Người đang hóa trị ung thư cần đặc biệt tránh sử dụng rượu

author 14:43 18/04/2022

(VietQ.vn) - Theo Viện quốc gia về nghiện rượu và lạm dụng rượu của Mỹ, người đang hóa trị ung thư không nên sử dụng rượu vì có tác dụng tiêu cực.

Mọi người chỉ biết hút thuốc và phơi da ngoài ánh nắng mặt trời có thể gây ra bệnh ung thư, tuy nhiên ít người không nhận ra sự nguy hiểm của bệnh ung thư có thể đến từ việc uống rượu bia hoặc cocktail. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng uống rượu gây ra các thay đổi hóa học và vật lý khác nhau trong cơ thể khiến bệnh ung thư dễ bị mắc hơn. Rượu là nguyên nhân cho khoảng 5% trường hợp mắc và tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới. Thậm chí trong quá trình xạ trị nếu sử dụng rượu sẽ gây ra nhiều tổn hại cho sức khỏe người bệnh.

Cụ thể, theo Viện quốc gia về nghiện rượu và lạm dụng rượu của Mỹ, tùy vào cơ địa và từng loại ung thư mà rượu có tác động khác nhau trong quá trình hóa trị ung thư. Tuy nhiên, đa số các tác dụng đều tiêu cực cho sức khỏe người bệnh ung thư.

 Trong quá trình xạ trị ung thư không nên uống rượu. Ảnh minh họa

Đầu tiên, rượu khi tương tác với một số loại thuốc hóa trị có thể làm tăng tác dụng phụ của hệ thần kinh trung ương gây ra mất thăng bằng, đau đầu, buồn ngủ hoặc chóng mặt. Người bị ung thư não di căn đang hóa trị dùng rượu gây nên buồn nôn dữ dội do tác động của rượu với gleostine (thuốc dùng trong hóa trị), hoặc khi rượu kết hợp với một số thuốc giảm đau có thể gây buồn ngủ quá mức, lú lẫn, làm giảm nhịp thở, huyết áp và nhịp tim.

Một số tác dụng phụ khác cũng được ghi nhận khi uống rượu trong khi hóa trị ung thư, cụ thể như:

Mất nước: tác dụng khử nước của rượu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước do hóa trị (thường do nôn mửa, tiêu chảy hoặc đi tiểu nhiều).

Loét miệng: loét miệng do hóa trị khá phổ biến, rượu sẽ là tác nhân thúc đẩy vết loét và tăng đau đớn.

Buồn nôn: rượu gây khó chịu cho dạ dày và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng buồn nôn do hóa trị.

Ảnh hưởng công thức máu: rượu có thể cản trở việc sản xuất tế bào máu, có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng ức chế tủy xương ở những người đang hóa trị.

Bệnh thần kinh ngoại biên: do hóa trị gây ra cảm giác ngứa ran ở bàn tay và bàn chân. Nghiện rượu mạn tính có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Rối loạn giấc ngủ: rượu có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Đối với người ung thư, ngủ và thời gian sống tương ứng với nhau, nhất là những người bị ung thư giai đoạn cuối.

Trầm cảm: thường gặp ở những người mắc bệnh ung thư. Rượu có thể làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm và khiến người bệnh khó đối phó hơn trong quá trình hóa trị.

Tuy uống rượu gây nên nhiều tác động tiêu cực đến ung thư nhưng đến nay rất ít bằng chứng chứng minh uống rượu thúc đẩy sự phát triển của ung thư hoặc ảnh hưởng đến thời gian sống của người bệnh.

Nghiên cứu "Uống rượu và khả năng sống sót sau khi được chẩn đoán ung thư vú" của Mỹ đã phân tích tổng hợp dữ liệu của 29.239 trường hợp bị ung thư vú. Kết quả cho thấy, sử dụng rượu không ảnh hưởng đáng kể đến thời gian sống sót hoặc tỷ lệ tiến triển của ung thư.

Các nhà nghiên cứu lưu ý, ngoài những tác dụng phụ của rượu với hóa trị ung thư, nếu uống rượu ở mức độ vừa phải là giảm lo lắng. Họ lý giải rằng để đối phó với căng thẳng, thỉnh thoảng uống một ly rượu vang có thể hữu ích. Tuy nhiên, bác sĩ không khuyến khích uống rượu trong quá trình điều trị ung thư. Nếu muốn ăn uống gì trong quá trình điều trị ung thư, tốt nhất bệnh nhân nên hỏi bác sĩ điều trị.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang