New Zealand cấm người dưới 15 tuổi hút thuốc lá vĩnh viễn từ năm 2023

author 11:26 16/12/2022

(VietQ.vn) - New Zealand vừa thông qua luật cấm bán thuốc lá vĩnh viễn cho người sinh sau năm 2008. Theo đó kể từ năm 2023 người dưới 15 tuổi sẽ bị cấm hút thuốc lá vĩnh viễn.

Luật mới được ban hành ngày 13/12, có hiệu lực vào năm sau. Theo quy định này, độ tuổi hút thuốc ở New Zealand (hiện là 18) sẽ được nâng lên hàng năm. Kể từ 2023, người dưới 15 tuổi sẽ bị cấm mua thuốc lá vĩnh viễn.

Cuối năm tới, nước này sẽ thu hồi giấy phép của 90% trong số 6.000 nhà bán lẻ thuốc lá. Người vi phạm có thể bị phạt tới 95.000 USD (2,3 tỷ đồng). Quy định mới cũng yêu cầu giảm lượng nicotin trong thuốc lá truyền thống và các sản phẩm thuốc lá điện tử, khiến chúng ít gây nghiện hơn.

Luật mới là kết quả các chiến dịch y tế công cộng kéo dài hơn một thập kỷ. Năm 2011, New Zealand lần đầu công bố kế hoạch giảm mức độ hút thuốc xuống dưới 5% dân số vào năm 2025. Mục tiêu mở rộng cho tất cả các nhóm dân tộc, gồm cả người Maori bản địa và công dân các đảo Thái Bình Dương. Trong những năm qua, giá thuốc lá đã tăng lên mức cao nhất trên thế giới. Một bao thuốc tại nước này có giá khoảng 20 USD.

New Zealand cấm trẻ dưới 15 tuổi hút thuốc lá vĩnh viễn vào năm 2023. Ảnh: VnExpress 

Với biện pháp đó, mức độ tiêu thụ thuốc lá đã giảm tổng thể. Tỷ lệ hút thuốc ở người lớn giảm một nửa trong 10 năm qua. Trong năm 2022, chỉ 8% dân số New Zealand hút thuốc mỗi ngày, theo thống kê của chính phủ.

"Luật giúp đẩy nhanh tiến độ hướng tới một tương lai không khói thuốc. Hàng nghìn người sẽ sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn", Ayesha Verrall, Bộ trưởng Nghiên cứu, Khoa học và Đổi mới New Zealand, nhận định.

Dù vậy, luật mới vấp phải chỉ trích của các nhà lập pháp cánh hữu. Họ cho rằng lệnh cấm sẽ thúc đẩy thị trường chợ đen và ảnh hưởng đến sinh kế của các chủ cửa hàng tiện lợi bán thuốc lá.

Chính phủ trước đó cũng thừa nhận quy định nghiêm ngặt có lợi ích về sức khỏe, song sẽ góp phần làm gia tăng hoạt động buôn lậu của các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Theo các chuyên gia, giải pháp là siết chặt hoạt động nhập khẩu.

New Zealand không phải là quốc gia đầu tiên ban hành luật lệ nhằm giảm thiểu việc hút thuốc. Năm 2004, Ireland bắt đầu cấm hút thuốc lá ở các không gian trong nhà như quán rượu, nơi công cộng và trên phương tiện giao thông. Tiếp đến, hàng chục nước như Brazil, Na Uy và Uganda đưa ra luật tương tự. Bhutan đã cấm hoàn toàn việc bán thuốc lá vào năm 2005, nhưng đảo ngược quy định vào năm 2020 khi giới chức lo ngại hoạt động buôn lậu sẽ thúc đẩy sự lây lan của Covid-19.

Hôm 23/11, Bộ Y tế Việt Nam cũng đề nghị cấm bán thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vì có hại đến sức khỏe, nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết hai loại sản phẩm này làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là ở trẻ em, thanh thiếu niên. Theo Bộ Y tế, quy định cấm phù hợp với xu hướng thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trước bối cảnh các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội.

Liên quan tới thuốc lá, theo báo cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO), thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.

Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được WHO cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.

Có hơn 5.000 thành phần hóa học được tìm thấy trong khói thuốc lá và hàng trăm thành phần trong số đó gây hại đến sức khỏe con người. Một số chất chủ yếu sau có trong khói thuốc:

Butadiene là một hóa chất được dùng để sản xuất cao su. Nó được xem là một hóa chất gây ung thư và có thể gây ra một số bệnh ung thư máu.

Arsenic được dùng để bảo quản gỗ. Một số hợp chất arsenic có liên quan đến ung thư phổi, da, gan và bàng quang. 

Benzene được dùng để sản xuất các hóa chất khác. Nó có thể gây ung thư, đặc biệt là bệnh bạch cầu ở người.

Cadmium là kim loại được dùng để sản xuất pin. Cadmium và hợp chất cadmium có thể gây ung thư phổi và có liên quan đến ung thư thận và tuyến tiền liệt.

Chromium VI được dùng để chế tạo kim loại hợp kim, sơn và thuốc nhuộm. Các hợp chất Chromium VI gây ung thư phổi và có liên quan đến ung thư mũi và xoang mũi.

Formaldehyde được dùng để sản xuất các hóa chất khác và nhựa. Nó còn được dùng như một chất bảo quản. Formaldehyde gây bệnh bạch cầu và ung thư ở các mô hô hấp.

Polonium-210 là một nguyên tố phóng xạ đã được chứng minh là gây ung thư ở động vật.

Tar được tạo ra từ một số hóa chất có trong khói thuốc lá. Nó để lại dư lượng màu nâu, dính trên phổi, răng và mô.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang