Giá vàng hôm nay: Tin mới từ cuộc họp của Fed khiến vàng giảm giá

author 07:09 09/07/2014

(VietQ.vn) – Giá vàng trong nước dù đang đi ngược chiều với giá vàng thế giới nhưng các chuyên gia nhận định, đà giảm giá vàng vẫn còn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra chính sách sớm hơn về lãi suất.

Sự kiện: GIÁ VÀNG HÔM NAY

Giá vàng hôm nay ngày 9 tháng 7 năm 2014

Giá vàng hôm nay ngày 9 tháng 7 năm 2014. Ảnh: Kitco

Trên thị trường giao dịch vàng vào đầu giờ sáng nay, giá vàng thế giới đang đứng ở mức 1.318,7 USD/ounce. Đầu phiên, giá giao dịch, giá vàng đứng mức 1.316,8 USD/ounce, tăng liên tục lên 1.323,1 USD, giảm nhẹ rồi lên đỉnh 1.324 USD. Sau đó, giá bắt đầu giảm và đột ngột rơi xuống đáy 1.314,2 USD trước khi tăng nhẹ trở lại. Gần về cuối phiên giá vàng giao dịch ở 1.319,6 USD/ounce, rồi tiếp tục giảm nhẹ. Cuối phiên giá vàng giao dịch ở 1.318,3-1.318,5 USD/ounce. Hiện giá vàng giao tháng 8 giảm 0,04% xuống 1.316,5 USD/ounce.

Xu hướng giảm giá vàng trên thị trường thế giới là do tin tức từ Fed. Theo nhận định của giới chức Fed, kinh tế Mỹ đang phát triển tốt và lạm phát ổn định.

Chủ tịch Fed Minneapolis Narayana Kocherlakota cảnh báo rằng thị trường lao động vẫn còn chặng đường dài phải đi cho đến khi ngân hàng trung ương Mỹ đạt được mục tiêu. Tại Mỹ, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn duy trì lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng trong khoảng từ 0 đên 0,25% kể từ tháng 12/2008.

Hầu hết các chuyên gia lúc này đang dự đoán, Fed sẽ tăng lãi suất sớm hơn, có thể trong quý III/2015 thay vì quý I/2016 nếu nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng. Động thái tăng lãi suất sẽ khiến giới đầu tư quay lưng với nhóm tài sản phi lãi suất như vàng. Lúc đó giá vàng sẽ giảm thêm.

Được biết, cuộc họp và các công bố mới nhất của Fed sẽ diễn ra vào hôm nay 9/7).

Mặc dù giá vàng đang có xu hướng giảm trước động thái nâng lãi suất của Fed, tuy nhiên, ghi nhận trong giao dịch chốt phiên chiều qua 8/7, các tổ chức đầu tư vẫn mua vàng vào và kỳ vọng sẽ được lợi về giá khi vàng tăng mạnh dịp cuối năm.

Quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR đã mua thêm gần 1,8 tấn vàng ngay sau ngày lễ Quốc Khánh Mỹ (4/7). Trước đó, chỉ trong 2 ngày 30/6 và 1/7, SPDR cũng đã mua vào hơn 10 tấn vàng. Sau 3 đợt mua vào, lượng vàng SPDR nắm giữ tăng lên gần 798,19 tấn, ghi nhận mức cao nhất gần 3 tháng.

Hiện có nhiều dự đoán, cuối năm nay, vàng sẽ về mức 1500 USD/ounce – mức đỉnh mới tương đương với mức của tháng 4/2013.

Những diễn biến của thị trường vàng thế giới như vậy hiện chưa tác động lên giá vàng trong nước. Trên thị trường giao dịch vàng trong nước, giá vàng chốt phiên giao dịch chiều qua lại tăng nhẹ. Mức tăng không đáng kể nhưng nhiều người đặt câu hỏi, vì sao có sự trái triều tăng giá vàng trong nước trong khi giá vàng thế giới chững và giảm nhẹ.

Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư các nhân và tổ chức, lúc này nên mua vàng vào và chờ sóng mới của kim quý này vào cuối năm. Thế nhưng mức giá nào để mua vào là điều mà các nhà đầu tư nên cân nhắc.

Còn theo nhận định mới đây của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn DOJI, thị trường vàng trong nước sẽ phải đối mặt với các sản phẩm nhập ngoại từ nước ngoài, đặc biệt là các sản phẩm từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải bài toán về cạnh tranh giữa mẫu mã, giá cả và chất lượng với sản phẩm từ Trung Quốc.

Hiện sự ra đời và tác động của Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ KH-CN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, theo ông Phú chính sách này có nhiều điểm tích cực.

“Lần đầu tiên thị trường có văn bản pháp quy để quy định hàm lượng, độ sai số hợp pháp, cách phân loại và tên gọi sản phẩm, yêu cầu băt buộc phải ghi rõ tính chất, hàm lượng, vật liệu đi kèm ngay trên sản phẩm và trên tem nhãn đối với tất cả các loại nữ trang. Trước đây là tù mù, không rõ ràng”, ông Phú nói.

Cũng theo ông này, tại Viện Ngọc học và Trang sức DOJI, khi kiểm định nữ trang cho nhiều cửa hàng và doanh nghiệp, một tình trạng là tỷ lệ không đạt hàm lượng như dấu đóng trên sản phẩm và có độ sai khác rất nhiều. Nếu độ sai lệch chỉ khoảng 1% thì cũng còn coi là bình thường, nhưng từ 5-7% thậm chí trên 10% thì là quá lớn.

“Qua việc kiểm định như vậy cũng là tích cực, các hộ kinh doanh, các cửa hàng nhận ra rằng đã đến lúc cần phải minh bạch. Cả một hệ thống từ sản xuất, gia công, chế tác cho đến bán lẻ, người tiêu dùng, về mặt nhận thức đã có thay đổi. Đó là thành công của Thông tư 22. Sẽ không nhập nhèm như trước, thị trường sẽ lành mạnh hơn”, ông Phú nói thêm.

 

 

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang