Dù có chính sách quản lý khắt khe vì sao hàng giả vẫn có 'đất sống' trên TikTok Shop?

author 08:47 09/04/2023

(VietQ.vn) - TikTok Shop hiện đang rất thịnh hành ở Việt Nam, tuy nhiên nền tảng này đang rao bán rất nhiều hàng giả, hàng nhái giá rẻ.

Hàng giả, hàng nhái ngang nhiên bán trên TikTok

Theo ghi nhận của Zing, xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 4/2022, TikTok Shop dần trở thành một trong những sàn thương mại điện tử (TMĐT) thu hút lượng lớn khách hàng. Tuy nhiên, hàng giả, hàng kém chất lượng trên nền tảng này cũng được bày bán công khai, chạy chương trình quảng cáo, phát trực tiếp dưới sự hậu thuẫn của TikTok gây hoang mang cho người dùng.

Khi xem các video trên TikTok, chị Vân Thanh (TP.HCM) đã bị thu hút bởi một tuýp kem chống nắng Martiderm với giá chỉ 200.000 đồng, bằng 20% giá của sản phẩm này tại các cửa hàng chính hãng. Chị Thanh nhanh chóng chốt đơn vì nghĩ đây là một món hời. "Trên livestream họ nói đây là hàng xách tay nên rẻ. Người bán cũng cho biết tuýp kem chống nắng này đã sập giá nhiều so với trước nên khách hàng có thể hưởng lợi nếu mua vào thời điểm này", chị Thanh cho biết thêm.

 Hàng giả, hàng nhái tràn ngập nền tảng TikTok. Ảnh: Zing

Tuy nhiên, ngay khi cầm sản phẩm trên tay, người mua nhanh chóng phát hiện đây là sản phẩm giả bởi sự khác biệt rõ rệt từ bao bì, thiết kế và chất lượng kem.

Một sản phẩm nổi bật khác thường xuất hiện đầu danh sách "Flash sale" của nền tảng này là thỏi son dưỡng Dior Maximizer. Theo khảo sát, những mẫu son này đều được bán trên TikTok Shop với giá dao động 200.000-350.000 đồng, chưa bằng một nửa giá niêm yết của sản phẩm tại các đại lý chính hãng.

Khi liên hệ đến một nhà bán hàng trên nền tảng với nhu cầu tìm mua son Maximizer, chủ cửa hàng cho biết sản phẩm hiện có sẵn với số lượng lớn và đủ mã màu. Người này cũng quảng cáo đây là hàng "unbox" và "tester", là hàng được sản xuất để dùng thử tại đại lý nên giá rẻ và không có vỏ hộp. "Đây đều là hàng unbox, hãng sản xuất để làm mẫu thử nên không có hộp và giá sẽ rẻ hơn một nửa", người này cho biết.

Tuy nhiên khi thắc mắc về hóa đơn và nguồn gốc hàng hóa, người bán thừa nhận họ không có hóa đơn kèm theo sản phẩm và cũng chưa chứng minh được nguồn gốc của thỏi son.

Trước đó vào cuối năm 2022, KOL T.N.D và nền tảng TikTok đã được nhãn hàng Estee Lauder Việt Nam và MAC Cosmetic "điểm mặt chỉ tên" khi quảng cáo và rao bán những sản phẩm mang thương hiệu Estee với giá chỉ bằng 20% giá gốc dưới tên gọi "hàng miễn thuế".

Đại diện nhãn hàng cũng khẳng định những sản phẩm của thương hiệu Estee Lauder trên phiên livestream của nữ TikToker là hàng trôi nổi, không chính hãng.

Dẫu có chính sách quản lý tương đối khắt khe, các sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng vẫn có “đất sống” trên nền tảng này. Trên nền tảng TikTok Shop, với các sản phẩm đăng bán thuộc mục bị hạn chế hay bị cấm, người bán sẽ bị xử lý vi phạm theo nhiều hình thức. Ở lần đầu tiên, các cảnh báo chính thức sẽ được gửi đến đi kèm việc tạm dừng niêm yết sản phẩm, đình chỉ tạm thời việc đăng ký kinh doanh.

Khi có dấu hiệu tiếp tục đăng bán các sản phẩm cấm, TikTok ghi rõ người bán có thể bị xóa tài khoản và thu giữ toàn bộ số thu nhập phát sinh từ việc bán hàng vi phạm. Tuy nhiên, việc các cửa hàng vẫn bán sản phẩm bị cấm tràn lan cho thấy nền tảng này kiểm soát chưa hiệu quả.

Thực tế, người bán chỉ cần cài đặt giảm giá sâu (flash sale) cho những mặt hàng trên, thuật toán của TikTok sẽ nhanh chóng đẩy sản phẩm lên nhóm thịnh hành mà không cần giấy tờ kiểm duyệt nguồn gốc. "Sản phẩm chỉ cần có lượt bán cao, giá tốt sẽ được TikTok đẩy lên nhóm flash sale. Vì vậy các nhà bán hàng trên nền tảng phải thường xuyên giảm giá để thu hút khách", chị Nguyễn L. (TP.HCM), nhân viên một agency chuyên về quảng cáo trên TikTok nói.

Tình trạng gian lận thương mại trên nền tảng thương mại điện tử rất tinh vi, khó kiểm soát

Theo thông tin từ Bộ Công thương, cùng với sự phát triển của khoa học-công nghệ và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội, thương mại điện tử đã làm ảnh hưởng xấu môi trường kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng.

Theo ý kiến của lực lượng Quản lý Thị trường các địa phương, trước đây thương mại điện tử chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp thì hiện nay, các đối tượng có thể bán trên nhiều kênh khác nhau như: sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok…, bán hàng theo hình thức livestream (trực tiếp) hoặc đăng bán. Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng).

Ðể tăng niềm tin, họ còn thuê những người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm, hoặc sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để mua lượng theo dõi hoặc tâng bốc lẫn nhau bằng các bình luận, thậm chí chốt đơn để đánh lừa người tiêu dùng...

Ngoài ra, để dễ dàng kinh doanh, người bán hàng trên sàn thương mại điện tử tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn, cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Khi cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, các đối tượng lại tiếp tục đổi thành tên khác. Ðáng chú ý, một số đối tượng thường sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn và kho hàng ở các khu vực khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi.

Cũng theo đánh giá của Bộ Công thương, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Các hành vi vi phạm pháp luật có tính ẩn danh rất cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch người thực hiện; dễ tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng, không phân biệt ranh giới, khu vực. Ðối tượng có thể ở tại vị trí này để hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ở một vị trí khác.

Cùng với đó, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang thương mại điện tử, nhất là sàn giao dịch thương mại điện tử luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa môi trường kinh doanh và làm ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng.

Trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử là xu hướng phát triển tất yếu, vì vậy, việc ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Song để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi có giải pháp quyết liệt của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu chính là xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử theo đúng quy định pháp luật. Tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin nhằm phát hiện, xử lý hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Ðồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, bán hàng giả, hàng nhái.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang