Hà Nội sẽ triển khai các Kiosk tự động tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

author 11:27 15/11/2023

(VietQ.vn) - Những Kiosk tự động đang là phương án giải quyết vấn đề chuyển đổi số thủ tục hành chính, Bộ phận một cửa,... của Hà Nội.

Sự kiện: CHUYỂN ĐỔI SỐ

Từ năm 2019, Hà Nội đã triển khai dịch vụ công trực tuyến sau khi được chọn làm điểm trong việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Thành ủy Hà Nội đã bổ sung Nghị quyết 18 ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Hà Nội đặt mục tiêu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, được triển khai trên nhiều phương tiện hiện đại.

Dù vậy, thực tế cho thấy dịch vụ công trực tuyến tại Hà Nội còn tồn tại nhiều hạn chế như: Chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, khoảng 70% người dân vẫn thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tiếp.

Kiosk công tự động sẽ được triển khai tại Hà Nội. Ảnh GoodM

Để đạt được những mục tiêu chuyển đổi số, với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06/CP và Chỉ thị số 05/CT-TTg trên địa bàn TP Hà Nội trong năm 2023 và các năm tiếp theo, thực hiện dịch vụ công qua Kiosk tự động là một trong những mô hình điểm được UBND TP Hà Nội triển khai trong thời gian tới.

Theo Kế hoạch sẽ có tổng cộng 28 mô hình cụ thể được triển khai trên địa bàn TP Hà Nội, thời gian diễn ra từ tháng 11/2023 và các năm tiếp theo. Các mô hình này được chia làm các nhóm chính, gồm: Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội; Nhóm tiện ích phục vụ công dân số; Nhóm số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung trên Hệ thống Cơ sở dữ liêu quốc gia về dân cư phục vụ cải cách TTHC; Nhóm Phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp.

Ngoài ra thành phố cũng đang xây dựng các giải pháp đồng bộ phát triển VNeID và ứng dụng công dân số TP Hà Nội trên nguyên tắc thống nhất, đồng bộ, kế thừa và phát huy thế mạnh của mỗi ứng dụng, không chồng chéo, liên thông dữ liệu hướng đến tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Trong đó có các mô hình tiêu biểu gắn liền với lợi ích của người dân như: Tự động hóa bộ phận giải quyết TTHC, Bộ phận Một cửa các cấp thông qua tương tác Kiosk; Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID; Nền tảng quản lý lưu trú tại; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu TP (LGSP); Triển khai tích hợp thông tin Sổ sức khỏe điện tử, Sổ lao động điện tử trên VNeID.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu xác định vai trò của Ban chỉ đạo Đề án 06/CP cấp huyện, Tổ công tác Đề án 06/CP cấp xã, Tổ công tác Đề án 06/CP và Công nghệ số cộng đồng tại thôn, tổ dân phố là “hạt nhân” trong hướng dẫn thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến, chuyển đổi số. Nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06/CP về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phù hợp, thống nhất với Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Tận dụng hạ tầng sẵn có gắn với địa bàn cơ sở của người dân được hưởng những tiện ích từ Đề án 06/CP.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang