Nga – Mỹ tranh cãi xung quanh bằng chứng tên lửa bắn rơi MH17

author 18:20 03/06/2015

(VietQ.vn) - Sau khi nhà sản xuất tên lửa BUK của Nga đưa ra bằng chứng cho rằng Ukraine bắn rơi máy bay MH17, Mỹ vẫn nhất quyết không thay đổi quan điểm của mình về vụ tai nạn này.

Báo Lao Động đưa tin, nhà sản xuất tên lửa phòng không (BUK) Almaz Antey của Nga hôm 2/6 tổ chức họp báo công bố những bằng chứng của riêng mình để chứng tỏ, việc Liên minh Châu Âu (EU) trừng phạt công ty này vì vụ tai nạn máy bay MH17 là không công bằng.

Theo Almaz Antey, nếu tên lửa BUK bị nghi vấn được sử dụng để bắn chiếc máy bay của Malaysia Airlines, thì loại tên lửa có thể gây thiệt hại như vậy với MH17 chỉ có thể là BUK9M38 và BUK9M38-M1. Tuy nhiên công ty này cho hay, tên lửa 9M38-M1 có khả năng tấn công các máy bay Boeing, không được sản xuất tại Liên bang Nga từ năm 1999.

lmaz-Antey có bằng chứng cho thấy các hệ thống tên lửa phòng không BUK-M1 và tên lửa đi kèm vẫn được triển khai trong lực lượng vũ trang Ukraina trong năm 2005. Theo bằng chứng của công ty này, Ukraina đã có tổng số 991 tên lửa 9M38M1 vào thời điểm đó.

Cho đến thời điểm này vẫn chưa tìm được nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn máy bay MH17

Cho đến thời điểm này vẫn chưa tìm được nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn máy bay MH17. Ảnh RT

Ngay lập tức, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã đưa ra đánh giá: "MH17 bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không bắn ra từ lãnh thổ thuộc lực lượng ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraina. Chúng tôi tự tin rằng, không hệ thống phòng không nào của Ukraina ở trong phạm vi xảy ra vụ tai nạn”. Bà cũng cho rằng, sự thay đổi câu chuyện này chỉ bắt nguồn từ phía Nga.

Tin tức về một vụ tai nạn máy bay khác cũng thuộc hãng Malaysia Airlines, các quan chức Úc ngày 3/6 thông báo sẽ không mở rộng phạm vi tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200 (chuyến bay số hiệu MH370) đang mất tích, trừ phi đội tìm kiếm phát hiện manh mối mới, theo ghi nhận của báo Thanh Niên.

Vào tháng 4/2015, hơn một năm sau khi chiếc Boeing 777-200 chở theo 239 người mất tích bí ẩn khi đang trên đường bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) sang Bắc Kinh (Trung Quốc), chính phủ Malaysia, Úc và Trung Quốc đã thông báo sẽ tăng gấp đôi diện tích vùng tìm kiếm. Điều này đồng nghĩa phạm vi hoạt động của 3 tàu thuyền được các nước huy động để tìm xác chiếc máy bay tại vùng biển phía nam Ấn Độ Dương tăng lên đến 120.000 km2, theo AFP.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang