Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý Nhà nước về sản phẩm, dịch vụ Halal
Những điều cần biết trong chứng nhận Halal
Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa có chứng chỉ Halal sang thị trường Hồi giáo lớn nhất thế giới
Những lợi ích của doanh nghiệp khi đạt được chứng nhận Halal
Thế giới Hồi giáo hiện có hơn 2 tỷ người sinh sống tại 112 quốc gia, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC). Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, với tổng số người theo đạo Hồi lên tới gần 30% dân số toàn cầu thì thị trường này có giá trị lên tới 1.972 tỷ USD vào năm 2024 với tỷ lệ tăng trưởng khoảng 6,3%/năm và đến năm 2025 sẽ là 15.000 tỷ USD.
Theo tiếng Ả Rập, "Halal" có nghĩa là "được phép" và "Haram" là những điều cấm kỵ. Các sản phẩm Halal bao gồm hầu như tất cả sản phẩm thiết yếu của cuộc sống như: thực phẩm, đồ uống, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, thủ công mỹ nghệ đến lĩnh vực dịch vụ như: ngân hàng, du lịch, an ninh, giáo dục và đào tạo, dịch vụ ăn uống, khách sạn, logistics.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ riêng du lịch của người Hồi giáo đã chiếm 10% nền kinh tế du lịch thế giới với mức chi tiêu cho du lịch ước tính đạt 200 tỷ USD. Do đó, phát triển ngành sản xuất và dịch vụ về Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực, dịch vụ phụ trợ đi kèm.
Hiện nay, ở Việt Nam, trên cả nước có khoảng 82.000 tín đồ Hồi giáo, trong đó Hồi giáo (Islam) có trên 30.000 tín đồ, sinh sống tập trung ở 12 tỉnh, thành phố, trong đó đông nhất tại tỉnh An Giang, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Ninh Thuận. Đã có 04 tổ chức Hồi giáo (Islam) được Nhà nước công nhận. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu ở thị trường Halal.
Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản, thủy sản lớn trên thế giới và là mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết hàng đầu khu vực như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản... nên có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, là nền tảng để tiếp cận thị trường Halal.
Do đặc thù tôn giáo nên hiện nay các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm, dịch vụ Halal không có sự thống nhất trong phạm vi quốc tế hay khu vực. Mỗi quốc gia lại có yêu cầu riêng về tiêu chuẩn Halal đối với hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Ảnh minh họa.
Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Halal trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn Halal của tổ chức quốc tế hàng đầu và các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như các tiêu chuẩn Codex, Arập Xê út, Malaysia, Indonesia, Phillipines, các quốc gia Vùng Vịnh… Các tiêu chuẩn quốc gia về Halal hiện nay gồm có 05 TCVN, cụ thể:
- TCVN 12944:2020 Thực phẩm Halal – Yêu cầu chung;
- TCVN 13708:2023 Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal;
- TCVN 13709:2023 Thức ăn chăn nuôi Halal;
- TCVN 13710:2023 Thực phẩm halal – Yêu cầu đối với giết mổ động vật;
- TCVN 13888:2023 Đánh giá sự phù hợp – Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình và dịch vụ Halal.
Các TCVN này là công cụ kỹ thuật quan trọng, ban đầu giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu, áp dụng đúng đắn vào sản xuất kinh doanh của mình để đạt chứng nhận sản phẩm Halal được thuận lợi.
Tại Việt Nam, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Để hướng dẫn thực hiện, ngày 01/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động dịch vụ đánh giá sự phù hợp và ngày 09/11/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, tổ chức chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng phải đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.
Việc chứng nhận Halal ở Việt Nam chủ yếu phục vụ hoạt động xuất khẩu. Tại các quốc gia Hồi giáo đều có tổ chức chứng nhận Halal độc lập, trong đó tiêu chuẩn chứng nhận là khác nhau giữa các nước/nhóm nước.
Khác với các chương trình chứng nhận khác là đánh giá một lần, cấp một chứng nhận và được chấp nhận ở mọi nơi, với chứng nhận Halal, để được chấp nhận kết quả chứng nhận Halal tại các nước nhập khẩu khác nhau, tổ chức chứng nhận phải được công nhận bởi nhiều tổ chức công nhận khác nhau (như GAC (Hội đồng hợp tác các nước Vùng Vịnh-GCC); JAKIM (Malaysia); CICOT (Thailand); MUIS (Singapore); KFDA (Korea)…) tùy thuộc vào thị trường mà các khách hàng của tổ chứng chứng nhận muốn xuất khẩu.
Mỗi tổ chức công nhận sẽ có quy định, yêu cầu cụ thể khác nhau đối với tổ chức chứng nhận dựa trên yêu cầu cơ bản theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17065 Đánh giá sự phù hợp – Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình và dịch vụ. Bên cạnh đó, chứng nhận hệ thống quản lý thì tổ chức chứng nhận phải đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17021 Đánh giá sự phù hợp – Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý (Việt Nam cũng đã chấp nhận hoàn toàn 02 tiêu chuẩn này thành TCVN ISO/IEC 17065 và TCVN ISO/IEC 17021).
Do đó, hoạt động chứng nhận Halal cần được coi là hoạt động đánh giá sự phù hợp đặc thù vì vừa phải đáp ứng điều kiện về năng lực theo quy định pháp luật, vừa phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định Hồi giáo.
Để có căn cứ quản lý nhà nước đối với ngành Halal tại Vệt Nam, thiết lập được hệ sinh thái Halal, thu hút doanh nghiệp FDI và đầu tư Halal trong nước, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ và phát triển du lịch, dịch vụ Halal trong nước... cần xem xét, xây dựng Nghị định về sản phẩm, dịch vụ Halal.
Nghị định cần xây dựng theo hướng quy định các nội dung về tiêu chuẩn Halal, về chứng nhận sản phẩm, dịch vụ Halal, về công nhận và thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp, về công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn, logo đối với sản phẩm, dịch vụ Halal, về kiểm tra, thử nghiệm sản phẩm Halal, về truy xuất nguồn gốc, về chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các sản phẩm, dịch vụ Halal…
Mai Hương