Lúa chất lượng cao - Mục tiêu đạt được nhiều đích

author 13:19 17/06/2024

(VietQ.vn) - Đề án "1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp" đang được triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm xây dựng thương hiệu hạt gạo chất lượng cao của Việt Nam và thu lợi kép từ hạt lúa lẫn môi trường.

Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh, giảm phát thải là cam kết của Việt Nam về tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh ST

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vào năm 2030

Đề án "1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp" được chia thành hai giai đoạn từ năm 2024 đến 2030 và sẽ triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang, và Vĩnh Long. Trong giai đoạn 1 từ 2024-2025, toàn vùng sẽ thực hiện 180.000 ha, giai đoạn 2 từ 2026-2030 sẽ hoàn thiện 820.000 ha còn lại.

Các phương thức canh tác bao gồm canh tác bền vững, tiết kiệm và an toàn cho môi trường, được kết hợp với các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu nhằm xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay, đã có 10 địa phương bắt đầu triển khai đề án. Cụ thể, Long An có 120.000 ha, Sóc Trăng 72.000 ha, Tiền Giang 29.500 ha, An Giang 152.000 ha, Đồng Tháp 212.000 ha, Trà Vinh 13.900 ha, Cần Thơ 88.000 ha, Vĩnh Long 23.000 ha, Kiên Giang 200.000 ha, và Hậu Giang khởi động giai đoạn 1 với diện tích 28.000 ha.

Đáng chú ý, tỉnh Đồng Tháp đã khởi động đề án với diện tích 50 ha tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi và đã triển khai trên diện tích hơn 350 ha tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ. Dự kiến, Đồng Tháp sẽ thực hiện 28.000 ha vào năm 2024 và 70.000 ha vào năm 2025, với mục tiêu hoàn tất 162.000 ha vào năm 2030.

Thành phố Cần Thơ cũng đã bắt đầu với diện tích 50.000 ha trong giai đoạn 1 và dự kiến hoàn thành 38.000 ha còn lại trong giai đoạn 2. Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết từ kinh nghiệm dự án "Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam" (VnSAT), các giải pháp sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang nâng cao trình độ sản xuất của người dân, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.

Để giảm phát thải và tăng cường hiệu quả sản xuất, các hợp tác xã trong khu vực đã áp dụng nhiều phương thức canh tác tiên tiến. Hợp tác xã Thuận Tiến tại Cần Thơ, với 512 ha lúa, sử dụng giống xác nhận, quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD), bón phân chuyên biệt (SSNM), sạ hàng bằng máy, và áp dụng quản lý bảo vệ thực vật tổng hợp (IPM). Những phương pháp này giúp giảm số lần bón phân còn 2 lần/vụ, thu gom rơm để làm phân bón và sản xuất nấm, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, với phương thức canh tác mới, lượng giống lúa gieo sạ giảm xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, cũng như giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. Các quy trình canh tác bền vững như "1 phải 5 giảm" và tiêu chuẩn tưới khô - ướt xen kẽ đã được áp dụng, góp phần giảm chi phí sản xuất và giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.

Một trong những lợi ích đáng chú ý của đề án là thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon. Ngân hàng Thế giới cam kết mua tín chỉ carbon từ dự án với giá khoảng 10 USD/tấn. Theo ước tính, mỗi hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp có thể mang lại thu nhập khoảng 100 USD từ tín chỉ carbon.

Phát triển thương hiệu gạo chất lượng cao

Việc sản xuất lúa chất lượng cao không chỉ nhằm mục đích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Thứ trưởng Trần Thanh Nam kỳ vọng rằng Viện Lúa Quốc tế (IRRI) cùng các nhà khoa học sẽ hợp tác để công bố quy trình canh tác lúa bền vững, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn gạo chất lượng cao, phát thải thấp để đưa ra thị trường quốc tế.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn có thương hiệu gạo giảm phát thải để bán ra thị trường quốc tế. Việc xây dựng thương hiệu này đòi hỏi sự nâng cao trình độ sản xuất của nông dân và tuân thủ các quy trình chất lượng.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các địa phương để đào tạo kỹ thuật canh tác lúa cho 1.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng và khoảng 500.000 nông dân mỗi năm. Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang tìm kiếm các đối tác công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng lúa, giảm phát thải khí nhà kính, và thúc đẩy mô hình canh tác lúa thông minh.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang