Quảng cáo ‘thổi phồng’ công dụng sản phẩm dạ dày Tâm Vị, lương tâm các nghệ sĩ ở đâu?
Sản xuất, buôn bán bánh cốm giả mạo nhãn hiệu bị khởi tố
Cảnh báo 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định quảng cáo
Thuốc bảo vệ thực vật chứa chất cấm 'hoành hành': Cần chế tài đủ mạnh
Nhập lậu lượng lớn quần áo, thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn
Như Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có bài viết phản ánh, tổ chức kinh doanh sản phẩm dạ dày Tâm Vị cố tình quảng cáo sai sự thật về công dụng của sản phẩm này như thuốc trị bệnh trong khi sản phẩm này chỉ là thực phẩm sức khỏe.
Cụ thể, theo đoạn video được tổ chức kinh doanh quảng cáo trên mạng xã hội tiktok, nghệ sĩ hài Quang Thắng dẫn dắt người tiêu dùng bằng câu chuyện bị đau dạ dày hành hạ kèm với đó là hiện tượng ợ hơi, ợ chua. Sau đó, nghệ sĩ này chia sẻ được bạn bè giới thiệu sản phẩm dạ dày Tâm Vị và trực tếp chia sẻ cách sử dụng cũng như “thần thánh hóa” việc chữa đau dạy dày của mình.
Cùng với Quang Thắng, diễn viên mới trở lại trong phim Hương vị tình thân Quách Thu Phương cũng dành những lời có cánh cho sản phẩm này trong việc chữa bệnh đau dạ dày.
Diễn viên Quang Thắng quảng cáo sản phẩm dạ dày Tâm Vị trên mạng xã hội.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc người nổi tiếng quảng cáo các sản phẩm sai phạm là hành vi lừa dối khán giả.
Luật sư Cường phân tích, người nổi tiếng thường có lượng khán giả quan tâm, yêu quý rất đông đảo và hùng hậu. Sự quý mến, ái mộ với thần tượng sẽ khiến khán giả nảy sinh tâm lý tin tưởng mọi hành động, việc làm của họ là đúng đắn, muốn học theo, làm theo, sử dụng những sản phẩm dịch vụ người nổi tiếng, nghệ sĩ đang sử dụng. Từ đây các nhãn hàng tận dụng tối đa uy tín của giới nghệ sĩ để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ.
Các nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng sẵn sàng hợp tác thực hiện quảng cáo để gia tăng thu nhập. Việc nghệ sĩ ký các hợp đồng quảng cáo với các nhãn hàng, doanh nghiệp để quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp là chuyện hết sức bình thường. Đó là nguồn thu nhập hợp pháp và chính đáng của các nghệ sĩ ngoài tiền thù lao biểu diễn và các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác.
Tuy nhiên, tham gia vào thị trường quảng cáo, tìm kiếm thu nhập từ hoạt động quảng cáo thì nghệ sĩ cần tìm hiểu các quy định pháp luật để thực hiện việc quảng cáo đúng luật, mang lại những hiệu ứng tích cực với người hâm mộ, giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra đối với bản thân và cộng đồng xã hội, đặc biệt là đối với người hâm mộ mình.
Nghệ sĩ là người của công chúng, mức độ nổi tiếng phụ thuộc vào sự tin yêu của công chúng. Để trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều người mến mộ phải mất rất nhiều năm nhưng nếu không cẩn thận, phát ngôn thiếu chuẩn mực hoặc quảng cáo sai sự thật sẽ rơi vào tình trạng "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng".
Trường hợp nghệ sĩ vô ý hoặc cố ý vi phạm quy định của Luật Quảng cáo, quảng cáo các sản phẩm hàng hóa dịch vụ bị cấm hoặc thực hiện các hành vi cấm trong quảng cáo, quảng cáo khi chưa biết rõ về công dụng, giá trị của sản phẩm, quảng cáo sai sự thật hoặc có gian dối trong việc quảng cáo sẽ gây hệ lụy rất xấu cho xã hội và có thể bị mất danh tiếng, thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo điều 8, Luật Quảng cáo 2012, được sửa đổi năm 2018, hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 70 triệu đồng (Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP). Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định rõ: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…
Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!
Nam Dương