Kháng sinh trong gà thải có thể gây biến đổi gen người

author 10:27 31/01/2013

(VietQ.vn) - Hai loại kháng sinh chloramphenicol và cycline bị cấm sử dụng đối với chăn nuôi, được phát hiện có trong các sản phẩm gà thải loại có khả năng ảnh hưởng nguy hại tới sức khỏe. Đặc biệt, có thể làm cho con người bị biến đổi gen nếu tích tụ nhiều và lâu ngày trong cơ thể người.

Qua nghiên cứu và tiến hành kiểm tra trên thị trường, cơ quan chức năng đã phát hiện 100 % gà thải loại có chất cấm. Trong đó, hàm lượng hai loại kháng sinh chloramphenicol và cycline phổ biến, cao hơn đáng kể so với các loại kháng sinh khác.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) kiểm nghiệm trên 14 mẫu thịt gà thải loại sống, đã phát hiện 100% mẫu đều tồn dư hai loại kháng sinh đã bị cấm.

Cơ quan chức năng thu giữ hàng loạt các sản phẩm gà kém chất lượng nhập khẩu
Cơ quan chức năng thu giữ hàng loạt sản phẩm gà kém chất lượng nhập khẩu. Ảnh minh họa

Cụ thể, có tới 9/14 mẫu tồn dư kháng sinh chloramphenicol với hàm lượng trung bình là 0,41 mg/kg; 8/14 mẫu tồn dư kháng sinh cycline với hàm lượng 9,1 mg/kg. Dư lượng trong mẫu gan gà sống, phát hiện tồn dư kháng sinh chloramphenicol là 4/14 mẫu, hàm lượng trung bình là 0,67 mg/kg; tồn dư cycline là 11/14 mẫu.

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, 100% gà thải loại nhập lậu vào Việt Nam đều tồn dư kháng sinh và có nguy cơ lây lan dịch bệnh bởi đây là loại gà đã kết thúc giai đoạn sinh sản. Trong quá trình sinh sản, loại gà này được tiêm rất nhiều loại kháng sinh để tăng năng suất trứng.

Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng đã lấy mẫu thịt gà nhập lậu tại các chợ để kiểm tra, xét nghiệm, kết quả cho thấy hơn 20% mẫu có dư lượng kháng sinh. Chi cục Thú y Hà Nội cũng lấy 5 mẫu gà thải loại nhập lậu tại chợ gia cầm Hà Vỹ để kiểm tra. Kết quả 100% số mẫu có tồn dư chất sulfadiazine, cao hơn 7-19 lần mức cho phép. Tồn dư Sulfadiazin ở mức cao sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Chloramphenico đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm trong thức ăn chăn nuôi. Chloramphenico gây ức chế hệ thống tủy xương, gây suy giảm bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu, làm thiếu máu, kích thích hệ thống tiêu hóa, gây kháng thuốc kháng sinh ở các loại vi khuẩn. Đối với loại kháng sinh cycline, nếu sử dụng nhiều gây ảnh hưởng tới hệ thống gan, dẫn đến suy gan.

Đặc biệt, các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc sử dụng gà có dư lượng thuốc kháng sinh cao trong thời gian dài có thể làm đột biến gen ở người. Nếu cơ thể hấp thụ nhiều kháng sinh có thể tác động lên gen, gây tổn thương gen, thành đột biến gen.

Theo ông Lâm Quốc Hùng - Cục An toàn thực phẩm, khi ăn gà thải loại, lâu ngày kháng sinh tích tụ nhiều trong cơ thể. Khi kháng sinh chloramphenicol tích tụ trong người ở liều lượng thấp, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể sẽ có cơ hội kháng lại phần kháng sinh tích tụ đó. Khi sức kháng kháng sinh của vi khuẩn tăng lên, nó sẽ chống lại hiệu quả của các loại thuốc kháng sinh dùng trị bệnh.

Do vậy, nếu ăn thịt gà có chứa chloramphenicol sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, người Việt ăn rất tùy tiện, thích là ăn, không tuân theo kết cấu nào, nên nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe càng cao.

Gà thải loại ngoài chợ truyền thống, đánh đố sự lựa chọn của người tiêu dùng. Ảnh minh họa
Gà thải loại ở chợ truyền thống "đánh đố" sự lựa chọn của người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Trên thực tế, gà thải loại sau khi giết mổ được bày bán tại các chợ rất khó phân biệt. Ngoài tồn dư kháng sinh, trong gà thải loại còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ từ vacxin phòng bệnh, đặc biệt là thuốc kích thích để gà đẻ trứng nhiều hơn.

Ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết hai loại kháng sinh trên đã bị cấm trong chăn nuôi.

Để giúp người tiêu dùng phân biệt gà thải loại và gà chăn nuôi trong nước, ông Trần Quang Trung cho rằng, gà thải loại do được nuôi để đẻ trứng trong một thời gian dài (thường là một năm) nên da rất dày, lông ở cổ và đầu sụp, hậu môn to do đẻ trứng nhiều. Đối với gà đã mổ sẵn, có các biểu hiện như buồng trứng teo nhỏ, có nhiều nốt xuất huyết ở bụng gà.

Cũng theo ông Trần Quang Trung, bên cạnh sự quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền các cấp trong công tác ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gà thải loại nhập lâu, bản thân người tiêu dùng nên quan tâm nhận biết và không sử dụng gà thải loại, trước hết vì sức khỏe của chính mình.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, năm 2012, 8 triệu con gà thải loại được nhập lậu từ biên giới phía Bắc vào Việt Nam, gây tác động tiêu cực tới sức khỏe người dân, nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại ngành chăn nuôi trong nước.

Từ những bức xúc nêu trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có biện pháp kiên quyết ngăn chặn gà thải loại trong năm 2012. Sau 2 tháng phối kết hợp triển khai quyết liệt, ngăn chặn buôn bán vận chuyển gà nhập lậu, lượng gà nhập lậu vào thị trường Hà Nội đã giảm tới 90%.

Khoa Chăn nuôi Thú y - ĐH Nông Lâm TP.HCM xét nghiệm các mẫu thịt được lấy trực tiếp tại các chợ cho thấy có 26 loại kháng sinh được phát hiện. Trong đó loại được sử dụng nhiều nhất chloramphenicol (chiếm 15,35%), tylosin (15%), colistin (13,24%), norfloxacin (10%), gentamycin (8,35%), nhóm tetracylin (7,95%), ampicillin (7,24%)... Trong đó, chloramphenicol là kháng sinh hiện đã bị cấm sử dụng. Trong 149 mẫu thịt gà được kiểm tra, phân tích có đến 44,96% số mẫu có dư kháng sinh vượt quá mức quy định cho phép từ 2,5 đến 1.100 lần so với tiêu chuẩn ngành. Trong đó, loại kháng sinh chloramphenicol chiếm tỷ lệ cao nhất, đến 87,50%, flumequin chiếm 83,33%, chlortetracyline chiếm 62,50%, amoxillin chiếm 60%...

Theo các bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, phần lớn kháng sinh không phân hủy được trong môi trường nhiệt độ như nấu nướng, số ít có thể bị phân hủy nhưng tỷ lệ không đáng kể. Người thường xuyên dùng sản phẩm gia súc gia cầm bị nhiễm kháng sinh sẽ rất dễ bị “lờn thuốc” (cơ thể sẽ tạo ra sự kháng thuốc của các dòng vi khuẩn gây bệnh)  và khi con người bị nhiễm bệnh sẽ làm cho khả năng chữa trị khó, kéo dài thời gian và phức tạp hơn.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang