Món ăn ngon trong ngày “giết sâu bọ”

author 06:46 12/06/2013

(VietQ.vn) - Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã hơn: Tết giết sâu bọ. Đây là một phong tục lễ tết Á Đông và gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Người ta cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5/5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.

Rượu nếp cẩm

Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu. Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm. Phụ nữ các vùng quê miền Bắc phần lớn đều biết "ngả rượu nếp".

<br>
 

Nếp cẩm vo sạch, ngâm qua đêm, để ráo. Cho nếp vào xửng đồ chín. Sau khi cơm nếp chín mềm, xới ra dàn mỏng cho mau nguội. Men ngọt giã nhuyễn mịn. Khi cơm nếp còn hơi ấm, tán nhuyễn men, rải đều lên mặt xôi, 1 lớp xôi 1 lớp men. Ủ xôi đã rắc men vào trong lá chuối, gói lại, cất vào thố, đặt vào nơi kín gió. Đục lỗ nhỏ ở dưới đáy lá chuối cho nước cơm rượu chảy dần xuống. Ủ cơm rượu trong 24 tiếng, lấy ra trộn đều lại, ủ tiếp. Tùy thời tiết, trời càng nóng, nhiệt độ thấp người ta thường để hũ cơm rượu gần bếp để ủ nóng. Cơm rượu sẽ đạt đến nồng độ rượu cao nhất vào khoảng ngày thứ 4 – 5, tùy chất lượng men. Sau khi ủ, lấy cơm rượu ra, chắt phần nước mà cơm rượu tự chảy xuống thố, pha thêm ít đường, quậy tan. Sau đó đem rưới nước cơm rượu vào phần nếp, trộn đều là có cơm rượu nếp cẩm.

Bánh ú nước tro

Bánh ú nước tro là món ăn truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ. Chiếc bánh có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn, bên ngoài gói lá. Bánh được bán nhiều trong các ngôi chợ vào những ngày này.

 

Để làm bánh tro, đầu tiên lấy rơm nếp đốt lấy tro, hòa với nước cho tan và để lắng. Chắt lấy phần nước trong đem ngâm với gạo nếp. Không nên ngâm quá lâu để tránh mùi nồng của bánh, thường chỉ nên ngâm trong khoảng từ nửa ngày đến một ngày. Nếp ngâm xong, vớt ra xả lại bằng nước sạch, để ráo. Nhân bánh thường bằng đậu xanh hoặc không nhân. Đậu xanh ngâm qua đêm cho nở, nấu chín và tán nhuyễn với đường cát.

Lá để gói bánh trong truyền thống là lá tre, ngày nay, một số nơi người ta dùng lá chuối để thay cho lá tre. Cuốn một đầu lá thành hình chiếc phễu, cho vào một ít nếp, nhân, bên trên thêm một lớp nếp nữa và gói lại thành một hình tam giác cho thật kín, dùng dây chuối buộc chặt bên ngoài. Xếp bánh vào nồi và đem luộc, khi bánh chín, vớt ra ngâm vào nước lạnh cho bánh nguội, sau đó buộc bánh thành từng chùm vào trên lên sàn cho bánh nhanh khô lá. Bánh thường để cúng và làm quà cho người thân trong gia đình vào ngày tết Đoan Ngọ.

Chè trôi nước

Ngoài bánh ú nước tro, cơm rượu thì chè trôi nước là món ăn không thể thiếu trong ngày này. Từng viên chè tròn làm bằng bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh, ăn cùng với nước cốt dừa có vị béo và rất nổi tiếng ở miền Nam, gần giống với bánh trôi của người miền Bắc.

 

Để nấu món chè trôi nước ngọt ngào, thoảng hương thơm ngan ngát của gừng già, béo ngậy của nước cốt dừa, không đòi hỏi nhiều công đoạn vất vả, nhọc nhằn, nhưng lại cần sự khéo léo và tinh tế của người làm bếp. Nguyên liệu chính là bột nếp và nhân đậu xanh. Bột được nhồi cho đến khi dẻo và mềm, khi nặn viên trôi nước, lấy một lượng nếp vừa đủ đặt trong lòng bàn tay rồi dàn mỏng ra, bỏ nhân đậu vào giữa, gói tròn lại và vo trong lòng bàn tay sao cho thật tròn trịa.
Khi nấu chè, cho một ít gừng già giã nhỏ và ít muối cho món chè ngọt thanh, ngát hương thơm và ấm nóng. Vị béo và ngọt bùi hòa hợp với nhau cùng với vị cay ấm của gừng trong nước đường và vị thơm nồng của vừng phía trên.

Hà Nho
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang