Giải pháp nâng cao năng suất chất lượng ngành tôm

author 11:21 17/07/2021

(VietQ.vn) - Diện tích nuôi tôm của Việt Nam hiện nay khoảng 740.000 ha, không còn dư địa cho việc tăng diện tích nuôi tôm. Như vậy, muốn tăng năng suất thì cần phải nâng cao chất lượng con giống, thức ăn, kiểm soát môi trường nuôi và thú y phòng bệnh…

Xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2021 dự báo vẫn sẽ tăng trưởng tốt. Ảnh minh họa.

Dự báo tăng trưởng tốt

Theo dự báo từ Tổng cục Thủy sản, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2021 dự báo vẫn sẽ tăng trưởng tốt. Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu tôm cả năm 2021 đạt từ 3,8 - 4 tỷ USD. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc là những thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện Việt Nam xuất khẩu tôm sang 106 thị trường, tăng 5 thị trường so với năm trước. Từ đầu năm, xuất khẩu tôm tăng trưởng do thị trường nhập khẩu hồi phục sau dịch bệnh, tăng trưởng lớn nhất là thị trường Mỹ, tiếp đến là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Thị trường Trung Quốc nhập khẩu tôm giảm do những điều kiện khắt khe về kiểm soát dịch.

“Nếu dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt 4,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020 và vẫn chiếm hơn 40% giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản. Kịch bản tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, xuất khẩu chỉ đạt dưới 4,1 tỷ USD và tăng trưởng 9%. Giá trị xuất khẩu và tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc vào nhiều trong kiểm soát dịch bệnh” - ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Doanh nghiệp thủy sản các tỉnh phía Nam hiện đang khó khăn trong thực hiện “3 tại chỗ” để vừa phòng chống dịch và vừa sản xuất. Các doanh nghiệp mong muốn được tiêm vaccine kịp thời để đảm bảo an toàn sản xuất, ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị.

Tăng năng suất, chất lượng

Song song với đó vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức. Các chuyên gia đánh giá, để đạt được mục tiêu đề ra là từ nay đến năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD cần triển khai quyết liệt các giải pháp.

Theo đó, lĩnh vực thủy sản cần giải quyết các bất cập của ngành tôm hiện nay về quy mô, sản lượng và giá thành; củng cố, phát triển ngành tôm, tạo đà phát triển, chuẩn bị những bước xa hơn, bứt phá nhanh hơn trong thời kỳ tới. Thống nhất hành động trong 3 trục (Chính phủ, doanh nghiệp, người dân) để quyết tâm xây dựng ngành tôm thành ngành hàng lợi thế, mang lại giá trị cao nhất và có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Riêng diện tích nuôi tôm của Việt Nam hiện nay khoảng 740.000 ha. Muốn tăng diện tích nuôi trồng để tăng sản lượng là rất khó. Thậm chí, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi tôm năm nay giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, muốn tăng năng suất thì cần phải nâng cao chất lượng con giống, thức ăn, kiểm soát môi trường nuôi và thú y phòng bệnh. Đồng thời, cần đẩy mạnh chế biến với công nghệ cao, nhiều sản phẩm, nhiều thị trường thì chúng ta mới đạt được mục tiêu Chính phủ giao cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hiện các thị trường đòi hòi quy chuẩn, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản kiểm soát tốt chất lượng an toàn thực phẩm nguyên liệu, kiểm soát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm nhằm nâng cao chất lượng. Đồng thời, cần khuyến cáo cho người sản xuất sản xuất theo yêu cầu của thị trường.

Bản tin Chất lượng Hội nhập 17/7: Cảnh báo mỹ phẩm chứa Corticoid, cẩn trọng sản phẩm viên khớp CHAKOMời quý vị theo dõi bản tin Chất lượng hội nhập ngày 17/7 của Chất lượng Việt Nam!

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang