Khắc phục “điểm nghẽn” để phát triển bền vững các khu công nghiệp

author 15:54 28/03/2024

(VietQ.vn) - Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hệ thống KCN, khu kinh tế đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển sản xuất công nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần khắc phục để phát triển bền vững các KCN trong xu thế kinh tế xanh hiện nay.

Nhận thức về phát triển khu công nghiệp bền vững còn yếu

Phát biểu tại Diễn đàn Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 28/3/2024 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Vinh- Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Đến nay, cả nước đã có 418 KCN đã thành lập (bao gồm 371 KCN nằm ngoài các KKT, 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.

Trong số các KCN đã được thành lập, có 298 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63,1 nghìn ha và 120 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 26,1 nghìn ha.

Diễn đàn Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam diễn ra sáng ngày 28/3/2024.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển sản xuất công nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Những con số và phân tích trên đây đã cho thấy, sự phát triển của các KCN đóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như phát triển bền vững các KCN sẽ góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và nhiều chính sách quan trọng khác của Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Vinh cũng cho biết, năm 2022, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) cùng tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tại Việt Nam (IDH Việt Nam) thực hiện 1 nghiên cứu, khảo sát thực trạng các KCN theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) với 19 nhóm chỉ tiêu chính, tại 118 KCN trên cả nước.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ ban hành chính sách phát triển EESG thấp: chỉ 39% có chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường, 21% có chính sách quản trị rủi ro đảm bảo tuân thủ về xã hội, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, nhận thức về KCN phát triển bền vững (PTBV) còn yếu. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, đáng lưu ý 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.

“Kết quả của nghiên cứu cũng phần nào chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các KCN liên quan đến việc phát triển bền vững các KCN. Đây cũng có thể là những chỉ dấu cho các khuyến nghị về chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các KCN bền vững tại Việt Nam”- Phó Chủ tịch VCCI cho hay.

Tháo gỡ rào cản, khắc phục điểm nghẽn

Theo các chuyên gia, việc phát triển KCN thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, đó là sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu gắn kết; sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên; ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh KCN…

Trong bối cảnh đó, việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách về KCN, KKT, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, chính sách về KCN, KKT để đảm bảo KCN, KKT tiếp tục đóng vai trò là mô hình quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, trước thực tế này, VCCI đã đồng hành cùng các cơ quan Bộ ngành liên quan xây dựng những bộ chỉ số có ý nghĩa hết sức quan trọng, như Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) ra mắt năm 2016.

Theo đó, VCCI là một trong những “đầu tàu” đi tiên phong mạnh mẽ nhất trong thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp bền vững. Với tầm nhìn đó, VCCI đã chủ trì xây dựng những bộ chỉ số có ý nghĩa hết sức quan trọng, như Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) ra mắt năm 2016 - là công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững cho chính các doanh nghiệp Việt Nam.

“Các doanh nghiệp có thể “soi mình” vào đó với các chỉ số về môi trường, lao động, quản trị xã hội…. sẽ thấy được mức độ phát triển bền vững của mình. CSI là công cụ hết sức hữu hiệu được doanh nghiệp đánh giá cao trong suốt 8 năm qua”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Bên cạnh CSI, VCCI còn cho ra mắt Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2005 mà nay đã trở thành một công cụ quan trọng để khuyến khích và thúc đẩy cải cách ở cả cấp trung ương và cấp địa phương về công tác điều hành kinh tế. Mới đây nhất, VCCI cũng cho ra mắt Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) ra mắt năm 2023, là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh.

Các gian hàng tại Diễn đàn Phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức 

Trao đổi tại Diễn đàn, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đã thảo luận, trao đổi về các vấn đề đang được quan tâm trong phát triển KCN theo hướng xanh, bền vững tại Việt Nam.

Bà Vương Thị Minh Hiếu- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình khu công nghiệp mới theo định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định mô hình khu kinh tế có nhiều chức năng bao gồm cả khu công nghiệp. Do đó, việc phát triển đồng bộ, phát triển xanh trong hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ có những đóng góp tích cực và đáng kể vào nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Trao đổi tại Diễn đàn, đại diện các nhà đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN trên địa bàn một số tỉnh, thành phố cho biết, hiện nay nhu cầu hạ tầng, mặt bằng KCN phục vụ sản xuất kinh doanh tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thường đặt ra yêu cầu đáp ứng về các kho hàng hiện đại, kết nối với các dịch vụ hỗ trợ hoàn thiện thủ tục đầu tư kinh doanh, đào tạo, tuyển dụng nhân lực, kết nối hạ tầng vận tải, logistics... theo hướng liên kết những dịch vụ chung mà các doanh nghiệp có thể cộng sinh, cùng sử dụng, khai thác.

Chính xu thế phát triển bền vững tất yếu và nhu cầu của các khách hàng doanh nghiệp, nhà đầu tư đang tạo ra động lực cho nhiều KCN trên cả nước từng bước thay đổi, chuyển dịch theo hướng bền vững, sinh thái.

Bà Trần Thị Tố Loan- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ cho rằng, việc xây dựng KCN bền vững mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về môi trường và xã hội. Cụ thể là giảm tác động môi trường; tiết kiệm năng lượng và nguồn lực; tạo ra môi trường làm việc tốt hơn trong KCN cũng như mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng...

Theo bà Trần Thị Tố Loan, để đạt được yêu cầu của KCN bền vững vẫn còn nhiều khó khăn, đầu tiên là một số vấn đề về nguồn vốn và tài chính. Các khu công nghiệp phần lớn được phát triển theo giai đoạn cuốn chiếu. Trong khi, việc đầu tư một cách đồng bộ toàn bộ hệ thống các phân khu chức năng và hệ thống xử lý nước thải, hệ thống hoàn thiện điện nước thì cần nguồn vốn lớn và phải đầu tư ngay từ ban đầu. Bên cạnh đó các quy định pháp lý của nhà nước cũng cần sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện cho các khu công nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình...

Từ góc độ địa phương quản lý các KCN trên địa bàn, ông Lê Hữu Phúc - Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh hiện có 9 khu công nghiệp, các khu công nghiệp của Quảng Ninh chủ yếu là dự án FDI. Theo ông Phúc, thể chế chính sách liên quan tới KCN, KTT cần được xây dựng ở ngưỡng cao hơn. Hiện toàn bộ quy trình quy hoạch KCN, KTT rải rác ở các Luật chuyên ngành, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. "Chúng ta cần nghiên cứu các cơ chế chính sách tạo động lực phát triển hơn cho các KCN, KTT"- ông Phúc nhận định.

Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, bà Virginia Foote - thành viên Ban điều hành AmCham Hà Nội, CEO Bay Global Straegies cho rằng, để thực hiện được cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP26 hướng tới NetZero vào năm 2050 và đáp ứng yêu cầu của các thị trường, khách hàng, Việt Nam cần chú trọng thu hút đầu tư chất lượng cao; chú trọng sản xuất xanh cung cấp sản phẩm giảm dấu chân carbon đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về những vấn đề để phát triển KCN bền vững: Hiện trạng phát triển khu công nghiệp Việt Nam và góp ý xây dựng chính sách phát triển khu công nghiệp bền vững; Đánh giá về thực trạng tăng phát thải CO2 tại các khu công nghiệp Việt Nam hiện nay; Xu hướng toàn cầu về phát triển khu công nghiệp bền vững; Kinh nghiệm, phát triển mô hình KCN cộng sinh - kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí carbon, xanh hóa KCN; Phát triển Logistics, hoàn thiện chuỗi cung ứng xanh trong các KCN; Xây dựng mạng lưới KCN bền vững tại Việt Nam; Quản lý khu công nghiệp, Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số vào phát triển bền vững KCN Việt Nam...

Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Vinh kỳ vọng, những khuyến nghị từ Diễn đàn ngày hôm nay sẽ là đầu vào hữu ích để VCCI cùng các chuyên gia, các cơ quan liên quan khởi tạo thêm những ý tưởng mới, sáng kiến mới, đề án mới giúp thúc đẩy phát triển bền vững các khu công nghiệp tại Việt Nam.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang