Lối đi nào cho thị trường sữa Việt Nam?

author 07:25 12/08/2014

(VietQ.vn) – Dù đã thực hiện quy định áp trần giá sữa của Bộ Tài chính nhưng tình hình vẫn “dậm chân tại chỗ”. Liệu có lối đi nào phù hợp cho thị trường sữa Việt Nam hiện nay?

Sự kiện: Giá sữa, Thông tin giá sữa trên thị trường

Thị trường sữa Việt: “Loạn vẫn hoàn loạn”

Dù đã thực hiện áp trần giá sữa theo quy định của Bộ Tài chính song dường như kết quả nhận được vào thời điểm này là con số không. Hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp giởi chiêu trò lách luật để tăng giá sữa vô tội vạ, khiến cho người tiêu dùng không thể xác định được chính xác giá sữa.

Các doanh nghiệp chỉ cần thay đổi một vài hàm lượng vi chất trong tổng số 50 - 60 hàm lượng vi chất sẵn có trong sản phẩm sữa là một hộp sữa đã được “thay tên đổi nhãn”, được đặt cho một mức giá mới, thậm chí “thoát” được danh mục sữa để không bị áp giá trần.

 

Thị trường sữa Việt vẫn tiếp diễn tình trạng loạn giá sữa khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang

Thị trường sữa Việt vẫn tiếp diễn tình trạng loạn giá sữa khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Ảnh: giaothongvantai.com.vn

Thực tế cho thấy, ở các nước trên thế giới, sữa là sản phẩm có thể thay thế sữa mẹ, còn thực phẩm dinh dưỡng là bổ sung dinh dưỡng, nhưng ở Việt Nam, không thể phân biệt được hai dòng sản phẩm này. Có đến hàng chục tên gọi khác nhau được đặt cho sản phẩm mà người tiêu dùng quen gọi là sữa như “sản phẩm dinh dưỡng”, “thực phẩm dinh dưỡng”, “thực phẩm dinh dưỡng công thức”, “sản phẩm dinh dưỡng công thức”, “sản phẩm dinh dưỡng”, “thực phẩm bổ sung”, “Thực phẩm bổ sung: Sữa bột”...

Đầu tháng 7, Bộ Tài chính phải gửi công văn đề nghị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xác nhận thông tin về 30 sản phẩm dinh dưỡng và bổ sung vi chất đang bán trên thị trường nhưng chưa thống nhất được tên gọi để quản lý giá, áp giá trần. Đến đầu tháng 8, Cục An toàn thực phẩm xác nhận 12/30 sản phẩm trên là sữa.

Giải pháp nào giúp giải quyết loạn giá sữa?

Nhiều sản phẩm sữa dù đang nằm trong danh sách 25 sản phẩm bị áp trần nhưng đùng một cái lại được loại ra khỏi danh mục sữa, không thuộc diện bình ổn. Trong khi đó, nhiều sản phẩm được áp trần nhưng mỗi nơi một giá, chênh nhau tới hàng trăm nghìn đồng.

Mặc dù đã có quy định áp giá trần từ lâu nhưng nhiều siêu thị, cửa hàng vẫn ngang nhiên lách luật và bán sữa ra thị trường với giá cao hơn mức áp trần. Hậu quả là sau 2 tháng, tình trạng loạn giá sữa lại bắt đầu tái diễn.

Theo đó, giá sữa tại các siêu thị lớn luôn có xu hướng cao hơn so với giá bán của các đại lý, cửa hàng. Giá sữa bột hộp 400g của các cửa hàng, đại lý có thể thấp hơn so với siêu thị nhỏ từ 10-25.000 đồng/hộp; loại 900g có thể chênh từ 30.000 - 50.000 đồng/hộp so với các siêu thị lớn. Đặc biệt một số sản phẩm có khối lượng 1,5- 1,7 kg còn chênh lệch giá đến 80.000- 90.000 đồng/hộp.

Bên cạnh đó, một số đại lý lại đang bán một vài loại sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi với giá bán lẻ bằng giá trần bán buôn theo quy định của Bộ Tài chính. Các đại lý này giải thích, để cạnh tranh và đẩy mạnh lượng hàng bán ra nên chỉ nhận tiền huê hồng chiết khấu từ phía các công ty sản xuất, phân phối sữa, không tăng giá thêm 15% so với giá bán buôn theo quy định của Bộ Tài chính cho các mặt hàng sữa.

Cũng theo khảo sát nhiều đại lý lớn kinh doanh mặt hàng sữa tại TP.Biên Hòa, hiện trên thị trường đã có 400 mặt hàng sữa áp giá trần bán buôn, bán lẻ. Tuy nhiên, nhiều hãng sữa đã ngừng hoặc giảm đưa ra thị trường các mẫu sữa cũ đang áp giá trần và đưa ra các mặt hàng sữa mới. Các mặt hàng sữa mới tuy có có áp giá trần nhưng giá cao hơn khá nhiều so với mặt hàng sữa cũ cùng loại, trong khi chỉ một số thành phần của sữa thay đổi nhẹ không đáng kể.

Thế nhưng hôm chiều 8/8, Cục An toàn thực phẩm cũng công bố Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích nội dung “sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi” gồm các sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng/bột được chế biến từ sữa bò/sữa động vật khác với các thành phần thích hợp. Theo đó, sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi gồm: Sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò, hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp có thể sử dụng thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (infant formula);

Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng của một hãng sữa, với khái niệm “sữa thay thế sữa mẹ” mà Cục An toàn thực phẩm công bố như trên, thì hầu hết các sản phẩm đang mang tên “thực phẩm dinh dưỡng”, “dinh dưỡng công thức”, “thực phẩm bổ sung: sữa”... trên thị trường đều đạt tiêu chuẩn là sữa. Trong khi đó, theo Quy chuẩn Việt Nam số QCVN 5-2:2011/BYT cũng do Bộ Y tế ban hành vẫn đang có hiệu lực, sữa bột phải có hàm lượng protein là 34% trở lên. Vậy quyết định áp trần đúng, hay văn bản “gỡ trần” đúng? Tiêu chí nào để có thể khẳng định 1 sản phẩm là sữa hay sản phẩm dinh dưỡng, bổ sung vi chất?

 

Bộ Tài chính gặp phải nhiều mâu thuẫn trong hướng giải quyết tình trạng loạn giá sữa sau quy định áp giá trần

Bộ Tài chính gặp phải nhiều mâu thuẫn trong hướng giải quyết tình trạng loạn giá sữa sau quy định áp giá trần. Ảnh: nghean24h.vn

Và theo trả lời báo chí của lãnh đạo Cục ATTP - Bộ Y tế thì chỉ cần sản phẩm mà trên bao bì có ghi là chứa sữa, hoặc có ghi trên sản phẩm là dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thì thuộc bình ổn giá. Như vậy, nếu cứ chiếu theo quy chuẩn này, thì cả 18 sản phẩm mà Bộ Y tế bảo không phải là sữa đều có ghi trong danh mục thành phần có sữa bột.

Như vậy, rõ ràng Bộ Y tế đang có sự mâu thuẫn với chính mình, tiền hậu bất nhất gây khó cho chính Cục Quản lý Giá. Vì vậy, lúc này, cần hơn bao giờ hết sự quy chuẩn của Bộ Y tế để các sản phẩm được gọi đúng tên, tạo điều kiện cho ngành Giá quản lý một cách thống nhất và chính xác.

Nguyễn Dung (T/h)


 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang