Dối trá, hổng kiến thức, hoa hậu Việt sao nhiều tai tiếng thế!

author 14:45 13/03/2014

(VietQ.vn) - Việt Nam đâu thiếu người đẹp, tại sao những năm gần đây, thí sinh của ta dự thi hoa hậu quốc tế đều không đạt giải mà còn mang lại nhiều tai tiếng?

Vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) đã chính thức thừa nhận buông lỏng quản lý trong việc cấp phép cho Diễm Hương thi Hoa hậu Hoàn vũ khi người đẹp này đã kết hôn.

Hết hổng kiến thức lại diễn trò dối trá

Lý giải trường hợp của Diễm Hương, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết: Trong hồ sơ  đi thi năm 2012 của mình, Diễm Hương bỏ trống phần chồng, con nhưng Cục lại cho qua.

Còn công ty Hoàn Vũ, đơn vị cử Diễm Hương đi thi lại không bắt thí sinh kê khai mục này trước khi trình hồ sơ. Đặc biệt nữa là đơn vị ở địa phương Diễm Hương sống. Dù Diễm Hương đã kết hôn nhưng vẫn xác nhận chưa kết hôn ở thời điểm đó.

Diễm Hương dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012 khi đã có chồng

Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, trách nhiệm chính vẫn thuộc về thí sinh. Trong trường hợp Diễm Hương, một khi đã phạm quy chế, dù chưa có ý kiến của ban tổ chức nhưng cũng phải tự xin tước vương miện vì mình không xứng đáng.

“Xác định đi thi thì phải hiểu quy định, nguyên tắc của cuộc thi. Tuy nhiên ở đây có sự  cố tình không hiểu,  trắng trợn đạp lên mọi nguyên tắc, dùng bất cứ phương tiện nào miễn là phải  cố cho bằng được danh hoa hậu”.

Qua đây, bà Thái nhận định việc lựa chọn thí sinh cho các cuộc thi hoa hậu của nước ta đang có rất nhiều lỗ hổng. Không chỉ hổng về kiến thức, mà Hoa hậu Việt đã xuất hiện sự dối trá.

“Những “gương” dối trá ấy sẽ tạo lỗ hổng về niềm tin của công chúng trong và ngoài nước;  sụp đổ hoàn toàn uy tín của ứng viên tham gia cuộc thi sắc đẹp với tâm lý giả dối  như thế này thì tại sao tôi lại không thể giả dối, tôi trung thực thì làm sao có thể thắng được?”, TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.

Theo TS Nguyễn Thị Minh Thái, việc người Việt Nam tham dự cuộc thi sắc đẹp cũng là lẽ hợp thời trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, chính tâm lý đua đòi “cho bằng chị bằng em”, khiến nhiều trường hợp đã phải cố “gồng lên” để đi thi cho bằng được.

“Các cụ vẫn nói: “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” là vậy, tâm lý đua đòi, chạy theo xu thế đã đánh mất hình ảnh của người phụ nữ Việt. Mất cân bằng giữa vẻ đẹp thể chất với vẻ đẹp tinh thần chính là nguyên nhân khiến người đẹp Việt Nam luôn bị out tại các cuộc thi hoa hậu quốc tế”, nữ TS nhận định.

Xin đừng 9 bỏ làm 10!

Nhà báo Dương Xuân Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, người được coi là “cha đẻ”, khởi xướng cuộc thi tìm kiếm Hoa hậu Việt Nam cho biết: Những cuộc thi hoa hậu trước đây mà ông tham gia trong ban tổ chức, việc kiểm tra, rà soát hồ sơ được làm rất chặt chẽ ngay từ khâu sơ tuyển. Tới vòng chung kết, các thí sinh lại một lần nữa được kiểm tra lại.

“Những thí sinh có khả năng đạt giải cao, chúng tôi đều yêu cầu có 3 “dấu đỏ” của 3 cơ quan là: công an địa phương, chính quyền địa phương và nơi làm việc, học tập của thí sinh, để chứng nhận về tình trạng kết hôn, trình độ học vấn, tư cách đạo đức….”, ông Nam nói.

Theo ông Nam. đối với các hoa hậu được cử đi thi hoa hậu quốc tế, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) là người duyệt cuối cùng nhưng trách nhiệm của cơ quan đề cử cũng rất quan trọng.

“Trước đây, hoa hậu do Tiền Phong cử đi thi các cuộc thi hoa hậu quốc tế, mặc dù hồ sơ đã được thẩm định sẵn song trước khi đi lại phải thẩm định lại cho rõ ràng mới được đi”, nguyên Tổng biên tập Tiền Phong cho biết.

Trần Thị Quỳnh đeo sai tên nước tại Cuộc thi Mrs World 2013

Nói về chất lượng thí sinh thi hoa hậu hiện nay, nhà báo Dương Xuân Nam trăn trở khi đặt vấn đề:  Hầu hết  hoa hậu thời thời trước dự thi cuộc thi sắc đẹp quốc tế đều đạt giải cao, không hiểu sau này cử đi thi thế nào đều không đạt giải, mà lại còn mang lại nhiều tai tiếng?!

“ Vấn đề ở đây không phải chỉ xét lý lịch mà còn phải xét lại trình độ của thí sinh. Đâu cứ bắt buộc phải có! Không đủ tiêu chuẩn thì thôi chứ sao phải bằng mọi giá để mang đi thi? Người thì xăm hình, người thì đeo băng sai tên nước cũng không biết, rồi bây giờ lại tới chuyện đã kết hôn cũng đi thi…thì đúng là chẳng còn gì để nói”, vị cha đẻ cuộc thi tìm kiếm hoa hậu Việt nói.

Nhà báo Dương Xuân Nam, cho rằng cơ quan quản lý, tổ chức cần phải rút kinh nghiệm trong việc tuyển chọn thí sinh trong những cuộc thi tôn vinh cái đẹp: “ Đã nói “Mang chuông đi đánh nước người”, không đủ tiêu chuẩn thì thôi chứ đừng 9 bỏ làm 10. Hơn hết cần phải công bằng khách quan, trung thực, hết lòng vì cái đẹp, thì chúng ta mới có thể tôn vinh cái đẹp thực sự”.


Hoàng Vũ


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang