Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp

author 17:57 21/08/2021

(VietQ.vn) - Từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao đang là vấn đề bức xúc, làm tăng chi phí đầu vào và ảnh hưởng đến hiệu quả của sản xuất.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao. Trong đó, tăng mạnh nhất là mặt hàng phân bón.

Cụ thể, đối với phân bón sản xuất trong nước như phân urê (đạm Cà Mau) tăng 72%; phân DAP (Ðình Vũ) tăng 67,3%… Cùng đó, các loại phân bón nhập khẩu cũng tăng tương tự, như phân SA bột của Trung Quốc tăng 60,6%; phân DAP 64% nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 50%… Ðối với các loại vật tư nông nghiệp khác như thuốc BVTV cũng tăng nhẹ từ 10 đến 15%. Thức ăn chăn nuôi nhiều loại tăng từ 30 đến 35%.

Giá phân bón tăng cao làm phát sinh nguy cơ buôn bán các loại phân bón không đảm bảo chất lượng, hay việc đầu cơ tích trữ, tăng giá kiếm lời. Ảnh minh họa.

Lý giải giá phân bón thời gian qua liên tục tăng cao, Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng. Trong 7 tháng qua, các nguyên liệu chính để sản xuất phân bón tăng giá liên tục; giá cước vận tải tăng lên từ ba đến năm lần.

Với mặt hàng thuốc BVTV, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết, nguồn nguyên liệu thuốc BVTV ở nước ta phụ thuộc gần như 100% từ nhập khẩu, trong đó chủ yếu từ các nước Trung Quốc và Ấn Ðộ. Hiện nay, giá nhập khẩu nguyên liệu một số thuốc BVTV đã tăng. Ngoài ra, cước vận chuyển cũng tăng cao và khó đặt tàu chuyển hàng.

Cùng với các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV, giá thức ăn chăn nuôi cũng liên tục tăng cao từ 30 đến 35%, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Ðầu ra khó khăn, giá bán giảm khiến người chăn nuôi rơi vào thua lỗ, thậm chí càng nuôi càng lỗ.

Các chuyên gia nhận định, vật tư nông nghiệp liên tục tăng giá, chi phí đầu vào tăng, giá đầu ra của sản phẩm giảm khiến nhà nông càng thêm bộn bề lo toan, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội. Hiện, người dân ở các tỉnh Nam Bộ đang thu hoạch lúa cuối vụ hè thu và khẩn trương gieo sạ lúa vụ thu đông - mùa năm 2021. Sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng đang bước vào vụ nuôi mới.

Theo Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (gọi tắt là Tổ công tác 970) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình giá vật tư đầu vào như: phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản tăng cao, việc kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, nhập khẩu không rõ ràng nguồn, tình trạng đầu cơ, tích trữ tạo khan hiếm giả để tăng giá thu lợi… đang là vấn đề bức xúc, làm tăng chi phí đầu vào và ảnh hưởng đến hiệu quả của sản xuất.

Vì vậy, Tổ công tác 970 đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố Nam Bộ về việc tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch Covid-19. Trong đó, Tổ công tác 970 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cục quản lý thị trường, thanh tra sở nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp các sở, ban, ngành và thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, UBND các huyện đẩy mạnh kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và phụ gia thực phẩm, phẩm mầu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và chất lượng phân bón trên địa bàn.

Ðồng thời, khẩn trương kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tổ công tác 970 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao Cục Quản lý thị trường thường xuyên thực hiện nhiệm vụ này, không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời. Còn đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, trước mắt để giảm sức nóng cho ngành hàng này cần khuyến khích doanh nghiệp, người chăn nuôi tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Về lâu dài, cần có chiến lược phát triển chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước như ngô, đậu tương...

Mai Phương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang