Nghệ An: Xử phạt doanh nghiệp vì vi phạm lĩnh vực thương mại điện tử

author 10:43 23/09/2022

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường Nghệ An vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH LEVUCE do vi phạm lĩnh vực thương mại điện tử.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11, Cục QLTT Nghệ An phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH LEVUCE, địa chỉ tại số 108, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Tại thời điểm kiểm tra, công ty có hoạt động thương mại điện tử trên website có địa chỉ tên miền http://rongnhorganicyukibudo.com.

Sau đó, Đoàn kiểm tra đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH LEVUCE với số tiền 20 triệu đồng về hành vi thiết lập Website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định. 

Đoàn kiểm tra kiểm tra tại cơ sở kinh doanh

 

 

Ngoài xử phạt, lực lượng QLTT cũng tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong thương mại điện tử và yêu cầu công ty thực hiện đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật để hoạt động kinh doanh được hiệu quả, tránh được những vi phạm không đáng có.

Trên website của công ty này hiện đang bày bán nhiều sản phẩm từ rong nho và rất nhiều sản phẩm khác được gắn định giá cho từng sản phẩm. Công ty này cũng giới thiệu rong nho Yukibudo được sản xuất tại nhà máy Việt - Nhật Organic Food lớn nhất Việt Nam.

Website quảng cáo sản phẩm 

Để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động thương mại điện tử, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính về thương mại điện tử tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2020.

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với 05 nhóm hành vi vi phạm hành chính về thương mại điện tử gồm: (1) Hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động); (2) Hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động; (3) Hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; (4) Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử; (5) Hành vi vi phạm về hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử.

Đối với nhóm hành vi về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động thì cá nhân vi phạm bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 30 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Các hành vi vi phạm thuộc nhóm này như: Sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng; giả mạo thông tin thông báo trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng; không đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; giả mạo thông tin đăng ký trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử; tiếp tục hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký…

Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, từ 02 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với tổ chức khi thực hiện một trong các hành vi thuộc nhóm vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động như: Thiết lập chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động nhưng quy trình giao kết hợp đồng không tuân thủ quy định của pháp luật; sử dụng đường dẫn để cung cấp thông tin trái ngược hoặc sai lệch so với thông tin được công bố tại khu vực website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động có gắn đường dẫn này; cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet; giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử; đánh cắp, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý; lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động…

Mức phạt tiền đối với nhóm hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cũng là từ 01 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, từ 02 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với tổ chức. Một số hành vi vi phạm đáng chú ý thuộc nhóm này như: Không có biện pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động những thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật và hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định; tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới; tự ý thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ hoặc di chuyển trái phép thông tin thanh toán của khách hàng trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử hoặc để thông tin thanh toán của khách hàng qua website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng…

Đối với nhóm hành vi thứ 4 về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử như thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng mà không được sự đồng ý trước của chủ thể thông tin; thiết lập cơ chế mặc định buộc người tiêu dùng phải đồng ý với việc thông tin cá nhân của mình bị chia sẻ, tiết lộ hoặc sử dụng cho mục đích quảng cáo và các mục đích thương mại khác; sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng không đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo… thì Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với cá nhân, từ 02 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với tổ chức.

Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm thuộc nhóm vi phạm về hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử thì bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với tổ chức. Một số hành vi thuộc nhóm 5 này có thể kể đến như: Lợi dụng hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử để thu lợi bất chính; cung cấp dịch vụ đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa được xác nhận đăng ký hoặc cấp phép theo quy định; gian dối hoặc cung cấp thông tin giả mạo khi đăng ký hoặc xin cấp phép dịch vụ đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử…

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang