Doanh nghiệp chủ động hối lộ: Phần nổi tảng băng chìm

author 08:06 22/11/2012

(VietQ.vn) - Để “được việc” các doanh nghiệp đã thực hiện việc hối lộ, lót tay, tiếp tay cho tham nhũng.

Doanh nghiệp càng lớn hối lộ càng nhiều

Báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2011” được Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố hôm 21/11 cho thấy, các doanh nghiệp đang ngày càng tham gia hối lộ và tiếp tay cho tham nhũng đang ngày một tăng lên.

Năm 2011, kết quả điều tra thu được, có tới 38,3% các doanh nghiệp trong tổng số 2.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quốc doanh được hỏi cho biết thường xuyên chi các khoản không chính thức để “xong việc”. Con số này vào năm 2009 mới chỉ là 34,3% và còn thấp hơn vào năm 2007. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp chi cho hối lộ và tiếp tay cho tham nhũng ngày càng tăng cao. Đặc biệt, tăng khác thường trong 2 năm gần đây.

Theo GS. John Rand – Trường đại học Copenhagen (Đan Mạch) – thành viên nhóm nghiên cứu, có tới 30% doanh nghiệp thực hiện các khoản thanh toán không chính thức để đối phó với các cơ quan thuế trong năm 2011, tăng lên so với tỷ lệ 26% của năm 2009.

“Gần 26% các khoản chi phi chính thức liên quan đến các dịch vụ công (tăng lên so với tỷ lệ 20% trong năm 2009). Khoảng gần 10% doanh nghiệp chi không chính thức để có được giấy phép và sự cho phép và hơn 5% chi các khoản này để đối phó với khách hàng trong năm 2011”, GS. John Rand cho biết.

Cũng từ báo cáo trên cho thấy, các doanh nghiệp lớn có xác suất chi hối lộ cao hơn khoảng 10% so với các doanh nghiệp siêu nhỏ. Các doanh nghiệp có đăng ký có mối tương quan thuận chiều và chặt chẽ với việc chi hối lộ, khẳng định các kết quả do GS. Rand đang thực hiện trong năm 2012 này. Các doanh nghiệp có đăng ký cũng có xác suất chi hối lộ cao hơn 22 - 23% so với các doanh nghiệp phi chính thức. Các doanh nghiệp ở khu vực miền Nam có tỷ lệ chi hối lộ thấp hơn so với các doanh nghiệp cũng đặc tính ở miền Bắc.

Để "được việc" doanh nghiệp phải chủ động hối lộ
Để "được việc" doanh nghiệp phải chủ động hối lộ. Ảnh: ST

Các doanh nghiệp chi hối lộ không mở rộng lực lượng lao động của mình nhiều hơn so với doanh nghiệp không chi cho hối lộ.

Quan chức nhà nước "dính líu"?

Theo thống kê của VCCI, trong 9 tháng đầu năm 2012, có trên 42.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt  động và giải thể.

Một kết quả bất ngờ mà các chuyên gia của CIEM, Đại học Liên hợp quốc, Đại học tổng hợp Copenhagen cũng phát hiện được qua nghiên cứu nói trên là tính phi chính thức và thuế có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động hối lộ và tham nhũng. Nó cũng là nhân tố chính trong môi trường kinh doanh của một quốc gia. Các khoản chi phi chính thức có thể được đưa ra để đổi lại dịch vụ nào đó mà quan chức nhà nước cung cấp.

Ngoài ra, báo cáo cũng khẳng dịnh, các doanh nghiệp chủ động, chính thức chi hối lộ là chủ yếu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, có thể cơ quan chức năng hoặc các cán bộ ở cơ quan chức năng không “gợi ý” nhưng việc đưa hối lộ và tiếp tay cho tham nhũng vẫn được “thiết kế” sẵn trong tư duy của doanh nghiệp.

Điều này theo ông Nguyễn Tiến Long – Giám đốc một Công ty Dịch vụ Thương mại là có thật bởi chỉ có như vậy thì “việc” mới chạy. Ông Long cũng không ngạc nhiên về báo cáo nói trên và cho rằng, kết quả như vậy vẫn mới ở bề nổi của tảng băng chìm và lẽ ra, nhóm nghiên cứu cần chỉ ra, các hối lộ, tiếp tay cho tham nhũng đó thường rơi vào nhóm người nào, vị trí ra sao… như vậy bộ mặt tham nhũng và nhận hối lộ sẽ hiển hiện rõ hơn.

Còn theo một phản biện từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho rằng, thực tế nói trên phản ánh một điều các doanh nghiệp làm ăn không “bài bản”, cạnh tranh không lành mạnh nên buộc phải bỏ ra các chi phí không chính thức để “việc” chạy hơn.

Một điều cũng đáng quan tâm và là tỷ lệ nghị với tỷ lệ doanh nghiệp tiếp tay cho tham nhũng và hối lộ đang ngày càng tăng cao là từ năm 2009 – 2011, doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện đầu tư mới giảm đáng kể. Nếu như số doanh nghiệp thực hiện đầu tư mới vào năm 2009 đạt tới 61% thì đến năm 2011, con số này chỉ là 56%.

Vốn tính dụng cũng đã bị giảm từ 47% so với 52% trong 2 năm tương ứng nói trên. Đây là một rào cản mà theo TS. Phạm Thu Hằng nó góp phần làm cho số doanh nghiệp rời khỏi thị trường – phá sản, ngừng hoạt động tăng cao. Và khi xu hướng này vẫn tiếp diễn, thì số doanh nghiệp sống sót sẽ ít đi. Thực tế này cũng được chứng minh, tỷ lệ sống sót hàng năm trong giai đoạn 2005 -2007 của doanh nghiệp là 94%. Trong giai đoạn 2007 – 2009 chỉ là 91%.

Công an tỉnh Vĩnh Long vừa bắt tạm giam ông Phạm Tiến Ngọ (50 tuổi, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thành Tiến ở huyện Bình Minh) về hành vi Đưa hối lộ.
 
Làm việc với cảnh sát, ông Ngọ khai nhiều lần đưa hối lộ 10% tổng giá trị gói thầu cho Bùi Hữu Trí (33 tuổi, chuyên viên xây dựng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vĩnh Long) để được ưu ái xét trúng thầu các dự án xây dựng, trùng tu khu di tích. Trong đó, riêng dự án xây dựng khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở huyện Vũng Liêm có vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng, ông Ngọ đã "lại quả" cho Trí trên 1,5 tỷ đồng.
 
Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện 6 công trình văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có dấu hiệu tiêu cực xảy ra giữa Trí và ông Ngọ. Không chỉ vậy, Trí còn câu kết với kế toán trưởng Trần Lê Đông và một công ty xây dựng lập hợp đồng khống với nội dung tư vấn cho gói thầu tại trường năng khiếu thể dục thể thao để rút tiền ngân sách gần 240 triệu đồng. Sau khi doanh nghiệp được thanh toán, Trí với Đông mỗi người được chia 100 triệu đồng.

Nguyễn Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang