Kỳ vọng về một nền kinh tế xanh
Liên minh châu Âu thông báo dự thảo về kiểm soát các sản phẩm hữu cơ
Thông báo của Liên minh Châu Âu về công nhận cơ quan kiểm soát hữu cơ
Thiết thực cho cuộc sống
Hiện nay, kinh tế xanh không còn là thuật ngữ mới lạ nhưng để hướng toàn nền kinh tế tới hoạt động xanh hóa như kỳ vọng là điều không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và nền kinh tế có thể gặp những rào cản đột ngột như Covid-19.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp cùng nhiều vấn đề môi trường nảy sinh, gây hại cho sức khỏe, nhiều người dân sẵn sàng chi trả cao hơn cho nguồn lương thực, thực phẩm sử dụng hằng ngày. Hay nói cách khác, người tiêu dùng đang trông đợi vào các sản phẩm hữu cơ thiết thực cho cuộc sống.
Chia sẻ với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), chị Bùi Mai (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Thực phẩm hữu cơ mặc dù giá thành đắt hơn, tuy nhiên tôi vẫn chọn mua để đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Bởi cái giá cho sức khỏe thì không bao giờ là đắt”.
Còn chị Nguyễn. T. Nhung (trú tại Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường vào siêu thị Vinmart hoặc một số cửa hàng bán rau củ hữu cơ để mua. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng tại các siêu thị, cửa hàng, rau củ quả cũng như các sản phẩm thiết yếu vẫn dồi dào”.
Hiểu rõ nhu cầu thực tế này, nhiều tổ chức, cá nhân, startup đã và đang tham gia các hoạt động đầu tư, sản xuất, nuôi trồng chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Bà Nguyễn Phương Thảo, Phó Giám đốc Công ty CP Nguyên Khôi Xanh chia sẻ: “Chúng tôi đã nghiên cứu và xây dựng trang trại tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không gây ô nhiễm môi trường. Các chất thải sẽ lần lượt đi qua các công nghệ thân thiện với môi trường, chi phí đầu tư thấp, không sử dụng điện năng hay năng lượng hóa thạch mà xử lý thành phân bón hữu cơ cho cây trồng hoặc thành đầu vào cho chăn nuôi, trồng trọt”, bà Thảo cho biết.
Doanh nghiệp sẵn sàng thay đổi
Không chỉ ở thị trường nội địa, một số đơn vị còn lạc quan về xuất khẩu nông sản hữu cơ, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực. "Thị trường châu Âu rất thích hữu cơ, cứ bán là họ mua", chị Nguyễn Ngọc Hương, Nhà sáng lập dự án bột rau sấy lạnh Thiên Nhiên Việt, đơn vị đã xuất khẩu được sang thị trường này, đánh giá.
Sức sáng tạo của nhiều startup đang nhân lên hy vọng về những bước đà tăng trưởng xanh, về nền kinh tế Việt Nam xanh. Đó là thực tế. Tuy nhiên, để thực tế này sớm được nhân rộng, đặc biệt sau giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững thẳng thắn chỉ ra rằng, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, dựa trên công nghệ số. Tư duy sợ mất mát, ngại thay đổi là rào cản lớn nhất, hướng tới các mục tiêu bền vững, bao trùm.
“Ở thời điểm này mà vẫn còn không ít doanh nghiệp rất thờ ơ với kỹ thuật số và coi chuyển đổi số chỉ là show diễn, hay là chi phí phải gánh chịu chứ không phải khoản đầu tư quan trọng hàng đầu để nâng cao lợi thế cạnh tranh. Những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức là những người tiên phong thành công”, ông Lộc khẳng định.
Áp dụng công nghệ, thành tựu cách mạng 4.0 vào phát triển kinh tế xanh là hữu ích, thiết thực trong tiến trình phát triển bền vững quốc gia và toàn cầu. Ngoài ra, như khẳng định của các chuyên gia, tiến trình này thành công hay không, không hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ, mà phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của người lãnh đạo. Người đứng đầu doanh nghiệp phải kiên định thực hiện mục tiêu, kiên quyết loại bỏ các yếu tố cản trở tiến trình xanh hóa sản phẩm trước khi đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Thanh Tùng