Đắk Lắk: Đẩy mạnh tiến độ về truy xuất nguồn gốc tập trung vào sản phẩm chủ lực

author 06:00 24/05/2023

(VietQ.vn) -Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đăk Lăk cho biết, hiện nay tỉnh đang đẩy mạnh việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc đặc biệt là vào các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc (TXNG), trong đó tập trung hỗ trợ triển khai giải pháp TXNG cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đăk Lăk đã phối hợp với Viện Công nghệ thông tin và truyền thông CDIT hỗ trợ 10 DN, HTX trên địa bàn ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc có dán tem QR code và cấp gần 100.0 tem xác thực truy xuất nguồn gốc. Với phần mềm truy xuất nguồn gốc và tem QR code được cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng kho dữ liệu, cập nhật thông tin về nguồn gốc hàng hóa lên hệ thống và dán mã QR lên sản phẩm trước khi cung ứng ra thị trường. Người tiêu dùng được cung cấp thông tin về sản phẩm, tra cứu, đánh giá, bình chọn... thông qua ứng dụng quét mã QR trên điện thoại thông minh.

 Đắk Lắk: Đẩy mạnh tiến độ về truy xuất nguồn gốc trong đó tập trung vào các sản phẩm chủ lực. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đăk Lăk, công tác quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa hiện vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Đơn cử, dữ liệu truy xuất nguồn gốc phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị cung cấp giải pháp; thông tin truy xuất nguồn gốc không đáp ứng “các nguyên tắc truy xuất nguồn gốc”, không đủ các bên tham gia chuỗi cung ứng, không đủ phần tử dữ liệu chính, thông tin không chính xác. Cùng với đó, hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai chưa được ban hành đầy đủ nên việc thực hiện không thống nhất và đồng bộ...

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, truy xuất nguồn gốc được coi là chìa khóa khởi tạo niềm tin, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được bảo đảm. Đồng thời, cũng là ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam. Không chỉ vậy, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hoá nông sản còn giúp DN chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về vấn đề này.

Để đưa hoạt động TXNG ngày càng phát triển, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, an toàn cho sản phẩm, hàng hóa của địa phương, tỉnh Đắk Lắk đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng 7 mô hình áp dụng hệ thống TXNG đối với các sản phẩm như: rau quả, mật ong, cà phê bột, hạt tiêu, hạt điều, lâm sản…; trên cơ sở đó, nhân rộng mô hình áp dụng hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa nhằm đảm bảo nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm nông lâm sản chủ lực và các sản phẩm, hàng hóa OCOP của tỉnh; bảo đảm tối thiểu 25% DN của tỉnh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống TXNG áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống TXNG của DN trong nước và quốc tế; xây dựng hệ thống quản lý thông tin TXNG của tỉnh và phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho việc kết nối với Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia...

Được biết vào tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Ðề án 100).

Trong thời gian qua, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ KH&CN) đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện.

Sau vài năm năm thực hiện Ðề án 100, hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc dần được hoàn thiện; nhận thức xã hội về truy xuất nguồn gốc được nâng cao; nền tảng hệ thống truy xuất nguồn gốc được thống nhất xây dựng..

Đáng chú ý là việc ban hành Nghị định số 13/2022/NÐ-CP ngày 21/1/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường.

Các quy định về truy xuất nguồn gốc tại Nghị định số 13/2022/NÐ-CP đã khẳng định vai trò quản lý nhà nước nhằm thống nhất hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Ðây là căn cứ để các nhà quản lý hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, đưa truy xuất nguồn gốc trở thành một trong những hàng rào kỹ thuật để quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu, và là công cụ tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu dễ dàng hơn.

Ðối với doanh nghiệp, Nghị định số 13/2022/NÐ-CP cũng là căn cứ để các doanh nghiệp đưa ra được kế hoạch triển khai các hoạt động nâng cao năng lực kỹ thuật cho hoạt động truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ phát triển sản phẩm đạt yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, một số bộ, ngành đã rà soát và quy định nội dung truy xuất nguồn gốc vào văn bản quy phạm pháp luật, như: Thông tư số 25/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế; Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/2/2021 quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT.

Hệ thống các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc đã được xây dựng và công bố. Ðến nay, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp các bộ có liên quan xây dựng và công bố 10 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc, nâng tổng số tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực này lên 23 tiêu chuẩn.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang