Gỡ ‘nút thắt’ trong giải ngân vốn đầu tư công

author 19:22 21/10/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia nhận định, giải phóng mặt bằng là “nút thắt” cố hữu của giải ngân vốn đầu tư công, nếu địa phương nào quyết liệt tháo gỡ và tập trung giải quyết thì vẫn đạt kết quả khả quan dù trong bối cảnh có dịch Covid-19.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Hiện nay, dịch bệnh đã bước đầu được kiểm soát ở “điểm nóng” là khu vực kinh tế phía Nam và một số tỉnh thành trên cả nước, đây là cơ hội để phục hồi, phát triển kinh tế, đưa cả nước bước vào cuộc sống “bình thường mới”. Trong đó đầu tư công luôn được xác định là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đợt dịch covid-19 lần thứ 4 xuất hiện từ cuối tháng 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh khiến nhiều tỉnh, thành, địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, tập trung nguồn lực cho chống dịch. Tính đến hết tháng 9 năm nay, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt khoảng 47% kế hoạch được giao, tức là còn khoảng 250 nghìn tỷ đồng vẫn còn nằm trong ngân quỹ. 

Giải phóng mặt bằng là “nút thắt” cố hữu của giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay, để tiếp tục phát huy vai trò vốn đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế, các bộ, ngành và địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Bởi bên cạnh nguyên nhân khách quan như thực hiện giãn cách phòng chống dịch Covid-19, còn có những nguyên nhân chủ quan mà các bộ, ngành và địa phương phải đôn đốc chủ đầu tư, ban quan lý dự án nỗ lực giải quyết ngay.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá, nguyên nhân chủ quan của ban quản lý dự án và cơ quan chủ quản là trọng yếu nhất, trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu, xác định khối lượng hoàn thành, rồi thủ tục thanh toán, trách nhiệm chính là chủ đầu tư, ban quản lý dự án đề nghị lưu ý để đẩy nhanh dự án đảm bảo tiến độ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra, kinh nghiệm nhiều năm qua tại nhiều địa phương cho thấy, giải phóng mặt bằng là “nút thắt” cố hữu của giải ngân vốn đầu tư công, nên nếu địa phương nào quyết liệt tháo gỡ và tập trung giải quyết thì vẫn đạt kết quả khả quan dù trong bối cảnh có dịch Covid-19.

Ngoài ra, các bộ ngành và địa phương cần chủ động rà soát những dự án đến nay giải ngân chưa đến 60% kế hoạch vốn, để điều chuyển sang những dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn và có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm nay. Chính phủ cũng khẳng định sẽ tổng hợp và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn năm 2021 từ các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm sang các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.

Về cơ chế chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ và cơ quan liên quan, tiếp tục rà soát vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công, đề xuất sửa đổi, bổ sung, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Như vậy, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương và ban quản lý từng dự án, cần nỗ lực phấn đấu giải ngân tốt nhất vốn đầu tư công, trong bối cảnh “bình thường mới” đã được xác lập. Đây không chỉ là yêu cầu về duy trì động lực phục hồi kinh tế năm nay, mà còn tạo nền tảng tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang