Người Việt sinh năm 78 'ngự tốp' nhà kinh tế trẻ xuất sắc thế giới

author 10:19 16/02/2016

(VietQ.vn) - GS.TS Nguyễn Đức Khương sinh năm 1978 vừa lọt tốp 7 nhà kinh tế trẻ xuất sắc của thế giới.

Giáo sư Nguyễn Đức Khương (hiện đang giảng dạy ở Pháp) vừa được dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc xếp thứ 7 trong số 200 nhà kinh tế trẻ xuất sắc của thế giới.

Danh sách 200 nhà kinh tế trẻ này được chọn ra từ 18.625 nhà nghiên cứu kinh thế giới có ấn phẩm khoa học, mọi thể loại, xuất bản từ 10 năm trở lại đây.

Giáo sư Nguyễn Đức Khương lọt tốp 7 nhà kinh tế trẻ xuất sắc của thế giớiGiáo sư Nguyễn Đức Khương lọt tốp 7 nhà kinh tế trẻ xuất sắc của thế giới

Trong số 10 người đầu tiên của danh sách, có mặt các học giả từ những trường như Chicago, MIT, Yale, Wharton School of Business (Mỹ), Toulouse School of Economics (Pháp).

So với năm 2015 , cũng trong bảng xếp hạng này, TS Khương đã tăng thêm 5 bậc (từ vị trí 12 lên vị trí số 7).

Nhà kinh tế Nguyễn Đức Khương hiện là giáo sư ngành tài chính, Phó giám đốc hợp tác khoa học quốc tế và nghiên cứu, & Trưởng khoa Kinh tế - Tài chính tại Học viện quản lý và quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School), Pháp.

Anh cũng là cộng tác viên giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Sorbonne, Pháp, và nhiều đại học trên thế giới tại Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha.

GS Nguyễn Đức Khương có học vị tiến sĩ khoa học quản lí, chuyên ngành tài chính năm 2005; trước đó tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Thương mại (năm 2000).

Anh tham gia ban biên tập nhiều tạp chí chuyên ngành về kinh tế - tài chính và tổ chức nhiều hội thảo quốc tế.

GS Khương cũng là thành viên của nhóm tư vấn điều phối tài chính Châu Á (Asian Shadow Financial Regulatory Committee), tư vấn cho nhiều chính phủ Châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Philippines.

TS Khương có 3 năm làm chủ tịch Hội Tài chính người Việt trên toàn thế giới (từ năm 2012) và hiện là Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia tại Pháp (AVSE); tham gia các hợp tác đa ngành Pháp-Việt (Kinh tế, tài chính, xây dựng...), tổ chức nhiều hội thảo, khóa đào tạo, làm nghiên cứu chuyên ngành liên quan đến Việt Nam.

RePEc xếp hạng các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và các nhà nghiên cứu về kinh tế trên thế giới, có đăng kí vào cơ sở dữ liệu của RePEC.

Việc xếp hạng căn cứ vào nhiều chỉ tiêu khác nhau. Có khoảng 30 chỉ tiêu để xét chọn các nhà nghiên cứu, ví dụ số lượng bài, số lần được các bài báo và tạp chí khoa học khác trích dẫn, mức độ ảnh hưởng,...

Dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics) là nỗ lực hợp tác của hàng trăm tình nguyện viên tới từ 82 quốc gia trên thế giới nhằm tăng cường phổ biến nghiên cứu về kinh tế học và các ngành khoa học liên quan.

Các tài liệu, sách báo và phần mềm được thu thập và duy trì bởi các tình nguyện viên được phục vụ cho nhiều mục đích nghiên cứu khác nhau.

GS.TS Nguyễn Đức Khương sinh năm 1978, tốt nghiệp ĐH Thương Mại trong nước và sang Pháp du học theo học bổng của tổ chức Pháp ngữ (Agence Universitaire de la Francophonie).

Sau khi hoàn thành khóa học Thạc sỹ quản trị tài chính vào tháng 9/2001, anh tiếp tục làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ ngành khoa học quản lý.

Năm 2006, anh được Hội đồng khoa học quốc gia của Bộ Giáo dục Pháp cấp chứng chỉ tương đương với Phó giáo sư tại Việt Nam. Tháng 6/2009 anh đã bảo vệ thành công chứng chỉ có quyền hướng dẫn nghiên cứu sinh HDR (Habilitation à Diriger des Recherches), điều kiện cần để trở thành Giáo sư ở Pháp.

Nhà kinh tế trẻ xuất sắc của thế giớiNhà khoa học trẻ người Việt trở thành kinh tế trẻ xuất sắc nhất thế giới đang giảng dạy ở Pháp

Trong một lần chia sẻ về cơ hội và trách nhiệm của trí thức Việt đang học tập và sinh sống tại nước ngoài, GS.TS Nguyễn Đức Khương cho rằng, Tôi không có con số thống kê chính xác nhưng theo tôi được biết thì từ 2001 đến nay, mỗi năm riêng Trường ĐH Bách khoa Paris (Ecole Polytechnique, xếp số 1 của Pháp về đào tạo Kỹ sư) tiếp nhận khoảng  hơn 10 sinh viên Việt Nam đạt giải cao tại các kỳ thi quốc tế.

Trên thực tế, bộ phận này ngày một lớn mạnh, năng động, học tập và nghiên cứu tốt, nhiều người đã tốt nghiệp và hiện đang công tác tại nhiều trường Đại học, trung tâm nghiên cứu, tập đoàn lớn của Pháp, và nhiều nước khác. Có rất nhiều tấm gương, đã từng được báo chí nhắc đến như anh Ngô Bảo Châu (GS Toán học tại Đại học Paris 11), Ngô Đắc Tuấn (Tiến sỹ Toán, nghiên cứu viên của trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp, công tác tại ĐH Paris 13)…

Qua tiếp xúc với anh chị em trí thức trẻ người Việt tại nước ngoài, tôi thấy tinh thần chung của họ là mong muốn học tập và nghiên cứu tốt, nếu được thì tham gia công tác ở nước ngoài một thời gian để có điều kiện được sánh vai với đồng nghiệp năm châu, trau rồi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn và luôn sẵn sàng đóng góp hết mình vào sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội tại Việt Nam.

Bên cạnh đó họ cũng mong muốn Nhà nước, các cơ quan chức năng, có một cơ chế sử dụng trí thức đi vào thực chất, có chính sách đãi ngộ hợp lý để trí thức đang ở nước ngoài có thể đóng góp trực tiếp hay gián tiếp vào công cuộc xây dựng đất nước.

Hồng Anh (T/h)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang