Lãnh đạo PVN: Ngay cả phá sản dự án cũng cần phải có tiền

authorĐỗ Thu Thoan 14:57 20/07/2017

(VietQ.vn) - Chính phủ muốn xử lý 5 dự án thua lỗ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) theo cơ chế thị trường, Nhà nước không tăng thêm vốn vào các dự án này trong khi PVN cho rằng ngay cả để cho phá sản dự án cũng cần có tiền.

Sự kiện: Kinh doanh

Thông tin Vnexpress đăng tải, liên quan đến 1 số dự án đầu tư thua lỗ kéo dài như Đóng tàu Dung Quất, 3 dự án nhiên liệu sinh học, xơ sợi Đình Vũ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị PVN giải quyết dứt điểm.

Ông nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là đề nghị ngành công thương kiên quyết xử lý theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà nước không cấp thêm vốn cho các dự án này.

Đáp lại, theo báo Tuổi trẻ, Phó tổng giám đốc PVN Lê Minh Hồng nói rằng các dự án này là nỗi đau của ngành. “Nhưng muốn xử lý cũng cần tiền. Chính phủ cứ nói rằng không bơm thêm vốn nhà nước vào nữa. Nếu vậy thì quá khó để giải quyết. Ngay cả phá sản thì cũng cần tiền để thực hiện thủ tục kiểm toán, xác định giá trị tài sản. Vẫn phải trả lương cho bảo vệ, nhân viên. Giải quyết các dự án này giống như người ốm cũng cần tiền mua thuốc”, ông Hồng nhấn mạnh.

lanh-dao-pvn-ngay-ca-pha-san-du-an-cung-can-phai-co-tien

Nhà máy đóng tàu Dung Quất là một trong năm dự án thua lỗ của Tập đoàn Dầu khí. Ảnh: Tuổi trẻ

Về ý kiến này, theo Vnexpress, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lý giải, nếu số dự án đó mà xem xét đưa vào vận hành hoạt động, ra sản phẩm thì là những giải pháp tích cực nhất. Nếu không vận hành được thì đề nghị Bộ Công Thương phải có giải pháp, không loại trừ phá sản, bán.

Muốn như vậy thì phải hoàn công, quyết toán để xác định giá trị ban đầu, giá trị đầu tư. “Còn việc khẳng định không cân đối vốn, ý của Chính phủ là không điều tiết thêm tiền từ ngân sách nhà nước để đầu tư sản xuất nữa”, ông Dũng nói.

Theo Tuổi trẻ, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định đối với các dự án thua lỗ, giải quyết càng nhanh bao nhiêu thì càng cắt được “phanh” kìm hãm sớm bấy nhiêu.

“Trong số 12 dự án thua lỗ thì 5 dự án của PVN là khó khăn nhất. Vì tính chất khó khăn nên Chính phủ mới thành lập ban chỉ đạo, PVN cũng rất mong ban chỉ đạo có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hơn để giải quyết dứt điểm. Nguyên tắc là Nhà nước không bỏ thêm vốn đầu tư, thế còn trong quá trình giải quyết thì tập đoàn có thể vận động những nguồn khác. Có những dự án có thể khởi động lại, đưa vào sản xuất thì khi thoái vốn mới có giá tốt, nếu không nhà máy chỉ là đống sắt vụn. Mục tiêu lớn nhất là giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước” - ông Vượng nói.

lanh-dao-pvn-ngay-ca-pha-san-du-an-cung-can-phai-co-tien

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Nhà nước sẽ không cấp thêm vốn cho những dự án thua lỗ của PVN. Ảnh: Vnexpress

Cũng theo Tuổi trẻ, tại cuộc làm việc, PVN đã nêu nhiều kiến nghị, trong đó có những vấn đề lớn như chính sách bao tiêu sản phẩm cho lọc hóa dầu Nghi Sơn, cơ chế giá khí, việc công ty mẹ bảo lãnh để công ty con vay vốn thực hiện dự án lọc hóa dầu Long Sơn.

Ông Mai Tiến Dũng thừa nhận trong thời gian qua nhiều kiến nghị của tập đoàn chưa được tháo gỡ kịp thời, trong đó có trách nhiệm phối hợp của bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, ông Dũng đề nghị PVN tập hợp đầy đủ các kiến nghị để báo cáo Thủ tướng xử lý. Những vấn đề lớn như công ty mẹ bảo lãnh cho công ty con vay để triển khai dự án 5,3 tỉ USD, vấn đề tạm ứng quỹ thăm dò khai thác dầu khí... phải được xử lý kịp thời.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang