'Nếu tôi làm Chủ nhiệm VPQH, có thể thải được 40% công chức...'

author 14:06 16/11/2015

Ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, quan sát trong bộ máy Nhà nước mà ông đã từng làm quản lý thì có khoảng 60% cán bộ, công chức làm việc còn có thể thải được 40%.

Ông Nguyễn Đình Quyền.

Có thể thải được 40% công chức

Theo kế hoạch, giai đoạn 2015 - 2021, bộ máy Nhà nước sẽ tinh giản biên chế trên 296 nghìn người (chiếm 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay). Cả nước hiện có gần 3 triệu người thuộc bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương.

Mới đây nhất, Sở Nội vụ TP HCM trình UBND thành phố đề án tinh giản biên chế trong 6 năm tới. Theo đó, thành phố này sẽ thực hiện tinh giản 1.300 người ở khối hành chính và hơn 12.600 người ở khối sự nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với công Nguyễn Đinh Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

PV: Ông đánh giá như thế nào về vấn đề tinh giản biên chế trong bộ máy Nhà nước thời gian qua?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Quá trình tinh giản biên chế phải đặt trên tổng thể hệ thống chính trị chứ không chỉ bộ máy Nhà nước nói chung. Cái đó là đề án lớn khi Hiến pháp 2013 ra đời thì chúng ta phải rà soát lại.

Tuy nhiên, trong bộ máy Nhà nước, khối lượng biên chế khổng lồ nhất thì chúng ta đang cải cách bằng cách định biên.

Định biên là mỗi vị trí công tác thì công việc như thế nào. Trong một số ngành, tôi thấy một số ngành đã định biên được, ví dụ như kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán một tháng vào xử, điều tra bao nhiêu vụ thì một số cơ quan đã định biên được.

Việc đó làm rất tốt và là cơ sở tính biên chế. Nhưng nhìn chung thì chưa định biên được nên dẫn đến giảm biên chế rất khó khăn. Hơn thế nữa theo quy trình hiện nay, tinh giảm biên chế không dễ dàng một chút nào cả.

Người ta vẫn làm việc, bây giờ, hiệu quả đánh giá năng suất lao động như thế nào, những tiêu chí, người có thẩm quyền, cách thức thực hiện ra sao, trình tự thủ tục... vẫn rất mơ hồ.

Tôi đã từng làm vụ trưởng, lúc đó, tôi bảo chỉ cần 2 vụ phó thôi, nhưng thủ trưởng tôi bảo, không, anh phải cần 4 vụ phó. Tôi chưa cần lấy thêm người thì ông thủ trưởng bảo cần lấy thêm người...

Tức là người đứng đầu 1 đơn vị cũng không có thẩm quyền về biên chế, cán bộ. Người ta muốn tăng, muốn giảm thì lại phải ông trên nữa. Tính tự chủ của mỗi đơn vị, cơ quan bị chi phối rất nhiều.

Tính tự chủ đi đôi với tính tự chịu trách nhiệm, bởi vì người ta không tự chủ nên tính tự chịu trách nhiệm cũng yếu đi.

Cho nên muốn tinh giản bộ máy Nhà nước hiện nay để lương cải thiện thì có quá nhiều việc phải làm và phải có bàn tay nào đó rất mạnh mẽ.

Quan sát trong bộ máy Nhà nước mà tôi đã từng làm quản lý thì có khoảng 60% cán bộ, công chức làm việc còn có thể thải được 40%.

Có lần tôi đã từng nói, nếu tôi làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tôi có thể thải được 40% cán bộ, công chức ra khỏi bộ máy. Nếu cho phép tôi toàn quyền.

Bởi thực tế mà nói, các vụ, ở các vụ chuyên môn, người ta hoàn toàn có thể 1 người làm được việc ít nhất bằng 3 người, thậm chí có thể bằng 5 người khác.

Ngày xưa, lúc tôi là chuyên viên, công việc cả tuần tôi làm 2 ngày hết, sau đó tôi đi học ngoại ngữ, nghiên cứu.

Lúc tôi làm vụ phó, công việc cả tuần tôi làm 3 ngày hết, tức là định biên của mình không rõ nên cán bộ có năng lực người ta dư sức làm, vừa làm, vừa chơi cũng được.

Người ta dư sức làm việc của 2 anh vụ phó khác và 3 anh chuyên viên khác, nhưng mình không có cơ chế gì khuyến khích, thậm chí, người ta làm càng nhiều lại càng phải va chạm. Ra bỏ phiếu, bình bầu thì mất phiếu.

Cho nên, quan trọng nhất hiện nay là phải tính được cái định biên. Đặc biệt là giao quyền tự chủ cho người đứng đầu.

Còn thải bây giờ khó bởi vì, người ta đã ở trong bộ máy Nhà nước lâu rồi, cơ chế thải bằng cách nào là cả một vấn đề, chúng ta phải tính đến hậu quả pháp lý của vấn đề đó.

Bất cập về lương

PV: Quốc hội vừa có Nghị quyết tăng 5% lương cho công chức từ năm tới, nhưng thực tế hiện nay biên chế Nhà nước không giảm nên có ý kiến cho rằng, 5% đó không đủ để bù trượt giá? Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Thực ra 5% đó chỉ là phần nào đó để bù trượt giá thôi. Thực ra, tôi rất ngạc nhiên và về lương thì có rất nhiều câu chuyện phải nói.

Thí dụ, tôi nói những doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn kinh tế như dầu khí, điện lực, tại sao lương lại mấy chục triệu như vậy? Địa tô chênh lệch đó không phải do anh ta tạo nên mà do cán bộ Nhà nước và do ngân sách Nhà nước đầu tư cho anh tạo nên.

Ở các tập đoàn kinh tế, cán bộ công chức được Nhà nước bỏ tiền ra đào tạo, ngân sách Nhà nước bỏ tiền ra để làm các thủy điện, nhiệt điện hàng nghìn tỷ...

Khi bắt đầu kinh doanh anh đã tạo ra địa tô chênh lệch 1, chênh lệch 2 thì ngành anh hưởng, cái đó là vô cùng bất hợp lý.

Hai người, một người vào bộ máy Nhà nước thì hưởng lương như lương thứ trưởng của tôi hiện nay là khoảng 14 triệu đồng, một người tài năng chưa chắc hơn ai vào tập đoàn đó thì được hưởng lương 50 - 70 triệu đồng.

Như thế hoạch định lương kiểu gì? Thế mà nó vẫn diễn ra.

Đúng là hiện nay, trong bộ máy Nhà nước chúng ta đã trả lương cho một bộ phận không làm gì, nuôi báo cô. Nhưng đồng thời, chúng ta có tội với những người làm việc, làm việc bằng 5 người khác đang làm.

Chúng ta đang cào bằng quá nên đây là cái cần phải tính. Nếu không tính thì ngày càng triệt tiêu những động lực trong sự phát triển bộ máy Nhà nước và người có năng lực đến lúc nào đó, người ta sẽ chán, buông xuôi.

PV: Có một thực tế, các đơn vị giáo dục, y tế, được Nhà nước đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, người dân vẫn phải trả phí rất cao. Ông có nhìn nhận như thế nào về việc xã hội hóa những đơn vị này?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Các đơn vị sự nghiệp như giáo dục, y tế... thì không phải nước ta mà các nước họ cũng đầu tư vì đó là lợi ích công.

Nhưng trong dịch vụ lợi ích công của Việt Nam hiện giờ là thiếu minh bạch nhất mà việc này sẽ tạo ra lợi ích nhóm. Sẽ có một nhóm hưởng lợi từ cái thiếu minh bạch đó.

Cho nên, trong dịch vụ công đó phải tính đúng, tính đủ nhưng phải trên cơ sở tính minh bạch chứ không phải một nhóm người tạo ra định suất rồi áp vào người dân.

Ở đây, cơ quan có thẩm quyền phải phê duyệt cho từng định suất đó và phải tính trên mặt bằng trung bình của xã hội chấp nhận được.

Như vậy, nếu tính đúng, tính đủ, công khai minh bạch được thì đồng vốn của Nhà nước chi phí vào dịch vụ công đó sẽ minh bạch.

Thứ hai là công lao của đơn vị dịch vụ công đó và thứ ba là sự đóng góp của người dân. Ba thứ đó, mới tạo ra được dịch vụ công tránh được thất thoát, lợi ích nhóm.

Thực tế bấy lâu nay, một số nơi nhận những trường hợp thông qua quan hệ, quen biết vào quá nhiều nên không dễ cho nghỉ được. Hai nữa là cơ chế không đơn giản. Giờ có mỗi việc để thực hiện tinh giản biên chế một cách hết sức nghiêm túc, là xây dựng vị trí việc làm theo quy định của Luật Cán bộ công chức, thì cho đến thời điểm này cơ quan chủ trì cũng không làm nổi. Thế thì lấy cơ sở đâu để thực hiện? Nếu có chăng thì lại đẩy những người không quen biết, vì khi anh đã nhận vào bằng mối quan hệ quen biết, đến lúc đặt vấn đề nghỉ thì cũng lại điện thoại, cũng loại thư nọ, thư kia, thì làm sao chúng ta giải quyết được. Cuối cùng lại chỉ những người gọi là “thân cô thế cô” bị loại ra khỏi bộ máy.

ĐẠI BIỂU NGUYỄN SỸ CƯƠNG

Theo Trí Thức Trẻ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang