Khách hàng cần cẩn trọng khi sử dụng thẻ tín dụng

author 09:06 19/03/2024

(VietQ.vn) - Khách hàng sử dụng thẻ tín dụng trong thời gian dài không trả nợ có thể nhận lại con số nợ rất lớn do cách tính lãi của ngân hàng, bao gồm lãi kép, lãi phạt. Lãi phạt thường rất lớn, có thể lên đến 150%, khiến số nợ ban đầu của khách bị đội lên rất cao.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, toàn bộ thông tin khách hàng sử dụng thẻ tín dụng, mua trả góp, vay ngân hàng... sẽ được lưu thông tin trên Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC). Toàn bộ quá trình trả nợ, vay nợ, chậm trả nợ của khách hàng, doanh nghiệp sẽ được lưu trên cổng thông tin này. Để đảm bảo lợi ích cá nhân khi sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng cần nắm rõ những lưu ý dưới đây:

Không mở nhiều thẻ tín dụng

Mở nhiều thẻ tín dụng đồng nghĩa với việc hàng tháng khách hàng phải cân đối tài chính cá nhân để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn cho từng thẻ tín dụng bạn sở hữu. Nếu chủ thẻ đang mở nhiều thẻ tín dụng, tốt hơn hết là nên ghi nhớ tất cả các ngày quan trọng của từng thẻ, để tránh quên thanh toán dư nợ dẫn đến tình trạng nợ nần. Tốt nhất mỗi chủ thẻ chỉ nên mở tối đa 3 thẻ tín dụng, mỗi thẻ giúp khách hàng tận hưởng tối đa lợi ích và quan trọng bạn có thể kiểm soát kế hoạch tài chính khi sử dụng song song nhiều thẻ.

Ngoài ra, khi khách hàng mở nhiều thẻ tín dụng trong khoảng thời gian ngắn, thì điểm tín dụng cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu không kiểm soát tốt việc thanh toán dư nợ thẻ. Khách hàng có thể nâng điểm tín dụng của mình bằng cách luôn cố gắng trả đầy đủ dư nợ thẻ tín dụng trong khoảng thời gian dài, cũng như tránh phát sinh các nợ mới nếu như vẫn còn nợ cũ.

Đa số các thẻ tín dụng có ưu đãi và lợi ích tốt thường có lãi suất thẻ tín dụng và các chi phí cố định như phí thường niên rất cao. Việc mở nhiều thẻ tín dụng sẽ khiến hàng năm khách hàng phải chi một khoản tiền không nhỏ để trả phí thường niên, duy trì cho thẻ hoạt động. Vì vậy, chủ thẻ cần cân nhắc xem có đang tận dụng hết các ưu đãi, tính năng của thẻ tín dụng để khiến những khoản phí thường niên xứng đáng hay không.

“Nếu mở quá nhiều thẻ, đôi khi thông báo đến mà chính họ không biết đó là thông báo của thẻ nào và có thể bỏ qua. Một số trường hợp còn tiết kiệm chi phí bằng cách bỏ qua đăng ký dịch vụ thông báo sao kê qua tin nhắn điện thoại. Như vậy rất dễ dẫn đến việc bỏ qua thông báo, khoản phí thường niên chuyển thành khoản nợ quá hạn hết năm này qua năm khác khiến tiền nợ tín dụng tăng lên," ông Phan Hoàng Quân, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Công ty cổ phần FIDT phân tích.

 Ảnh minh họa

Không nên để nợ quá hạn

Các ngân hàng đều có chính sách 45-55 ngày miễn lãi cho người sử dụng thẻ. Sau thời gian được hưởng miễn lãi, nếu khách không thanh toán sẽ bị coi là nợ thẻ tín dụng quá hạn.

Quá hạn dù chỉ 1 ngày vẫn sẽ bị tính phí phạt, thông thường là khoảng 5% và lãi suất 20%-40% của số dư nợ tối thiểu, tùy ngân hàng. Mức lãi suất cũng được các ngân hàng áp dụng với từng loại thẻ khác nhau. Lãi suất tại Techcombank từ 19,8%-38,8%/năm, tại VPBank từ 26,68%-45%/năm, tại VIB từ 14,64%-35,52%/năm, tại MB từ 12%-22,9%/năm, Vietcombank từ 15%-18%/năm.

Khi bị vướng vào nợ thẻ thẻ tín dụng, thông tin khoản nợ của khách hàng sẽ bị chuyển thành nợ xấu trên hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), bị cấm tham gia bất kỳ khoản vay nào khác tại ngân hàng.

Bên cạnh đó, cho dù đã thanh toán dư nợ xong nhưng lịch sử đã vướng nợ xấu thì khách hàng sẽ mất từ 2-5 năm để xây dựng lại điểm tín dụng, sau đó mới có thể tiến hành vay vốn ngân hàng. Trong khoảng thời gian xây dựng tín dụng, khách hàng cũng sẽ bị hạn chế tham gia tất cả khoản vay tại các ngân hàng và công ty tài chính.

Không mở hộ thẻ

Thẻ ngân hàng là công cụ thanh toán không dùng tiền mặt do ngân hàng phát hành có chức năng thanh toán, thực hiện các giao dịch trong phạm vi số dư tiền của chủ thẻ hoặc hạn mức tín dụng được ngân hàng cấp. Thẻ ngân hàng bao gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo khách hàng không bao giờ được đứng tên mở thẻ hộ người khác. Bởi vì rất có thể người đứng tên mở thẻ sẽ phải gánh khoản nợ ngân hàng một khi người sử dụng thẻ cố tình chây ì không trả nợ.

Theo Visa, cuộc cách mạng kỹ thuật số đang thay đổi cách thức thanh toán, khách du lịch Việt Nam đang đón nhận sự tiện lợi của thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ/trả trước. Khi phát sinh nợ xấu dẫn đến tranh chấp giữa khách hàng và ngân hàng, phần thiệt thòi sẽ thuộc về người đứng tên mở thẻ bởi hợp đồng đứng tên và có chữ ký của người mở thẻ.

Ngoài ra, không nên đăng ký mở thẻ tín dụng nếu không thực sự cần thiết. Một số người cả nể giúp người quen hoàn thành chỉ tiêu, đồng ý mở thẻ mà không có mục đích sử dụng cần thiết. Thực tế đã có một số trường hợp vì không thường xuyên sử dụng thẻ nên đã quên mất việc từng chi tiêu thông qua thẻ, bỏ qua “thời gian vàng” 45 ngày miễn lãi, dẫn đến lãi chồng lãi phát sinh.

Đại diện các ngân hàng khuyến cáo cách tốt nhất để không quên thanh toán dư nợ thẻ tín dụng khách hàng nên đăng ký dịch vụ ghi nợ tự động trong tài khoản thanh toán.

Trong trường hợp khách hàng không trả nợ trong 3 kỳ sao kê liên tiếp, ngân hàng sẽ gửi thông báo nhắc nhở thường xuyên thông qua tin nhắn SMS, email hoặc gọi điện thoại để tìm hiểu về nguyên nhân và đề nghị chủ thẻ thanh toán nợ tín dụng. Thậm chí, nếu khoản nợ của khách hàng quá hạn 6 tháng, ngân hàng có quyền khóa thẻ tín dụng của bạn. Do đó, khách hàng nên ưu tiên thanh toán dư nợ càng sớm càng tốt, ít nhất là thanh toán dư nợ tối thiểu để không bị phạt trả chậm.

Với các khoản nợ quá hạn, khách hàng phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình theo luật ngân hàng Việt Nam. Căn cứ theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN, những khoản nợ từ 2 triệu đồng trở lên và quá hạn trong vòng 36 tháng là ngân hàng có thể lập hồ sơ khởi kiện. Do đó, khách hàng nên ưu tiên mọi cách để trả nợ tín dụng càng sớm càng tốt, tránh phải chịu những trách nhiệm pháp lý ảnh hưởng tới bản thân.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang