Thêm 76 ca tử vong nghi liên quan men gạo đỏ Kobayashi: Nhật Bản tiếp tục điều tra

author 15:08 01/07/2024

(VietQ.vn) - Do phát hiện thêm nhiều trường hợp tử vong nghi có liên quan tới thực phẩm bổ sung men gạo đỏ của hãng Kobayashi, Bộ Y tế Nhật Bản đã khẩn trương tiến hành điều tra.

Công ty dược phẩm Kobayashi đang mở rộng điều tra khi có thêm 76 trường hợp tử vong có thể liên quan đến việc sử dụng thực phẩm bổ sung men gạo đỏ của hãng.

Công ty dược phẩm Kobayashi (Nhật Bản) thông báo hãng này đang xem xét mối liên hệ đáng nghi giữa các thực phẩm bổ sung chứa men gạo đỏ, hay còn gọi là beni-koji và tác dụng của chúng đối với thận kể từ khi nhận được báo cáo về bệnh thận liên quan đến sản phẩm này.

Hãng Kobayashi khẳng định sẽ mở rộng điều tra về phạm vi ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác ngoài thận. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho rằng công ty đã không thông tin báo cáo chính xác với các cơ quan chức năng về tình hình thực tế tác động đối với người sử dụng.

Bộ Y tế trước đó đã yêu cầu Kobayashi công khai số trường hợp bị ảnh hưởng sức khỏe do dùng sản phẩm của hãng, song Kobayashi vẫn chưa cập nhật số người chết kể từ ngày 29/3, thời điểm số người chết được ghi nhận là 5 người.

Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi nói việc Kobayashi Pharmaceutical không báo cáo cập nhật kịp thời số người chết là "cực kỳ đáng tiếc", đồng thời khẳng định Bộ Y tế sẽ giám sát để Kobayashi điều tra rốt ráo các trường hợp tử vong.

Trong khi đó Kyodo News dẫn lời Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Keizo Takemi nói công ty đã không báo cáo chính xác với các cơ quan chức năng về tình hình thực tế, và bộ này sẽ trực tiếp điều hành cuộc điều tra.

Nhật Bản tiếp tục điều tra những người tử vong nghi do sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng men gạo đỏ. Ảnh minh họa 

Được biết, Kobayashi bị Bộ Y tế điều tra vào đầu năm nay sau khi có thông tin nhiều người gặp các vấn đề sức khỏe liên quan đến thận sau khi dùng beni kōji, với 289 người nhập viện và hơn 1.600 người đến khám tại các cơ sở y tế (con số tính đến ngày 26/6).

Các báo cáo trước đó cho thấy axit puberulic, hay nấm mốc xanh, cùng hai hợp chất ngoài ý muốn khác, rất có thể là nguyên nhân ảnh hưởng sức khỏe của người dùng. Các chất này xuất hiện trong một lô nguyên liệu gạo men đỏ thô được sản xuất từ tháng 6 đến tháng 8 năm ngoái trong quá trình sản xuất.

Theo báo Manichi, Nhật Bản, sản phẩm "beni-koji choleste-help" (đã bị thu hồi) của Công ty dược phẩm Kobayashi chứa beni-koji (gạo men đỏ) - một loại thực phẩm lên men từ nấm mốc koji có màu đỏ tự nhiên, được sử dụng từ lâu trong ẩm thực và y học cổ truyền ở châu Á. Beni-koji được tạo ra bằng cách nuôi cấy các loại nấm mốc Monascus trên ngũ cốc như gạo.

Theo Phó giáo sư Yumiko Yoshizaki, chuyên gia về thực phẩm lên men từ Đại học Kagoshima, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện ra monacolin K - một thành phần có tác dụng làm giảm cholesterol từ nấm mốc vào những năm 1970. Trong những năm gần đây, thành phần này được sử dụng nhiều trong các loại thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, một số loài nấm mốc Monascus sản sinh ra citrinin, một chất độc được cho là gây ra các vấn đề về thận.

Sản phẩm của Công ty dược phẩm Kobayashi được sản xuất sử dụng một loại nấm mốc không sản sinh ra độc tố này. Các kết quả phân tích sau các sự cố gần đây cũng xác nhận không có sự xuất hiện của citrinin.

Theo Ủy ban An toàn thực phẩm Nhật Bản, vào năm 2014, Liên minh châu Âu đã thiết lập giá trị tiêu chuẩn cho citrinin được tạo ra từ các loại nấm mốc trong các thực phẩm bổ sung, sau khi ghi nhận các báo cáo về vấn đề sức khỏe nghi do tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc từ beni-koji.

Ở Pháp, người dân được khuyến cáo tham khảo bác sĩ trước khi tiêu thụ các sản phẩm beni-koji, trong khi Thụy Sĩ cấm bán các loại thực phẩm và thuốc có chứa beni-koji.

Kobayashi Pharmaceutical là một cái tên quen thuộc ở Nhật Bản, cung cấp nhiều loại sản phẩm liên quan đến sức khỏe và vụ bê bối đã trở thành tin tức hàng đầu ở nước này. Sau loạt thông tin bất lợi, doanh số bán một số sản phẩm dược phẩm Kobayashi đã giảm mạnh từ 30% - 40% so với cùng kỳ năm 2023.

Nghiên cứu y học mô tả gạo men đỏ như một chất thay thế cho statin giúp làm hạ lượng cholesterol hay giảm mỡ máu. Tuy nhiên, hiện có nhiều cảnh báo về nguy cơ tổn thương nội tạng tùy thuộc vào thành phần hóa học của nó.

Thực phẩm bổ sung phải ghi nhãn và công bố chất lượng

Theo Điều 9 Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định thực phẩm chức năng cụ thể là thực phẩm bổ sung cần đảm bảo thực hiện theo các yêu cầu ghi nhãn thực phẩm như sau:

Ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu tại Điều 6 Thông tư này, nhãn thực phẩm bổ sung phải đáp ứng các quy định sau đây: Phải ghi cụm từ thể hiện tên nhóm thực phẩm: “Thực phẩm bổ sung” hoặc tên nhóm trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trên phần chính của nhãn. Phải chỉ rõ đối tượng cụ thể, phù hợp với mức đáp ứng của liều khuyên dùng đã công bố hoặc phù hợp với bằng chứng khoa học đã được chứng minh về liều dùng khuyến cáo với những thành phần chưa có quy định mức đáp ứng.

Theo Điều 8 Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định nội dung công bố thực phẩm bổ sung cần phải thực hiện công bố hàm lượng chất dinh dưỡng và khuyến cáo. 

Công bố hàm lượng chất dinh dưỡng: Khi bổ sung các vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic hoặc chất có hoạt tính sinh học khác vào thực phẩm, việc công bố hàm lượng các chất đó có trong thực phẩm tính theo lượng dùng khuyến cáo hằng ngày cho người Việt Nam. Cụ thể, khi hàm lượng chất dưới 10% RNI thì không được ghi công bố về chất đó; Khi hàm lượng chất từ 10% RNI trở lên thì được công bố cụ thể tên, hàm lượng của các chất đó cho mỗi khẩu phần ăn hoặc trên 100g sản phẩm; Hàm lượng tối đa của vitamin, khoáng chất có trong thực phẩm tính theo liều khuyên dùng hằng ngày của nhà sản xuất không được vượt quá ngưỡng dung nạp tối đa của các vitamin và khoáng chất theo quy định.

Trong trường hợp Việt Nam chưa có mức RNI và ngưỡng dung nạp tối đa thì áp dụng theo quy định của CODEX hoặc các tổ chức quốc tế có liên quan.

Công bố khuyến cáo về sức khỏe: Các khuyến cáo về sức khỏe đối với các chất bổ sung chỉ được công bố khi hàm lượng chất đó có trong thực phẩm đạt được từ 10% RNI trở lên và có bằng chứng khoa học cụ thể để chứng minh. Đối với các thành phần bổ sung chưa có mức RNI theo quy định, chỉ được công bố khuyến cáo về sức khỏe của thành phần đó trên nhãn sản phẩm khi có các bằng chứng khoa học chứng minh hoặc khi hàm lượng của các thành phần trên phù hợp với mức khuyến cáo trong các tài liệu khoa học đã được công bố. Các khuyến cáo sức khỏe phải được ghi rõ ràng và thống nhất, phù hợp với đối tượng và liều dùng đã công bố.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang