập lụt theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan y tế và cơ quan chuyên môn có thẩm quyền”, Ban quản lý ATTP khuyến cáo.

Nói tới những nguy cơ sau mưa bão, ngập lụt, mới đây Bộ Y tế cũng cho rằng, ngập lụt sau mưa lũ là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus truyền bệnh phát triển, gây dịch bệnh cho người. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết.

Để phòng bệnh do ngập lụt sau mưa bão, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày, tránh lây bệnh do muỗi đốt, trong đó có sốt xuất huyết. 

Bệnh đường tiêu hóa (tiêu chảy do vi khuẩn E.coli, lỵ, thương hàn, tả, viêm gan A) rất dễ mắc phải do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm. Do đó, người dân cần ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi, chọn thực phẩm an toàn, vệ sinh; khử trùng nước ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế để phòng bệnh đường tiêu hóa.

Các bệnh ngoài da dễ mắc do lũ lụt là nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở và mụn nhọt. Để phòng bệnh, không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã được khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát. Không mặc áo quần ẩm ướt. Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, ngoài gây bệnh ngoài da, còn gây ra bệnh đường tiêu hóa do nuốt phải nước bẩn.

Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân. Lưu ý phòng ngừa các bệnh đường hô hấp bằng cách giữ ấm khi trời lạnh, đảm bảo đủ dinh dưỡng, nhất là trẻ em, người già; tránh tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp.

Đáng lưu ý, thực tế điều trị các năm gần đây, một số đơn vị chuyên khoa đầu ngành ghi nhận các ca bệnh Whitmore thường tăng sau các đợt mưa bão, lũ lụt. Đây là bệnh có có tỷ lệ tử vong cao. Tác nhân gây ra căn bệnh chết người này là vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, bệnh Whitmore (hay tên gọi khác là Melioidosis) là bệnh nhiễm trùng ở người và động vật. Vi khuẩn gây bệnh này tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang