Doanh nghiệp, xã hội cần đầu tư mạnh hơn cho KH&CN

author 14:07 04/09/2012

(VietQ.vn) - So với các nước trong khu vực và trên thế giới, mức đầu tư của Doanh nghiệp và xã hội cho KH&CN chưa tương xứng.

Đó là trao đổi của Bộ trưởng Bộ KH&CN, TS Nguyễn Quân và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, TS Phan Xuân Dũng  trên truyền hình Thông tấn xã về việc đổi mới cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học.

TS Nguyễn Quân (ở giữa) trao đổi về việc phát triển KH&CN. Ảnh: Hồng Hạnh
TS Nguyễn Quân (ở giữa) trao đổi về việc phát triển KH&CN. Ảnh: Hồng Hạnh
 
Cần tăng đầu tư cho KH&CN lên 5 - 10 lần
 
- Hiện nay, một số ngành, địa phương vẫn chưa thật sự coi việc đầu tư cho KH&CN là đầu tư cho phát triển. Thực tế, mức đầu tư tài chính của Nhà nước cho KH&CN vẫn chưa tương xứng. Và bản thân ngành KH&CN đã thật sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội hay chưa? Xin Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết nguyên nhân của những thực trạng này?
 
TS. Nguyễn Quân: Trong hơn 10 năm qua Quốc hội đã cho phép dành 2% tổng chi ngân sách quốc gia cho KH&CN. Chúng tôi cho đây là mức đầu tư tương đối cao so với Ngân sách Nhà nước trong bối cảnh chúng ta còn rất nhiều khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên ở Việt Nam, đầu tư của xã hội cho KH&CN còn rất thấp. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, mức đầu tư của doanh nghiệp và xã hội cho KH&CN còn chưa tương xứng.
 
Chúng ta cần tăng mức đầu tư này lên từ 5 đến 10 lần mới có thể đáp ứng được nhu cầu của nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Trước hết là cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Vì thế, chúng tôi thấy, trên cơ sở duy trì mức đầu tư từ Ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp và xã hội cần đầu tư nhiều hơn nữa cho KH&CN.
 
- Nghị quyết TW 2 khóa VIII đã xác định, KH&CN và Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhưng hiện một số điểm của Nghị quyết đã không còn phù hợp với thực tế, đặt ra nhu cầu cấp thiết cần phải có một Nghị quyết mới để tạo hành lang cho KH&CN phát triển. TS. Phan Xuân Dũng có thể cho biết rõ hơn về điều này?
 
TS. Phan Xuân Dũng: Như quý vị đã biết, Nghị quyết TW 2 khóa VIII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8 đã đề ra nhiệm vụ rất nặng nề là làm sao đến năm 2020 về cơ bản nước ta trở thành một nước công nghiệp và nhiệm vụ ấy đặt ra cho KH&CN một trách nhiệm lớn. Trong thời điểm đó, KH&CN thế giới đã phát triển như vũ bão, có những tác động lớn lao đến năng suất, hiệu quả hoạt động của nền kinh tế xã hội nước ta. Trong bối cảnh ấy, Hội nghị lần thứ 2 đã đưa ra Nghị quyết về KH&CN, đặt ra nhiệm vụ cho KH&CN đến năm 2000 và đề ra định hướng phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020.
 
Nghị quyết TW 2 cho đến nay vẫn còn hiệu lực. Trên thực tế các hoạt động của KH&CN hiện nay vẫn được thực thi theo những nhiệm vụ, giải pháp, quan điểm Nghị quyết TW 2 khóa VIII đã đề ra. Tuy nhiên như chúng ta đã biết, Nghị quyết TW 2 khóa VIII ra đời năm 1996, là thời điểm nước ta bắt đầu thoát khỏi cơ chế cấm vận của các nước, lúc ấy cũng bắt đầu vào cơ chế thị trường. Do đó hiểu về cơ chế thị trường của chúng ta còn nhiều hạn chế. Điều đó cũng tác động đến việc nhìn nhận đối với cơ chế quản lý tài chính hoạt động KH&CN trong Nghị quyết này.
 
Khi Nghị quyết TW2 khóa VIII được xây dựng cũng là lúc chúng ta mới bắt đầu thoát khỏi cơ chế hành chính quan liêu bao cấp. Vì thế, việc chúng ta xây dựng Nghị quyết trong thời điểm ấy cũng không thoát khỏi tư duy đó. Đây là hạn chế thứ hai.
 
Hạn chế thứ ba, do tư duy và tổ chức như vậy nên cũng ảnh hưởng đến định hướng cho các tổ chức và hoạt động của các tổ chức KH&CN. Đấy là những điểm yếu chúng ta cần nghiên cứu kỹ để khắc phục trong Đề án mới.
Cần có cơ chế hợp lý để nhà khoa học có thể thuê khoán các chuyên gia nước ngoài. Ảnh: Duke University
Cần có cơ chế hợp lý để nhà khoa học có thể thuê khoán các chuyên gia nước ngoài. Ảnh: Duke University
- Như vậy, có nhiều nguyên nhân cản trở sự phát triển và đóng góp của KH&CN trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong những nguyên nhân  là vướng mắc về thủ tục tài chính trong quá trình triển khai đề tài nghiên cứu khoa học. Thưa Bộ trưởng Nguyễn Quân, Bộ trưởng có bình luận gì về vấn đề này? 
 
TS. Nguyễn Quân: Có thể nói cơ chế tài chính cũng như cơ chế quản lý về KH&CN của chúng ta cho đến thời điểm này chưa hội nhập được với thế giới mặc dù chúng ta là thành viên của WTO. Các nước đều làm việc theo nguyên tắc, các nhà khoa học đề xuất nhiệm vụ vào lúc nào sẽ được cấp kinh phí và được tổ chức thực hiện ngay lúc đó, như vậy mới có tính thời sự. 
 
Nhưng chúng ta thường phải lập kế hoạch KH&CN trước nhiều năm, chính xác là hơn một năm. Cho đến khi được giao tiền thì thường các nhiệm vụ KH&CN ấy đã trở nên lạc hậu. Đấy là chưa nói đến việc điều chỉnh nội dung và điều chỉnh kinh phí...rất phức tạp về mặt thủ tục. 
 
Cho nên khi các nhà khoa học nhận được kinh phí nhiều khi cũng không thực hiện được bởi với tốc độ trượt giá và lạm phát của chúng ta, sau một đến hai năm những dự toán đó không có ý nghĩa nữa. Đồng thời chúng ta cũng không sử dụng cơ chế của quỹ cho cấp phát tài chính đối với các đề tài nghiên cứu mà cấp phát qua kho bạc. 
 
Vì thế khi các nhà khoa học có ý tưởng nghiên cứu sẽ phải chờ đợi rất lâu mới hoàn thành thủ tục và được cấp kinh phí. Chúng tôi cho rằng, chúng ta cần hoạt động KH&CN theo thông lệ mà các nước phát triển cũng như các nền kinh tế khác đã trải qua, họ đã có kinh nghiệm xương máu và chúng ta nên đi theo con đường của các quốc gia khác, không nên làm khoa học theo cơ chế kế hoạch hóa.
 
Đầu tư dàn trải
 
- Ngoài những tồn tại trong thủ tục hành chính các nhà khoa học hiện nay đang gặp phải, việc phân bổ ngân sách KH&CN đôi khi không đúng trọng tâm và mang tính dàn trải. Bộ trưởng Nguyễn Quân có thể cho biết rõ hơn về thực trạng này? 
 
TS. Nguyễn Quân: Nhiều năm qua, trong kinh phí dành cho KH&CN có khoảng 40-43% là kinh phí đầu tư phát triển và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp phân bổ khoản kinh phí này cho các bộ ngành, địa phương. Bộ KH&CN hoàn toàn không nắm được tình hình phân bổ cũng như hiệu quả sử dụng của khoản kinh phí đó. Các bộ ngành, địa phương khi nhận trực tiếp kinh phí từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần như không báo cáo với Bộ KH&CN.
 
Kinh phí còn lại khoảng 57-60% là dành cho kinh phí sự nghiệp KH&CN. Bộ KH&CN với Bộ Tài chính thỏa thuận thống nhất phương án phân bổ cho các bộ ngành, các địa phương nhưng hầu hết khoản tiền này được dành cho chi thường xuyên, tức là nuôi bộ máy cán bộ khoa học cũng như các Viện nghiên cứu, các Trung tâm nghiên cứu trong cả nước.
 
Một phần rất ít ỏi chiếm khoảng hơn 10% mới dành cho nghiên cứu, tức là các đề tài từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước. 
 
Gần đây Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ KH&CN đề xuất việc phân bổ cả kinh phí đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp khoa học. Vì thế, chúng tôi hy vọng trong giai đoạn sắp tới, trên cơ sở đề xuất của Bộ KH&CN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính sẽ phân bổ kinh phí và như vậy các bộ, ngành, các địa phương sẽ phải báo cáo Bộ KH&CN về tình hình sử dụng kinh phí này.
 
Trên cơ sở sử dụng có hiệu quả hay không Bộ KH&CN sẽ đề xuất việc điều chỉnh phân bổ kinh phí cho những năm tiếp theo, đảm bảo nơi nào dùng tốt sẽ được phân bổ nhiều hơn và nơi nào sử dụng không tốt sẽ bị cắt giảm.
 
Cán bộ khoa học Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp kiểm tra hàm lượng xơ, tạp chất, nồng độ bột trong đề tài nghiên cứu máy sản xuất chế biến tinh bột sắn. Ảnh: TTXVN
Cán bộ khoa học Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp kiểm tra hàm lượng xơ, tạp chất, nồng độ bột trong đề tài nghiên cứu máy sản xuất chế biến tinh bột sắn. Ảnh: TTXVN
- Vậy các giải pháp để thay đổi cơ chế tài chính có được đưa vào trong Đề án Đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN hay không, thưa Bộ trưởng?
 
TS. Nguyễn Quân: Toàn bộ những nội dung tôi vừa trao đổi đã được thể hiện trong Đề án Đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ, đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Bên cạnh cơ chế phân bổ như vậy chúng tôi cũng đề xuất một số giải pháp rất quan trọng về mặt tài chính, đó là việc cấp kinh phí theo tiến độ đề xuất nhiệm vụ và giải ngân kinh phí đó theo cơ chế của quỹ trong lĩnh vực KH&CN, có thể thông qua các quỹ của Nhà nước là Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia hoặc Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia hoặc vẫn qua kho bạc nhưng được giải ngân theo cơ chế của quỹ.
 
Tức là cấp kinh phí theo tiến độ đề xuất nghiên cứu đồng thời không phải quyết toán theo năm mà quyết toán theo hợp đồng, chuyển nguồn tự động. Như vậy, các nhà khoa học sẽ giảm bớt được nhiều thủ tục...
 
- Thưa Bộ trưởng, cần có những chính sách gì để kinh phí dành cho KH&CN được sử dụng một cách hiệu quả nhất? 
 
TS. Nguyễn Quân: Hiện nay, hầu hết kinh phí đầu tư cho nghiên cứu là từ Ngân sách Nhà nước. Chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ cần chuyển sang cơ chế đặt hàng để các nhiệm vụ nghiên cứu, các đề tài, dự án nghiên cứu phải bám sát sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Và trong quá trình nghiên cứu chúng tôi cũng đảm bảo khi các đề tài nghiên cứu xong phải có địa chỉ ứng dụng, phải được tổ chức sản xuất để đưa vào cuộc sống. 
 
Chúng tôi cũng kiến nghị phải áp dụng phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Có nghĩa là các nhà khoa học khi đề xuất nhiệm vụ và khi được phê duyệt giao kinh phí thì họ phải cam kết tạo ra được sản phẩm đúng với đặt hàng. Đồng thời phải chỉ được địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu của họ. Họ cũng cùng với doanh nghiệp tổ chức sản xuất để đưa sản phẩm đó vào cuộc sống. 
 
Tuy nhiên, nghiên cứu mà chỉ dựa vào Ngân sách Nhà nước thì chưa đủ. Chúng ta phải đặt vấn đề xã hội cần đầu tư nhiều hơn nữa cho KH&CN trên cơ sở doanh nghiệp phải dành một phần lợi nhuận trước thuế của họ cho đầu tư, phát triển KH&CN.
 
Và trong Đề án báo cáo với Thủ tướng và trình Ban Chấp hành Trung ương, chúng tôi cũng đề xuất doanh nghiệp Nhà nước phải bắt buộc dành tỉ lệ tối thiểu lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Chúng ta khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác cũng phải dành một phần lợi nhuận trước thuế của họ để đầu tư cho quỹ của chính họ hoặc đóng góp cho quỹ phát triển KH&CN của địa phương.
 
Bởi theo luật hiện hành, họ được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế trong khi doanh nghiệp của chúng ta hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. 10% lợi nhuận trước thuế đó không đủ để họ có thể đổi mới công nghệ hoặc tạo ra sản phẩm mới. Vì thế, không thể giúp doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Chúng tôi đề nghị không nên khống chế mức tối đa để trích cho Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để họ có đủ nguồn lực đổi mới công nghệ và tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh. Có như thế, KH&CN mới đủ nguồn lực để phát triển. 
 
Tạo các "bệ phóng" cho nhà khoa học
 
- Thưa Bộ trưởng, bên cạnh những bất cập về cơ chế tài chính như vậy, các nhà khoa học hiện nay còn gặp những vướng mắc, khó khăn gì?
 
TS. Nguyễn Quân: Thực ra đối với giới khoa học, ngoài những khó khăn về làm nghiên cứu thì những khó khăn về đời thường cũng giống như tất cả những người làm công ăn lương, đó là tiền lương của họ không đủ để tái sản xuất sức lao động. Hơn nữa, giới khoa học hiện nay còn chịu thiệt thòi là đối tượng duy nhất trong số những người làm công ăn lương không được hưởng những chế độ phụ cấp đặc thù ví dụ như phụ cấp nghề hoặc phụ cấp thâm niên như cán bộ của ngành giáo dục, y tế hoặc những lĩnh vực khác.
 
Bên cạnh đó, điều kiện làm việc của giới khoa học cũng chưa đáp ứng được. Các nhà khoa học đều nói rằng tiền lương là một chuyện nhưng họ quan tâm nhiều hơn đến điều kiện làm việc. Tức là họ phải được tin tưởng, giao nhiệm vụ, được quyền tự chủ, tự do tư tưởng, tự do nghiên cứu và được tạo một môi trường tốt nhất có trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện và hợp tác quốc tế. Và trong một chừng mực nào đó, họ được quyền tự chủ về mặt tài chính khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu như thông lệ ở các nước phát triển. 
 
- Công việc của các nhà khoa học rất đặc thù và phải dành nhiều công sức, thời gian cho các công trình nghiên cứu của mình. Vậy để những đóng góp của họ được nhìn nhận, đánh giá một cách phù hợp, thưa Bộ trưởng chúng ta cần có những chính sách như thế nào? 
 
TS. Nguyễn Quân: Chúng ta đã nhìn thấy sự hẫng hụt của đội ngũ nhân lực, đặc biệt là cán bộ khoa học đầu ngành. Tuy nhiên, có thể nói Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm đến hoạt động KH&CN và tầng lớp trí thức đặc biệt là cán bộ trẻ. Nhưng hiện chúng ta đang còn rất nhiều khó khăn nên Đề án về cải cách tiền lương chắc không đủ để tháo gỡ khó khăn về tiền lương đối với người làm khoa học.
 
Vì vậy, chúng tôi cũng chia sẻ với khó khăn của Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương Nhà nước. Hiện tại, chúng ta chưa có nguồn kinh phí để thay đổi căn bản chế độ lương, đặc biệt chế độ đãi ngộ với người làm khoa học. Vì thế, trong Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương cũng như Trình Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã đề xuất hai giải pháp lớn: 
 
Một là, Nhà nước nên giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước cho các nhà khoa học để họ có thể chuyển nhượng hoặc góp vốn cho doanh nghiệp. Khi có lợi nhuận từ việc chuyển nhượng và góp vốn, họ sẽ được hưởng lợi nhuận và hoàn lại phần kinh phí Nhà nước đã bỏ ra. Nhà nước không giao thì kết quả nghiên cứu ấy cũng chỉ nằm trong ngăn kéo thôi. Bởi thực ra, nhà khoa học là đối tượng chính có thể triển khai thương mại hóa kết quả nghiên cứu và đưa vào sản xuất, kinh doanh. 
 
Vấn đề thứ hai, chúng ta chưa thể ưu đãi cho tất cả những người làm khoa học bởi có trên 3 triệu người có trình độ cao đẳng, đại học đều có thể làm nghiên cứu. Cũng có nhiều người tuy không được đào tạo và có bằng cấp nhưng đam mê khoa học cũng có thể làm nghiên cứu. Chúng ta không thể nâng lương hoặc có chế độ đãi ngộ riêng với đội ngũ quá đông như vậy cũng như thu hẹp lại đối tượng là 62.000 người làm nghiên cứu chuyên nghiệp ở các viện nghiên cứu, trường đại học thì cũng là số lượng quá lớn. 
 
Chúng tôi đề xuất với Chính phủ và với Trung ương trước mắt nên dành kinh phí hỗ trợ cho 3 loại đối tượng. Thứ nhất là những nhà khoa học đầu ngành. Thứ hai là các nhà khoa học được giao những nhiệm vụ quan trọng của quốc gia như nghiên cứu và sản xuất vacxin, vệ tinh nhân tạo, làm điện hạt nhân,… Đối tượng thứ ba là những nhà khoa học trẻ có tài năng.
 
Như vậy, những bạn trẻ ở Đại học Bách khoa Hà Nội có đóng góp xuất sắc, ví dụ có nhiều sáng chế được công bố ở quốc tế, giải thưởng khoa học trong và ngoài nước hoàn toàn có thể là đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt. Ưu đãi ở đây là chế độ tự chủ cao nhất cả về nhân sự, tổ chức và tài chính đối với nhà khoa học. Họ có quyền điều động các cán bộ khoa học thuộc lĩnh vực của họ về cùng làm việc để hoàn thành nhiệm vụ của quốc gia.
 
Họ có thể tự chủ được một khoản kinh phí và tự trả lương cho những người hợp tác với họ. Họ có thể tham gia các hội nghị quốc tế, thuê chuyên gia nước ngoài đến để cùng nghiên cứu hoặc sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm mà không phải trả tiền. 
 
Nếu giao cho nhà khoa học những quyền như thế, và với chế độ ưu đãi đặc biệt của nhà nước như thế, tôi tin là những nhà khoa học có trình độ cao, có tâm huyết và nhiều sáng tạo, chắc chắn có thể sống được bằng nghề. Chúng ta cần loại bỏ tư tưởng ám ảnh là các nhà khoa học làm đề tài để sống, cần phải chuyển sang một tư tưởng mới là các nhà khoa học phải sống rất tốt bằng kết quả nghiên cứu của họ. 
 
- Như vậy theo Bộ trưởng, nếu trao quyền trực tiếp cho các nhà khoa học thì họ sẽ vững tâm hơn trong các hoạt động chuyên môn của mình? 
 
TS. Nguyễn Quân: Vâng, tất nhiên, bên cạnh đó chúng ta cũng cần biết cách tôn vinh và tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt nhất cho các nhà khoa học nói chung. 
 
- Liên quan đến chính sách ưu đãi cho các nhà khoa học, dưới góc nhìn của một cơ quan lập pháp, xin mời TS. Phan Xuân Dũng có ý kiến về vấn đề này? 
 
TS. Phan Xuân Dũng: Được biết, Bộ KH&CN là cơ quan chủ trì trình Ban Chấp hành Trung ương nhiều Nghị quyết về KH&CN. Những chính sách TS. Nguyễn Quân vừa nêu tôi cũng đã được nghiên cứu kỹ. Những chính sách ấy cũng đã được giới thiệu tại nhiều hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia và nhiều nhà khoa học. Tôi cho rằng những ý kiến TS. Nguyễn Quân đưa ra rất xác đáng. Đối với nhà khoa học, vấn đề không chỉ là mức lương mà còn là điều kiện, sự tôn vinh, tôn trọng và tạo điều kiện tối đa để họ phát huy tài năng và trí tuệ của mình. 
 
- Vậy theo TS. Phan Xuân Dũng, những khó khăn chúng ta vừa đề cập ở trên có thể được giải quyết hay không khi đề án đổi mới này được Thủ tướng thông qua? 
 
TS. Phan Xuân Dũng: Tôi thấy với sự chuẩn bị của Chính phủ, với việc chuẩn bị một cách khá kỹ lưỡng như vậy đã đủ điều kiện để trình Ban Chấp hành Trung ương. Khi được Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, chúng ta hoàn thiện thêm và những nội dung này Chính phủ sẽ triển khai thành các quy định, quy chế cụ thể. Sắp tới Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về Luật KH&CN sửa đổi. Những nội dung này đưa vào những văn bản cụ thể sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho KH&CN phát huy năng lực và trí tuệ của mình phục vụ cho sự phát triển đất nước. 
 
- Vâng, và một câu hỏi cuối cùng xin được trở lại với Bộ trưởng Nguyễn Quân. Thưa Bộ trưởng, khi xem xét cấp kinh phí cho nghiên cứu khoa học cũng như đánh giá các kết quả nghiên cứu khoa học cần chú ý đến những điểm mấu chốt nào? 
 
TS. Nguyễn Quân: Hiện nay trong các quy trình xây dựng đề tài, dự án khoa học, Chính phủ yêu cầu chúng ta phải chuyển dần việc đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học sang cơ chế đặt hàng. Hay nói khác đi, vấn đề nghiên cứu phải bám sát các vấn đề thực tiễn của cuộc sống, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng.
 
Như vậy đòi hỏi những nhiệm vụ ấy khi nghiên cứu xong phải có nơi tiếp nhận kết quả và ứng dụng vào thực tiễn. Vì thế, chúng tôi cũng đề xuất những năm tới, các nhiệm vụ đều phải có đặt hàng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương và căn cứ vào chiến lược phát triển của ngành đó, địa phương đó để đặt hàng với giới khoa học.
 
Trong quá trình tổ chức nghiên cứu, chúng tôi cũng coi trọng đến chất lượng của các hội đồng, từ hội đồng xét chọn đến hội đồng tuyển chọn, hội đồng đánh giá nghiệm thu và trong thành phần hội đồng đó chúng tôi cũng bổ sung thêm các nhà quản lý và các nhà doanh nghiệp, tức là những nơi sẽ tiếp nhận các kết quả nghiên cứu.
 
Đồng thời chúng tôi cũng thấy rằng các đề tài nghiên cứu, những đề tài nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng phải được tổ chức theo một cơ chế thuận lợi nhất để họ có thể có được một kết quả tốt nhất đó là công bố quốc tế hoặc những bài báo quốc tế. Vì vậy, nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng chúng tôi sẽ giao cho Quỹ phát triển KH&CN quốc gia.
 
Quỹ này sẽ tài trợ cho những nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản bởi nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản thì Nhà nước không đặt hàng mà đều do trí tuệ, đề xuất của nhà khoa học. Quỹ này sẽ tiếp nhận những kết quả nghiên cứu đó và cấp kinh phí để các nhà khoa học thực hiện. Còn các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, trên cơ sở đặt hàng của Nhà nước và của các tổ chức, doanh nghiệp, giới khoa học sẽ tổ chức nghiên cứu và sau đó bàn giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp để họ tổ chức sản xuất, đưa vào cuộc sống. 
 
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Quân và TS. Phan Xuân Dũng !
 
Nguyễn Hạnh - Trần Hồng 
(Trung tâm thông tin và truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN)
 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang