Nhập lậu đường gia tăng đột biến tại khu vực biên giới Tây Nam
Việt Nam hướng đến trở thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp năng động trong khu vực
Một số điều cần lưu ý khi người tiểu đường uống sữa hạt
Đường cao tốc - Những mối nguy hiểm luôn rình rập
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), năm 2020-2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng chức năng kiểm soát biên giới chặt chẽ, hoạt động nhập lậu đường qua biên giới có giảm. Tuy nhiên, từ năm 2022, sau khi tình hình kiểm soát biên giới được nới lỏng do dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, đường nhập lậu đã quay trở lại và cho đến nay, đường nhập lậu đã và đang tiếp tục hoành hành thị trường trong nước.
Hiện tượng dòng đường Thái Lan đi qua Campuchia và Lào vào Việt Nam cũng đã được các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận. Theo đó, năm 2022, báo cáo GAIN của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã ghi nhận hiện tượng này, nêu rõ: xuất khẩu đường tinh luyện từ Thái Lan sang Việt Nam (chiếm khoảng 30% tổng lượng đường trắng và đường tinh luyện xuất khẩu) đã ghi nhận sự sụt giảm đến 71% trong niên vụ 2020/21 do Chính phủ Việt Nam áp thuế chống bán phá giá 47,64% đối với đường nhập khẩu của Thái Lan. Tuy nhiên, xuất khẩu đường trắng và đường tinh luyện sang Campuchia và Lào trong niên vụ 2020/21, với thị phần tổng hợp là 32%, tăng lần lượt 21% và 23% để rồi sau đó được nhập lậu vào Việt Nam.
Năm 2023, báo cáo GAIN cũng tiếp tục ghi nhận tình hình xuất khẩu đường của Thái Lan, đặc biệt mặt hàng đường trắng và đường luyện có liên quan đến nhập lậu đường vào thị trường Việt Nam. Báo cáo đã nêu: xuất khẩu đường trắng và đường tinh luyện từ Thái Lan sang Campuchia và Lào trong niên vụ 2021/22 là 1.087.895 tấn, chiếm 34% trở thành thị trường xuất khẩu đường trắng và đường luyện lớn nhất của Thái Lan, và đích đến cuối cùng của lượng đường khổng lồ này chính là Việt Nam.
Dựa trên các dữ liệu chính thức của Tổng cục Hải quan Việt Nam và Ủy ban mía đường Thái Lan (OCSB), VSSA ước tính lượng đường nhập lậu trong hai năm 2021 và 2022 lần lượt là 501.039 tấn và 816.544 tấn. Từ đầu năm 2022 đến nay, các hoạt động nhập lậu đường có diễn biến gia tăng đột biến tại các khu vực biên giới Tây Nam. Nhiều địa phương ghi nhận hoạt động nhập lậu đường rất mạnh gồm có tỉnh An Giang (khu vực An Phú), tỉnh Tây Ninh; tỉnh Long An (khu vực Bình Hiệp); tỉnh Bình Phước; tỉnh Kiên Giang và tỉnh Quảng Trị (tuyến Đường 9 Lao Bảo).
Tại các thị trường tiêu thụ, đặc biệt tại các thành phố lớn như TPHCM, việc vận chuyển, giao nhận vẫn bằng hình thức san từ xe vận chuyển lớn sang các xe trung chuyển nhỏ trong đêm tại các bãi xe nằm vùng ven như huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận 12, tỉnh Bình Dương…
Sau khi sang xe các nhà buôn có thể giao hàng thẳng đến khách hàng trong đêm, hoặc tập kết về kho, điểm bán của mình để sang bao giấy 12kg và sang bao các thương hiệu trong nước hoặc sang bao đường nhập có chứng từ trước đó quay vòng, hoặc để nguyên bao đi giao lẻ một cách công khai. Kết quả từ đầu năm 2023 đến 15/10/2023, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã phát hiện 35 vụ chứa trữ, kinh doanh mặt hàng đường, tang vật thu giữ trên 110 tấn đường vi phạm.
Trước tình trạng trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) kiến nghị, cần tiêu hủy tất cả đường nhập lậu - đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ - bị tịch thu (căn cứ quy định tại mục 3 Điều 55 Luật An toàn thực phẩm); chấm dứt việc đấu giá để tiếp tục lưu thông đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ (quy định tại khoản i mục 5 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm).
Cho phép VSSA tham gia cơ chế huy động nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng đường để hình thành Quỹ hỗ trợ kinh phí tiêu hủy đường nhập lậu bị tịch thu (tương tự mặt hàng thuốc lá).
Với dấu hiệu là đường nhập lậu có nguồn gốc Thái Lan, sau khi xử lý hành chính, tạm thu thuế nhập khẩu với mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp là 47,64% và thuế trị giá gia tăng 5% trong thời gian chờ điều tra với giá trị tính thuế đề xuất 500 USD/tấn, sau đó phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, pháp nhân liên quan về tội buôn lậu.
Về vấn đề nhập lậu đường cát gia tăng, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, các hiệp hội, doanh nghiệp đường cát cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, đề nghị các đối tác, hệ thống phân phối thuộc hiệp hội, doanh nghiệp cam kết không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép và không sử dụng thuốc lá, đường cát ngoại nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cần thiết giúp các lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép đường cát ngoại.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổng hợp phương thức, thủ đoạn mới, nhận diện vấn đề phức tạp, nổi cộm, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng thuốc lá, đường cát của các đơn vị, địa phương, tổ chức liên quan.
Các lực lượng, đơn vị, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cũng sẽ thường xuyên trao đổi tình hình, chia sẻ thông tin, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng đường cát... Đồng thời, các đơn vị tiếp tục rà soát, kiến nghị xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác đấu tranh với những hành vi vi phạm.
An Dương (T/h)