CM 4.0 đang tác động trực tiếp tới các quốc gia, nếu không bắt kịp sẽ khó thúc đẩy NSCL

author 07:15 14/12/2019

(VietQ.vn) - Năng suất lao động Việt Nam thấp là do chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, năng suất nội ngành chưa thực sự phát huy động lực chính để cải thiện NSLĐ.

Việt Nam là quốc gia đang trong giai đoạn dân số vàng, tuy nhiên, chất lượng lao động vẫn còn thấp so với khu vực và trên thế giới. Theo TS Hà Minh Hiệp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, có 2 nguyên nhân dẫn tới NSLĐ thấp là do chuyển dịch cơ cấu lao động thấp; năng suất nội ngành chưa thực sự phát huy động lực chính để cải thiện NSLĐ.

Thứ hai, chất lượng nguồn lao động chưa cao. Theo số liệu báo cáo năng lực cạnh tranh quốc tế của Diễn đàn kinh tế thế giới 2018 chất lượng nguồn nhân lực có 2 chỉ số, gồm: chỉ số sức khỏe và kĩ năng. Chỉ số sức khỏe, Việt Nam đứng thứ 68 trên 140 nước; chỉ số kỹ năng xếp thứ 97/140 nước. Trong chỉ số kĩ năng, chỉ số kĩ năng sinh viên sau tốt nghiệp đứng thứ 128; chỉ số chất lượng đào tạo nghề đứng 115/140 nước. 

Việc NSLĐ thấp, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức, trong đó có vấn đề già hóa dân số, trình độ quản lý doanh nghiệp và ý thức người lao động chưa cao. Theo TS Hiệp, Việt Nam đã tích cực cải thiện năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo của nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn phải tích cực đổi mới. 

Trong bối cảnh thế giới mới, cách mạng 4.0 đang tác động trực tiếp tới các quốc gia, doanh nghiệp và người dân, nếu không bắt kịp chúng ta khó thúc đẩy tăng NSCL thời gian tới.

 Ảnh minh họa

Chia sẻ sâu hơn về việc chuyển đổi số, doanh nghiệp sản xuất thông minh, TS Hiệp cho rằng lợi thế của Việt Nam tiếp cận sản xuất thông minh là có lực lượng làm về CNTT, chuyên gia, doanh nghiệp phát triển giải pháp thông minh để giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thuận lợi hơn. Tổ chức năng suất châu Á cũng có những chương trình hỗ trợ chuyển đổi sản xuất thông minh. Đây là xu thế, yêu cầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại.

Theo TS Hiệp, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Chính phủ điện tử, chuyển đổi số và sản xuất thông minh. Còn thời gian tới, TS Hiệp cho biết Bộ KH&CN được Chính phủ giao là đầu mối đại diện Việt Nam tham gia vào tổ chức năng suất châu Á. Tổ chức này có 20 thành viên, hỗ trợ, thúc đẩy năng suất, trong đó có năng suất lao động.

Năm 2018, Bộ Trưởng Bộ KH&CN đề xuất Tổng thư ký và tổ năng suất châu Á hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia dựa trên KHCN và ĐMST. "Chúng tôi đang phối hợp với tổ chức năng suất châu Á, các Bộ, ngành Việt Nam… xây dựng kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia. Dự kiến kế hoạch thúc đẩy dựa trên: áp dụng công cụ cải tiến năng suất, công cụ KHCN; thúc đẩy năng suất nội ngành theo hướng tham gia vào các công đoạn, giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng; thúc đẩy năng suất vĩ mô thông qua phát triển lực lượng lao động có trình độ; thúc đẩy giải pháp KHCN và ĐMST quy mô nền kinh tế để tăng năng suất", TS Hiệp nhận định.

Ngoài ra, cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung xây dựng và phát triển thể chế để tăng năng suất. Về phía Tổng cục TCĐLCL, TS Hiệp cho biết thời gian tới Tổng cục có những chương trình ngắn, dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất nội ngành. Sắp tới, tổ chức năng suất châu Á hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược giúp thúc đẩy năng suất dựa trên KHCN, ĐMST.

"Chúng tôi xác định ĐMST là động lực quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất nền kinh tế thành viên. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN các chương trình giải pháp, trong đó có chương trình 712, hỗ trợ chục ngàn DN tiếp cận công cụ cải tiến năng suất", TS Hiệp nói.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang