Kiên Giang: Tạm giữ hàng trăm thùng nhớt, dầu nhờn có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

author 16:16 24/03/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý Thị trường tỉnh Kiên Giang vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện và tạm giữ hàng trăm thùng nhớt, dầu nhờn có dấu hiệu vi phạm sở hữu công nghiệp.

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cho biết, ngày 20/03/2023, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang tiến hành kiểm tra 01 kho hàng (địa chỉ tại khu đô thị Phú Cường, phường An Hòa, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).

Kết quả kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện có 168 can nhớt (loại 18 lít/can), 61 thùng nhớt, dầu bôi trơn (loại 24 chai/thùng, mỗi chai 1 lít) và 08 phuy dầu truyền động, dầu nhờn (loại 200 lít/phuy) mang các nhãn hiệu Shell RIMULA, CASTROL, RACER SF, APOLO… chưa có hóa đơn, chứng từ kèm theo.

QLTT tỉnh Kiên Giang phát hiện, tạm giữ số lượng lớn nhớt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tạm giữ, niêm phong toàn bộ tang vật, đồng thời tiến hành các thủ tục, trình tự phối hợp với đại diện chủ thể quyền giám định tang vật có dấu hiệu vi phạm. Hiện, vụ việc đang được tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.

Nói tới dầu nhờn giả mạo nhãn hiệu, các chuyên gia cho biết, việc sử dụng dầu nhờn giả, kém chất lượng có thể gây tác hại rất lớn cho xe như: Làm xe yếu đi, không được bốc, tiếng kêu lớn, hao nhiều xăng, không duy trì được lớp màng dầu giữa hai bề mặt tiếp xúc của chi tiết máy. Về lâu dài sẽ gây mài nhọn cực nhanh, dẫn đến tình trạng hư hỏng, tốn nhiều chi phí sữa chữa, có khi không thể khắc phục được.

Để nhận biết xe của mình có phải đang sử dụng nhầm phải dầu nhờn giả hay không, khách hàng có thể dựa trên một số dấu hiệu sau:

Dầu nhờn giả thường không còn tính năng chống oxy hóa và chịu nhiệt kém nên khiến xe ngốn xăng rất nhiều. Do đó, để chọn được cho mình những sản phẩm nhớt xe máy tốt, tránh mua nhầm sản phẩm giả, kém chất lượng, khi chọn dầu nhờn xe chúng ta cần lưu ý.

Chai dầu nhờn giả do sử dụng nhiều lần nên thân chai sẽ có dấu hiệu bẩn và dính nhiều vết dầu nhớt cũ. Trong khi đó chai thật thì rất sạch sẽ vì chưa được sử dụng qua.

Niêm phong trên chai dầu nhờn giả hàn không kỹ bởi đã mở ra trước đó. Bên cạnh đó, do sử dụng công nghệ hàn “bằng tay” nên các vết rách trầy xước rất xấu.

Nếu cửa hiệu nào bán chai nhớt giá quá thấp so với mặt bằng chung thị trường, khách hàng nên đề nghị được xem xét chai thật tỉ mỉ trước khi quyết định sử dụng. Quan trọng nhất, người tiêu dùng nên chọn những địa chỉ bán hàng uy tín, bảo đảm nguồn gốc và chất lượng.

QCVN 14:2018/BKHCN VỀ DẦU NHỜN ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG

Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc nhập khẩu, sản xuất, pha chế, phân phối và bán lẻ dầu nhờn động cơ đốt trong tại Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo đó, các loại dầu nhờn động cơ đốt trong dùng cho động cơ 4 kỳ, 2 kỳ dùng cho động cơ xăng, diezen hoặc dùng cho cả động cơ xăng và diezen có các ký hiệu phân cấp tính năng phải đáp ứng tiêu chuẩn công bố của nhà sản xuất (phù hợp các tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn quốc tế).

Phân cấp độ nhớt: Cấp độ nhớt động học của các loại dầu nhờn động cơ đốt trong phải đáp ứng tiêu chuẩn công bố của nhà sản xuất (phù hợp với cấp độ nhớt của SAE hoặc các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn quốc tế).

Các loại phụ gia sử dụng để pha chế dầu nhờn động cơ đốt trong phải đảm bảo phù hợp các quy định về an toàn, sức khỏe, môi trường và không được gây hỏng cho động cơ cũng như hệ thống tồn trữ, bảo quản, vận chuyển và phân phối sản phẩm.

Ghi nhãn

Dầu nhờn động cơ đốt trong lưu thông trên thị trường phải đảm bảo ghi nhãn theo quy định hiện hành. Trường hợp dầu nhờn động cơ đốt trong đóng gói sẵn, trên bao bì phải ghi nhãn một cách rõ ràng, dễ đọc. Nhãn gắn trên bao bì phải bền và không bị bong, rách, mờ trong quá trình vận chuyển. Nội dung tối thiểu của nhãn phải bao gồm:

+ Tên hàng hóa (ghi rõ loại động cơ sử dụng);

+ Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

+ Xuất xứ hàng hóa;

+ Thể tích/ Khối lượng;

+ Đặc tính kỹ thuật (cấp độ nhớt, cấp tính năng);

+ Hướng dẫn sử dụng, bảo quản;

+ Thông tin cảnh báo.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang