Hiệp định CPTPP mở rộng đường cho hàng Việt sang các thị trường tiềm năng

author 06:42 28/12/2022

(VietQ.vn) - Hiệp định CPTPP là động lực mở rộng đường cho hàng hóa Việt sang các thị trường mới mẻ và tiềm năng trong Hiệp định. Đặc biệt, tham gia CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức cắt giảm thuế quan rất ưu đãi nhất là các mặt hàng có thế mạnh.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Sau 3 năm thực thi Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở rộng đường cho hàng hóa Việt sang các thị trường mới mẻ và tiềm năng trong Hiệp định. Đặc biệt, tham gia CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức cắt giảm thuế quan rất ưu đãi nhất là các mặt hàng có thế mạnh.

Về cơ bản, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của ta như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với mức độ cam kết như vậy, theo nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035.

Nhiều mặt hàng thế mạnh của ta như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực. Ảnh minh họa. 

Việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các nước CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD, lại bao gồm các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia sẽ mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Tham gia CPTPP sẽ giúp xu hướng này phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp xanh... Đây là cơ hội rất lớn để nâng tầm nền kinh tế Việt Nam trong 5 đến 10 năm tới.

Tăng cường chuyển giao cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ

Kể từ khi CPTPP đi vào thực thi, theo bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), có khá nhiều nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi CPTPP cao chứ không phải nhóm hàng nào cũng thấp.

Để tận dụng tối đa ưu đãi, bà Đỗ Thị Thu Hương mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các hiệp định đem lại để biết được rằng cơ hội ở đâu, thị trường nào và nhóm hàng nào.

 
C/O là chứng từ phổ biến trong xuất nhập khẩu hàng hóa, và là chứng từ quan trọng để xác định xuất xứ hàng hóa từ đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể được hưởng chính sách ưu đãi thuế nếu mặt hàng đó nằm trong danh mục hàng hóa được ưu đãi theo thỏa thuận thương mại giữa 2 quốc gia xuất - nhập khẩu.
 

Mặt khác, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến những quy định về quy tắc xuất xứ, tìm hiểu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

Nhằm đáp ứng được cấp C/O cũng cần phải có đầu tư về vấn đề lưu trữ chứng từ để chứng minh xuất xứ. Đây cũng là một gánh nặng về mặt hành chính cho doanh nghiệp khi mà các cơ quan chức năng cũng như nước nhập khẩu vào kiểm tra, điều tra về quy tắc xuất xứ.

Liên quan đến tổ chức hệ thống cấp C/O, bà Đỗ Thị Thu Hương cho hay, Bộ Công Thương sẽ tăng cường chuyển giao cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, bởi hiện nay phần lớn đều là do tổ chức cấp C/O, doanh nghiệp phải đến đăng ký nộp hồ sơ cho các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên hiện nay sự quan tâm của doanh nghiệp liên quan đến việc tự chứng nhận xuất xứ còn đang rất hạn chế, vì vậy doanh nghiệp cần quan tâm hơn để đảm bảo được tính chủ động, tiết kiệm về mặt thời gian, chi phí...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang